Bỏ túi những kiến thức này khi đi đường, ngại gì hiệu lệnh dừng xe
Rất nhiều người thắc mắc không hiểu vì sao khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì thấy Cảnh sát giao thông (CSGT) ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.
Một số trường hợp sau khi để kiểm tra giấy tờ, CSGT phát hiện người điều khiển phương tiện mắc một số lỗi song nhiều người không nắm được những vi phạm nào thì được áp dụng xử phạt tại chỗ nên khá bối rối. Trong khá nhiều trường hợp, người vi phạm luật giao thông gặp khó khăn khi thực hiện các quy trình nộp phạt sau khi bị lập biên bản.
Dưới đây là một số câu hỏi khá phổ biến mà nhiều người cần có câu trả lời chính xác, bỏ túi kinh nghiệm quý để sẵn sàng tham gia giao thông an toàn, không lo lắng khi bất ngờ nhận hiệu lệnh dừng xe kiểm tra của lực lượng cảnh sát giao thông.
Trên cổng thông tin điện tử Bộ Công an, bạn đọc Trung Hoàng hỏi: Tôi đang tham gia giao thông trên đường bằng xe máy, tôi đi đúng làn đường và đội mũ bảo hiểm có cài quai, xe của tôi có gương chiếu hậu đầy đủ nhưng CSGT vẫn ra hiệu lệnh yêu cầu tôi dừng xe để kiểm tra giấy tờ. Sau khi kiểm tra xong giấy tờ, tôi không vi phạm giao thông và tiếp tục được điều khiển xe tham gia giao thông. Tôi được biết, có Thông tư quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT nhưng tôi chưa nắm rõ. Vì vậy, cho tôi hỏi, những trường hợp nào CSGT được dừng phương tiện để kiểm tra giấy tờ của người đang tham gia giao thông như tôi?
Về nội dung này, Bộ Công an trả lời: Tại Điều 12 Thông tư số 01/2016/TT-BCA ngày 04/01/2016 của Bộ Công an về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT quy định cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;
- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục CSGT hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;
- Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT, Trưởng phòng CSGT hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên;
- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
- Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Bạn đọc Phương Lan hỏi: Tôi vi phạm lỗi vượt đèn đỏ và bị CSGT xử phạt. Tôi đã đề nghị được nộp phạt tại chỗ để tiếp tục lưu thông vì có việc đang rất vội nhưng CSGT không đồng ý. Tôi muốn hỏi, những lỗi vi phạm giao thông nào thì được nộp phạt tại chỗ?
Bộ Công an trả lời: Theo Khoản 1 Điều 56 của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ. Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản”.
Với hành vi vi phạm mà công dân đã trình bày “vượt đèn đỏ”, là hành vi vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông theo quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cụ thể:
+ Tại Điểm c Khoản 4 Điều 6 đối với phương tiện là xe mô tô: Mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.
+ Tại Điểm a Khoản 5 Điều 5 đối với phương tiện là xe ô tô: Mức phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Căn cứ theo các quy định trên, hành vi vi phạm của công dân phải thực hiện lập biên bản vi phạm hành chính và thực hiện các trình tự xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.