Các quy định "sát sườn" có hiệu lực trong tháng 2/2016
Nghị định về tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ công an
Bắt đầu từ 1/2, Nghị định số 129/2015/NĐ-CP ngày 15/12/2015 quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục tuyển chọn và chế độ, chính sách đối với công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân; trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, cá nhân trong việc tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân chính thức có hiệu lực.
Nghị định số 129/2015/NĐ-CP ngày 15/12/2015 quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục tuyển chọn và chế độ, chính sách đối với công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân; trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, cá nhân trong việc tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2/2016 (ảnh minh họa, nguồn: Trí thức trẻ) |
Theo đó, đối tượng được tuyển chọn gồm: công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự. Công dân nữ trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự, có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Công an nhân dân, nếu tự nguyện và Công an nhân dân có nhu cầu thì được xem xét, tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
Theo Nghị định, công dân được tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân khi có đủ các tiêu chuẩn sau:
- Có lý lịch rõ ràng.
- Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
- Không có tiền án, tiền sự, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, quản chế, không trong thời gian bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục bắt buộc;
- Có phẩm chất, đạo đức tư cách tốt, được quần chúng nhân dân nơi cư trú hoặc nơi học tập, công tác tín nhiệm.
Bảo đảm tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an. Tốt nghiệp trung học phổ thông. Các xã miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tuyển công dân tốt nghiệp trung học cơ sở. Ưu tiên tuyển chọn công dân đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học trở lên, có chuyên môn cần thiết cho công tác, chiến đấu của Công an nhân dân.
Thể hình cân đối, không dị hình, dị dạng và đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe để thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Nghị định quy định thời gian thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là ba năm.
Công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được phong, thăng cấp bậc hàm Binh nhì, Binh nhất, Hạ sĩ, Trung sĩ, Thượng sĩ. Thời hạn xét thăng cấp bậc hàm Binh nhì lên Binh nhất 6 tháng; Binh nhất lên Hạ sĩ 6 tháng; Hạ sĩ lên Trung sĩ 1 năm; Trung sĩ lên Thượng sĩ 1 năm.
Bên cạnh đó, Nghị định quy định, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ có từ đủ 24 tháng đến dưới 36 tháng phục vụ tại ngũ, đạt danh hiệu chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ trở lên, bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp trong Công an nhân dân thì được xét, dự thi vào các học viện, trường Công an nhân dân theo quy định về tuyển sinh của Bộ Công an, tốt nghiệp ra trường được phong cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp.
Hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ không thuộc trường hợp trên, hết thời hạn phục vụ tại ngũ có đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu sử dụng của Công an nhân dân, nếu tự nguyện và Công an nhân dân có nhu cầu thì được xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp. Đối tượng, tiêu chuẩn và tỷ lệ chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp đối với hạ sĩ quan nghĩa vụ hết hạn phục vụ tại ngũ do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
Nghị định cũng quy định, trong thời gian phục vụ tại ngũ, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ được hưởng các chế độ, chính sách quy định đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ trong lực lượng vũ trang; khi hết thời hạn phục vụ được trợ cấp học nghề hoặc trợ cấp tạo việc làm và được ưu tiên thi tuyển vào các trường Công an nhân dân, được hưởng chế độ, chính sách khác theo quy định của Chính phủ
Cảnh sát giao thông thực hiện Thông tư 01/2016/TT-BCA
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2016 và thay thế Thông tư số 65/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ.
Nữ CSGT đưa người già qua đường |
Thông tư quy định rõ, có 5 trường hợp CSGT được phép dừng phương tiện đang lưu hành như sau: Thứ nhất, khi lực lượng CSGT trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Thứ 2, khi thực hiện kế hoạch, mệnh lệnh tổng kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên.
Thứ 3, thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên.
Thứ 4, trường hợp có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
Thứ 5, tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Thông tư cũng quy định rõ, việc dừng phương tiện phải đảm bảo: An toàn, đúng quy định pháp luật; không làm cản trở đến hoạt động giao thông; khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt thông tư này cũng nhấn mạnh, cán bộ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ có quyền hạn như sau:
Được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật.
Xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác theo quy định của pháp luật.
Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Được yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn giao thông; ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.
Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.
Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật.
Tạm thời đình chỉ người và phương tiện đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng phương tiện, đỗ phương tiện khi xảy ra ùn tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Hỗ trợ người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Có hiệu lực từ ngày 15/2/2016, Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Nghị định quy định cụ thể về chế độ hưu trí; chế độ tử tuất; quỹ bảo hiểm xã hội; phương thức đóng; mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; thay đổi phương thức đóng, mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;...
Dân quân tự vệ phối hợp bảo vệ biên giới, biển, đảo
Từ ngày 15/2, Nghị định 133/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc phối hợp của Dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo… chính thức có hiệu lực.
Theo đó, chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh có biên giới đất liền điều động Dân quân tự vệ trong địa bàn cấp tỉnh theo quy chế phối hợp hoạt động khi được sự nhất trí của Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Tư lệnh quân khu.
Tư lệnh Quân chủng Hải quân điều động Dân quân tự vệ biển theo quy chế phối hợp hoạt động sau khi thống nhất với Tư lệnh quân khu, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có Dân quân tự vệ biển.