Cá độ bóng đá và những hệ lụy khôn lường: Liên tục "cất vó" mùa World Cup
Những vụ án đau lòng đã xảy ra bắt nguồn từ cá độ bóng đá như giết người, trộm cắp tài sản... Một số người đã tìm đến cái chết vì không có khả năng trả nợ. Hệ lụy của cá độ bóng đá còn dai dẳng với người thân của họ khi nhiều gia đình có nguy cơ mất trắng nhà cửa, gia sản khánh kiệt.
Những ngày này, khi người hâm mộ đang vui buồn cùng với trái bóng tròn thì lực lượng Công an cả nước cũng đang căng mình với việc đấu tranh, phòng ngừa và ngăn chặn, triệt phá các đường dây cá độ bóng đá. Thủ đoạn của các đối tượng phạm tội càng tinh vi, đồng nghĩa với nhiệm vụ của các chiến sĩ càng thêm vất vả.
Nếu như trước đây, các giao dịch cá độ được thực hiện với hình thức đơn giản như ghi bằng tích kê, giao dịch trực tiếp với nhau thì hiện nay đối tượng triệt để lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin để thực hiện hành vi phạm tội.
Với hệ thống băng thông rộng, đường truyền thường xuyên được nâng cấp, dân cá độ có thể thực hiện hành vi phạm tội ở bất cứ nơi nào, bất cứ thời điểm nào, ngoài máy tính cá nhân còn có thể đánh bạc trên điện thoại thông minh và cả iPad. Trong trường hợp này, đối tượng sử dụng mật khẩu điện thoại hoặc trang bóng, nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.
Đối tượng Trần Giảng Ý Huệ ký vào biên bản. |
Phương thức thanh toán cũng có sự thay đổi. Nếu như trước đây, các chủ chứa và con bạc thanh toán trực tiếp với nhau bằng tiền thì hiện nay chúng dùng chữ tín để giao dịch. Các con bạc đặt tiền trước, đến hôm sau thắng thua thì mới thanh toán.
Trong trường hợp đối tượng thua muốn gỡ vẫn có thể tiếp tục gọi cho chủ cá, nạp tiền vào tài khoản của trang bóng đá. Các đối tượng cầm đầu và máy chủ thường đặt ở nước ngoài. Các đối tượng lập tài khoản theo hình thức quản trị mạng và thuê người trong nước điều hành. Khi thanh toán tiền, tội phạm cá độ hay sử dụng CMND giả để mở tài khoản ngân hàng.
Theo Công an TP Hà Nội, trước đây, các đối tượng tham gia cá độ bóng đá thường nhập "bảng cái" ở nước ngoài về, sau đó nhập bảng tổng trong nước rồi phân chia ra các bảng lẻ. Nhưng nay, tinh vi hơn, các đối tượng lập các trang mạng có máy chủ ở nước ngoài, còn các tên miền thì đã được phiên sang tiếng Việt để những người ham mê cá độ bóng đá có thể dễ dàng truy cập.
Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và số tài khoản gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Từ mạng tổng được chia làm nhiều mạng nhỏ để đáp ứng nhu cầu của các con bạc trong mỗi trận bóng.
Một số đối tượng còn mua tài khoản tổng bóng trên trang Web với giá hàng tỉ đồng, sau đó chia tài khoản thành nhiều tài khoản con và bán cho nhiều ngườicá độ bóng đá, tổ chức cho các con bạc cá độ bóng đá.
Ngày 24/6, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá một đường dây cá độ bóng đá mùa World Cup 2018, với tổng số tiền giao dịch lên tới gần 100 tỉ đồng. Đối tượng cầm đầu đường dây này là Hồ Đức Tuấn (Tuấn "béo") và Nguyễn Văn Tuân (Tuân "sáu", ngụ tỉnh Thanh Hóa). Sau khi triệt phá ổ bạc trên, mở rộng đường dây, Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục bắt giữ thêm các đối tượng: Nguyễn Văn Huấn (42 tuổi), Doãn Văn Sỹ (32 tuổi), Doãn Hữu Hùng (39 tuổi), Lê Thọ Mãi (34 tuổi), Lê Thị Hà (49 tuổi), Hồ Thị Cảnh (46 tuổi), Nguyễn Đăng Đức (36 tuổi), Trịnh Thị Yên (34 tuổi, cùng trú tại huyện Đông Sơn) và Trịnh Ngọc Thuyết (36 tuổi, ngụ huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa).
