Bộ Nội vụ đề xuất lập nghị quyết riêng về biên chế giáo viên
Điều kiện để giáo viên hợp đồng được đặc cách vào biên chế
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ sáng nay, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho biết, xu thế tiến bộ chung là một giáo viên dạy số lượng học sinh càng ít, một nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe số lượng bệnh nhân càng ít thì chất lượng phục vụ, dịch vụ giáo dục và y tế ngày càng được nâng lên.
ĐB Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Minh Đạt |
“Điều này gây khó khăn như thế nào trong điều kiện nước ta đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức đơn vị sự nghiệp, nhất là ngành giáo dục và y tế? Bộ trưởng có giải pháp nào để khắc phục những khó khăn trong thời gian tới?”, ĐB Hải hỏi.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay, biên chế với riêng 2 lĩnh vực giáo dục, y tế chiếm số lượng rất lớn trong tổng biên chế với 80% đội ngũ.
Ông thừa nhận phần lớn các địa phương phản ánh số giáo viên không đủ đứng lớp, y tế không đủ nhân viên trong bệnh viện.
Theo Bộ trưởng, bước đầu chúng ta giải quyết được 19 tỉnh, giải quyết cho hơn 20.300 giáo viên mầm non có hợp đồng ký trước 31/12/2015. Trong tháng 8, Bộ Nội vụ đã phân cho các tỉnh này để giải quyết vấn đề.
Thống kê bước đầu còn đang thiếu 87.000 giáo viên các cấp, ngành y tế thiếu hơn 12.000 người.
"Vấn đề này Bộ Nội vụ đã có báo cáo, xin chủ trương với Thủ tướng giao cho Bộ phối hợp với Bộ trưởng Y tế, GD&ĐT xuống xác minh cụ thể ở từng địa phương và sẽ có đề xuất với Chính phủ và Bộ Chính trị để tiếp tục bổ sung biên chế phục vụ đúng chủ trương trên”, ông Tân nói.
Hôm qua Bộ trưởng Nội vụ đã duyệt văn bản, hôm nay sẽ phát hành gửi cho tất cả các địa phương là chúng ta thực hiện theo Kết luận 9028 của Bộ Chính trị về tuyển dụng đặc cách với giáo viên hợp đồng.
Theo đó, đối với những người đang thực hiện chế độ hợp đồng từ ngày 31/12/2015 trở về trước mà đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vị trí việc làm của Bộ GD-ĐT quy định, có đóng bảo hiểm y tế và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian này thì thực hiện tuyển vào công chức nhà nước, coi như nằm trong biên chế của năm 2015.
“Cái đó giao địa phương chủ động làm và chịu trách nhiệm, thuộc thẩm quyền của địa phương”, ông Tân nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Đang thiếu 87.000 giáo viên các cấp. Ảnh: Minh Đạt |
Ông đề nghị Hà Nội cũng phải nghiêm túc thực hiện như vậy. Còn nếu trường hợp sau khi tuyển dụng rồi mà còn thiếu nữa thì thực hiện tuyển dụng không qua thi hoặc thi tuyển theo đúng tinh thần nghị định số 161, trường hợp còn dôi dư phải giải quyết theo chế độ.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ thông tin, Bộ làm việc với Bộ GD-ĐT và xin kiến nghị với Chính phủ cho thành lập một nghị quyết riêng về vấn đề biên chế của giáo viên.
Lo 'giảm những người tinh'
Cũng đề cập đến vấn đề tinh giản biên chế, ĐB Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) cho biết, cử tri băn khoăn, lo lắng tình trạng “giảm những người tinh”.
“Bộ trưởng cho biết giải pháp tối ưu nào để khi sắp xếp bộ máy không loại bỏ nhầm người giỏi, giữ lại những người kém đức, kém tài?”, bà Dao hỏi.
Cũng theo ĐB, việc sắp xếp lại bộ máy nhà nước chắc chắn sẽ tồn đọng nhiều lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư. Điều này tạo nên tâm lý rất bất an.
ĐB Châu Quỳnh Dao |
ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp then chốt để giải quyết tốt chính sách cho lực lượng này.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói ông rất thống nhất về quan điểm không nên giảm biên chế “cào bằng”.
Theo ông, chỉ tiêu tinh giản biên chế của Chính phủ không quy định “cào bằng” mà giảm trong tổng biên chế của địa phương và ngành quản lý.
Lấy dẫn chứng từ chính ngành mình, ông cho hay khi giao biên chế cho năm 2019, Bộ Nội vụ tăng biên chế cho 3 đơn vị nhưng giảm 6 đơn vị.
Tùy theo chức năng, nhiệm vụ, công việc hàng năm, việc điều chỉnh trong tổng biên chế giao cho thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị quyết định, để bảo đảm tổng biên chế không tăng.
“Không phải đơn vị nào, sở nào, vụ nào chúng ta cũng đều giảm hết 2%”, ông Tân cho biết.
Đến năm 2021, khả năng chúng ta giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp trong các cơ quan hành chính là khả thi.
Hai năm qua, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tài chính đã cắt giảm ngay 2% biên chế mỗi năm. Bộ Tài chính cũng đã cắt kinh phí chi thường xuyên 2%. Đến cuối 2020, chúng ta sẽ đạt 8,85%, chỉ còn gần 1,3% là đạt chỉ tiêu đề ra.
Kết hợp với việc sắp xếp đơn vị hành chính, giảm số lượng công chức cấp xã và HĐND cấp xã, chắc chắn sẽ đạt được 10% đối với công chức.
Theo Bộ trưởng, với lĩnh vực viên chức thì khó thực hiện. Sẽ có một nghị định riêng về vấn đề viên chức.
“Viên chức mới giảm được 4,26%. Nếu tăng thêm hơn 29.000, và sắp tới theo đề nghị của các địa phương tăng thêm khoảng 1.000 viên chức giáo dục, y tế thì gần như 5 năm qua chúng ta không giảm được một biên chế nào”, ông Tân nói.
Ông cho hay, các địa phương cùng với Bộ Nội vụ tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới và phải cương quyết thực hiện được chủ trương của Đảng về vấn đề tinh giản biên chế.
“Không làm được việc này đồng thời với việc không thực hiện được cơ chế tiền lương từ năm 2021”, Bộ trưởng lưu ý.