Bức cung nhục hình và sự cần thiết của Luật tạm giữ, tạm giam
Trong thời gian gần đây, có nhiều vụ chết người trong khi tạm giữ, tạm giam. Nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận như 5 công an TP. Tuy Hòa (Phú Yên), vụ công an xã đánh chết người tại Kim Nỗ (Đông Anh- Hà Nội), rồi vụ xảy ra tại Đắk Nông, đến nam sinh 14 tuổi chết sau khi làm việc với công an xã Vạn Long (Vạn Ninh- Khánh Hòa)…
Hình ảnh dùng nhục hình vụ án Ngô Thanh Kiều ở Tuy Hòa (Phú Yên) |
Cuối năm 2013, nổi lên vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn. Ông Nguyễn Thanh Chấn đã phải ngồi tù 10 năm oan uổng vì mang trọng tội mà ông không làm, tội giết người. Ông được minh oan, trả tự do khi hung thủ thật sự ra đầu thú. Những vấn đề về điều tra, giam giữ trong vụ việc của ông Chấn cũng được "lật giở" nhiều, trong đó có vấn đề bức cung, nhục hình…
Do đó, việc cần thiết có một hành lang pháp lý rõ ràng nghiêm ngặt, đang đặt ra. Tại Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự, các nhà soạn thảo cũng đặt ra những quy định để chống bức cung nhục hình như bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung. Tại luật Tạm giữ tạm giam cũng đã đặt ra vấn đề này...
Trong báo cáo thẩm tra dự án Luật Tạm giữ, tạm giam, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội (UBTP) cũng chỉ ra rằng, tình trạng bức cung, nhục hình trong thời gian qua đã gây bức xúc trong dư luận nhân dân, chủ yếu xảy ra trong quá trình điều tra, nhất là giai đoạn tiền khởi tố đối với người bị tạm giữ, tạm giam. Mặc dù việc bức cung, dùng nhục hình không phải do người quản lý tạm giữ, tạm giam gây ra, nhưng các vụ việc đó lại xảy ra trong Nhà tạm giữ, Trại tạm giam.
Để tăng cường công tác chống bức cung, nhục hình, UB Tư pháp đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định ngay trong dự án Luật về việc thiết kế hệ thống các phòng hỏi cung, các hình thức giám sát, kiểm tra, kiểm sát việc hỏi cung, quyền giám sát việc hỏi cung của người quản lý tạm giữ, tạm giam; việc trích xuất bị can, bị cáo, người bị tạm giữ để lấy lời khai; việc kiểm tra sức khỏe người bị tạm giữ, tạm giam trước và sau trích xuất; trách nhiệm của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam khi có bức cung, nhục hình trong giai đoạn tạm giữ, tạm giam.... để bảo đảm căn cứ pháp lý cụ thể cho việc tổ chức thực hiện. Nhất là trong việc xác định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền trong tạm giữ, tạm giam.
Trước đó, trong Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Tạm giữ, tạm giam, do Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang thừa ủy quyền trình bày, đã chỉ rõ, Tạm giữ, tạm giam là biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, do cơ quan, người tiến hành tố tụng áp dụng đối với người bị bắt quả tang, truy nã, khẩn cấp và đối với bị can, bị cáo nhằm cách ly họ ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định để ngăn chặn họ tiếp tục phạm tội, ngăn chặn hành vi trốn tránh việc điều tra, truy tố, xét xử, cản trở việc xác định sự thật của vụ án hoặc để bảo đảm thi hành án. Trong những năm qua, việc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam đã được tổ chức chặt chẽ, phục vụ có hiệu quả cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đồng thời, bảo vệ tốt quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.
Từ năm 1998 đến hết năm 2014, các trại tạm giam, nhà tạm giữ trên toàn quốc đã tiếp nhận và quản lý giam giữ 2.039.012 lượt người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Hiện tại, toàn quốc có 83 trại tạm giam (trong Công an nhân dân có 70 trại tạm giam, trong Quân đội nhân dân có 13 trại tạm giam), 734 nhà tạm giữ (trong Công an nhân dân có 700 nhà tạm giữ, trong Quân đội nhân dân có 34 nhà tạm giữ) và 224 buồng tạm giữ thuộc các đồn biên phòng ở nơi biên giới, hải đảo xa trung tâm hành chính cấp huyện, đang trực tiếp quản lý giam giữ 47.827 người bị tạm giam, 1.010 người bị tạm giữ.
Thuyết minh của Chính phủ cũng đã đề cập nhấn mạnh đến quyền của người bị tạm giữ, tạm giam. Theo đó, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có quyền: Được bảo đảm tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản; được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, tư trang, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo và tài liệu khác theo quy định của Luật này; được gặp thân nhân, người khác theo quy định của Luật này; được bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa hoặc nhờ luật sư, người khác bào chữa; được gặp luật sư, người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của Luật này; được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.
Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam
1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có quyền:
a) Được bảo đảm tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản;
b) Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, tư trang, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo và tài liệu khác theo quy định của Luật này;
c) Được gặp thân nhân, người khác theo quy định của Luật này;
d) Được bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa hoặc nhờ luật sư, người khác bào chữa;
đ) Được gặp luật sư, người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của Luật này;
e) Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.
2. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có nghĩa vụ:
a) Tuân thủ chế độ quản lý giam giữ theo quy định của Luật này;
b) Chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ;
c) Chấp hành yêu cầu, hướng dẫn của người có thẩm quyền quản lý giam giữ.
(Trích Dự thảo Luật Tạm giữ tạm giam)