Để tổ chức đường dây cá độ bóng đá và ghi lô đề, Hồ Đức Tuấn đã mua tài khoản tổng bóng trên một trang web với giá 2 tỉ đồng, sau đó chia tài khoản thành nhiều tài khoản con và bán cho nhiều người cá độ bóng đá, tổ chức cho các con bạc cá độ bóng đá.
Vào thời điểm kiểm tra, Công an tỉnh Thanh Hóa đã thu giữ hơn 700 triệu đồng tiền mặt, 2 ô tô, 16 điện thoại di động, máy tính, máy fax và nhiều tang vật khác có liên quan đến hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá, ghi số lô đề.
Có vụ cả vợ và chồng cùng tham gia vào đường dây cá độ bóng đá. Đây được cho là chiêu thức tinh vi để qua mặt cơ quan Công an, đặc biệt trong mùa World Cup 2018 này. Cầm đầu hệ thống đánh bạc này là vợ chồng Võ Văn Nghĩa (25 tuổi) - Trần Giảng Ý Huệ (22 tuổi), cùng ngụ quận 7, TP Hồ Chí Minh.
Vợ chồng này đã liên hệ với các trùm cờ bạc quốc tế, tổ chức mạng cờ bạc qua trang web có máy chủ đặt tại Philippine. Trong đường dây, vợ chồng Nghĩa – Huệ tổ chức cho nhiều người thân, đàn em có vai trò phụ giúp trong việc tổ chức, quản lý hệ thống, chung chi tiền.
Từ mạng tổng, vợ chồng Nghĩa – Huệ chia ra nhiều tài khoản nhỏ cho các đại lý cấp dưới và hệ thống tài khoản được phát triển theo cấp số nhân. Khám xét nơi ở của các đối tượng, Công an thu giữ hơn 300 triệu đồng, nhiều phương tiện máy và thẻ ngân hàng phục vụ cho việc tổ chức, giao dịch cờ bạc. Đơn vị cũng đã tiến hành phong tỏa nhiều tài khoản ngân hàng của các đối tượng.
Ngày 22/6, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Tĩnh phối hợp với Công an Nghệ An và Công an các địa phương: TP Hà Tĩnh, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Thạch Hà tiến hành bắt giữ 13 đối tượng. Đường dây đánh bạc qua mạng do Đặng Phương Nam (22 tuổi, trú tại phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) cầm đầu.
Trong 1 tuần (từ ngày 14/6 đến 21/6) là thời gian diễn ra World Cup, các đối tượng đã giao dịch hơn 35 tỷ đồng. Để hình thành đường dây tổ chức đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá qua mạng Internet, vào khoảng tháng 5/2018, Đặng Phương Nam liên hệ qua mạng với một người đàn ông ở Nghệ An nhằm cá độ bóng đá trên mạng. Hai bên thống nhất, thứ hai hằng tuần tính thắng thua và thanh toán tiền mặt trực tiếp cho nhau.
Sau khi lấy được tài khoản chính, ngày 24/5, Nam bắt đầu chia "tài khoản con" đến các đại lý cấp dưới cho Nguyễn Huy Vũ Hoàng (21 tuổi, ở phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh), Trần Trọng Thân (26 tuổi, phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh), Lê Quốc Hoàn (34 tuổi, ở xã Thạch Châu, Lộc Hà) và Lê Văn Bình (23 tuổi, ở Diễn Châu, Nghệ An).
Các đại lý này tiếp tục chia cho các đại lý cấp thấp hơn và trực tiếp đánh với các con bạc qua mạng. Theo lời khai của Đặng Phương Nam, người tham gia đánh bạc thấp nhất là 1-5 triệu đồng, cao nhất 300-400 triệu đồng.
(Còn nữa)