Bộ Luật hình sự năm 2015 có nhiều lỗi trùng lặp nghiêm trọng như thế nào?
Mới đây, Luật sư Vũ Xuân Hoằng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho báo chí biết, ông phát hiện trong cuốn sách về Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 do NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành có một số lỗi nghiêm trọng. Theo ông, có 3 điều luật, các khoản khác nhau có khung hình phạt khác nhau, nhưng có chung 1 định lượng.
Lỗi thứ nhất, tại Điều 249 BLHS 2015 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy), điểm h khoản 2 quy định trùng lặp về trọng lượng ma túy với điểm c khoản 3 là “lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kg đến dưới 75 kg”. Tức là 2 khoản, 2 khung hình phạt khác nhau nhưng lại cùng có 1 định lượng.
Lỗi thứ 2, tương tự như vậy, tại Điều 250 BLHS 2015 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy), điểm d khoản 1 quy định trùng lặp về trọng lượng ma túy với điểm i khoản 2 là “lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kg đến dưới 25 kg”.
Lỗi thứ 3, tại Điều 252 BLHS 2015 (tội chiếm đoạt chất ma túy), điểm d khoản 1 quy định trùng lặp về trọng lượng ma túy với điểm h khoản 2 là “lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kg đến dưới 25 kg”.
Bộ luật hình sự |
Đây là một lỗi nghiêm trọng trong Bản in Bộ luật Hình sự mới ra đời. Vậy mức độ nghiêm trọng thế nào? Để trả lời câu hỏi này, PV Infonet đã có cuộc trò chuyện với luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Hãng luật Giải Phóng, Đoàn luật sư TpHCM).
Thưa luật sư, mấy hôm nay báo chí đưa tin về 3 lỗi sai của Bộ Luật hình sự 2015. Xin luật sư chia sẻ, đánh giá về mức độ nghiêm trọng của lỗi này?
Điều đó cho thấy có sự tắc trách trong công tác làm luật, trước khi Chủ tịch nước Công bố luật quy trình xây dựng luật phải qua 4 bước rất cụ thể và chặt chẽ: Soạn thảo dự án luật; Thẩm tra dự án luật; Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật; Quốc hội thảo luận, thông qua.
Việc để trùng lặp về tình tiết định khung trong một điều luật, theo tôi là điều luật không có giá trị, nên không thể áp dụng. Nếu bộ luật đã có hiệu lực sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, vì điều luật không thể thực thi, kéo dài thời hạn tam giam bị cáo một cách bất đắc dĩ, gây lãng phí cho ngân sách của nhà nước.
Nếu lỗi này không được sửa trước khi có hiệu lực thì có hành vi phạm tội nào lọt lưới không?
Như tôi đã nói, điều luật trong trường hợp này là không có giá trị áp dụng, nên không tòa nào dám vận dụng cả. Và nếu có hướng dẫn áp dụng, thì cũng chỉ vận dụng theo logic của điều luật, tức về nguyên tắc tình tiết định khung sẽ tỷ lệ thuận với khung hình phạt, với các tội danh về ma túy, số lượng ma túy càng cao thì khung hình phạt càng nặng.
Như vậy, nếu tình tiết định khung bị trùng nằm ở khung hình phạt (khoản) cao hơn sẽ không được áp dụng để cho hưởng một mức hình phạt trong khung hình phạt thấp hơn liền kề. Nếu vẫn áp dụng, tất nhiên sẽ có một hình phạt không tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội.
Thông thường như 3 lỗi được chỉ ra trong Bộ luật Hình sự năm 2015, cách xử lý sẽ như thế nào, thưa luật sư?
Trước hết phải xác định nguyên nhân gây ra lỗi, nếu chỉ là lỗi đánh máy do quá trình xuất bản thì đơn giản hơn. Còn nếu lỗi từ khâu xây dựng luật, thì căn cứ theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xử lý. Khoản 1 Điều 9 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định rõ: “Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành, hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Theo đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền giải thích luật, còn Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền sửa đổi luật. Lỗi sai sót nghiêm trọng này không thuộc trường hợp giải thích mà phải sửa.
Như vậy, thẩm quyền sửa đổi Bộ luật Hình sự thuộc về Quốc hội. Tuy nhiên, Quốc hội hiện tại không còn kỳ họp nào, nên phải chờ đến Quốc hội khóa mới, kỳ họp đầu tiên có thể được tiến hành vào khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8. Quy trình sửa đổi luật nhanh nhất là theo thủ tục rút gọn quy định 75, 76, 77 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành hoặc điều 146, 147, 148, 149 Luật BHVBQPPL năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.
Tóm lại, Bộ luật Hình sự sửa đổi được tiến hành trước ngày bộ luật này có hiệu lực gần như bất khả thi.
Được biết, Luật hình sự 1999 cũng bị lỗi, luật sư có nhận xét và lưu ý gì về các văn bản luật?
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về Quy trình xây dựng luật khá chặt chẽ, với một quy trình 5 bước và có sự tham gia của cả một tập thể trí thức trong việc soạn thảo, thẩm tra, góp ý, thảo luận thì rất khó xảy ra sai sót. Tuy nhiên, sai sót vẫn không thể tránh khỏi, nhưng việc phát hiện lỗi sau khi công bố luật ra cuộc sống thì lẽ ra là không nên có.
Việc phát hiện lỗi chính tả và những lỗi trùng lặp câu chữ, điều khoản không có gì là phức tạp, công việc này không cần đến người có trình độ hay nhiều người cùng tham gia. Thiết nghĩ, trong quy trình xây dựng luật, nên bổ sung một công đoạn chính để phát hiện lỗi chính tả và trùng lặp trong luật trước khi Quốc hội bấm nút thông qua.