Bộ luật Hình sự 2015: In lậu sách sẽ bị phạt tù đến 5 năm
Ngày 18/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Bộ luật, Luật vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10. Các bộ luật, luật được công bố gồm: Dân sự, Hình sự, Tố tụng dân sự, Tố tụng hình sự; các Luật Tố tụng hành chính, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Nghị quyết thi hành một số Luật, Bộ luật và Nghị quyết về việc thực hiện chế định Thừa phát lại.
Riêng với Bộ luật Hình sự thu hút sự chú ý của dư luận khá nhiều với việc bỏ một số các tội danh, bỏ hình phạt tử hình với 7 tội danh, đồng thời cũng nhấn mạnh thêm, tăng chế tài xử phạt với một số tội danh.
Tại điều 344, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi) bổ sung, nhấn mạnh thêm quy định về tội vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản. Trước đó, Bộ Luật hình sự 2009, quy định điều này tại điều 271, hình phạt chỉ "từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 1 năm, hoặc phạt tù 3 tháng đến 1 năm"
Việc nhấn mạnh, nâng cao chế tài phạt với hành vi này thể hiện sự kiên quyết của Đảng và Nhà nước đấu tranh với các loại tội phạm trong lĩnh vực xuất bản. Đây là loại tội phạm gây nguy hại về mặt tri thức, nhận thức cho xã hội, với các kiểu xuất bản in lậu, sách giả, tình trạng in, buôn bán, nhập khẩu sách trái phép, sách cấm lưu hành...
Sách giả, sách thật (Ảnh: Giáo dục Việt Nam) |
Tại Điều 344, quy định về "tội vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản" quy định: "Người nào vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Không tuân thủ quy định về biên tập và duyệt bản thảo nhưng vẫn xuất bản xuất bản phẩm, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;
b) In trên 2.000 bản đối với từng xuất bản phẩm mà không có xác nhận đăng ký xuất bản, không có quyết định xuất bản hoặc giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh; không có bản thảo đã được ký duyệt theo quy định của pháp luật;
c) Xuất bản, in hoặc phát hành xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, bị thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy hoặc nhập khẩu trái phép với số lượng 500 bản trở lên đối với từng xuất bản phẩm;
d) Đăng tải trên phương tiện điện tử xuất bản phẩm có nội dung bị cấm theo quy định của pháp luật hoặc không có xác nhận đăng ký xuất bản, không có quyết định xuất bản, không có bản thảo đã được ký duyệt mà xuất bản xuất bản phẩm đó;
đ) Phạm tội có số lượng xuất bản phẩm dưới mức quy định tại một trong các điểm b hoặc điểm c khoản này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này mà chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
e) Không nộp xuất bản phẩm lưu chiểu nhưng vẫn phát hành xuất bản phẩm, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm"
Tại khoản 2, đặt ra những tình tiết định khung với chế tài cao hơn. "Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 117 Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thay đổi, làm sai lệch nội dung bản thảo đã được ký duyệt hoặc bản thảo tài liệu không kinh doanh đã có dấu của cơ quan cấp giấy phép xuất bản để xuất bản có nội dung bị cấm theo quy định của Luật Xuất bản;
c) Phát hành xuất bản phẩm có nội dung bị cấm theo quy định của Luật Xuất bản".
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".
Với việc tăng nặng hình phạt, quy định rõ hành vi này, sẽ chấm dứt tình trạng in lậu tràn lan, xâm hại đến quyền tác giả, xâm hại đến các hoạt động xuất bản bình thường và phương hại đến nhận thức, tri thức, tư tưởng của xã hội...