Bình Dương: Nhiều người sập 'bẫy' tín dụng đen
Bình Dương: Nhiều người sập 'bẫy' tín dụng đen
“Sập bẫy" tín dụng đen
Theo tường trình của bà Huỳnh Thị Lệ, SN 1978, ngụ ấp Bàu Hốt, xã Lai Uyên, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương thì bà có vay của bà Nguyễn Thị Quyên, SN 1975 ngụ ấp 1, xã Trừ Văn Thố, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương với số tiền là 400.000.000 đồng, thỏa thuận lãi suất 5.000 đồng/ngày/triệu (15%/tháng). Bà Lệ không nhớ thời gian vay nhưng theo bà Lệ thì khoảng cuối năm 2010. Thời gian đầu bà Lệ đóng lãi đầy đủ 60 triệu đồng/tháng, nhưng đến tháng 4/2011 thì không có khả năng đóng lãi cho bà Quyên.
Ngày 10/4/2012, bà Quyên kêu bà Lệ và chồng là ông Nguyễn Thiện đến giải quyết chuyện vay tiền. Tại đây, bà Quyên đồng ý cho gia đình ông Thiện, bà Lệ trả góp tổng số tiền nợ và lãi là 700 triệu đồng, trong vòng 5 tháng, mỗi ngày góp 5 triệu đồng. Bà Lệ góp được 30 ngày (150 triệu đồng) thì không khả năng góp nữa. Sau đó, bà Quyên gọi bà Lệ đến “mượn” lại biên nhận góp tiền. Đến ngày 20/4/2012, bà Quyên kêu bà Lệ đến đưa thêm 50 triệu đồng và đề nghị bà Lệ, ông Thiện ký vào hợp đồng đặt cọc chuyển quyền sử dụng đất.
Theo bà Lệ thì bà Quyên nói là chỉ hợp thức hóa số nợ 750 triệu đồng. Bà Quyên sẽ cho vợ chồng ông Thiện, bà Lệ góp trong vòng 5 tháng, mỗi ngày góp 5 triệu đồng. Bà Quyên giải thích đây là hợp đồng đặt cọc không công chứng nên khỏi lo mất nhà. Vì tin bà Quyên nên vợ chồng ông Thiện đồng ý ký vào giấy đặt cọc bán nhà. Từ đây bà Quyên hợp thức hóa tiền cho vay nặng lãi thành tiền đặt cọc cho phần đất diện tích 807m2 và tài sản gắn liền trên đất.
Vợ chồng ông Nguyễn Kim Hòa.
Tương tự, ông Nguyễn Kim Hòa, SN 1963, ngụ ấp Bàu Bàng, xã Lai Uyên, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương do cần tiền nên vào tháng 7/2009, ông Hòa có vay của bà Quyên 100 triệu đồng, lãi suất 10%/tháng. Ông Hòa có thế chấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, việc vay 2 bên có làm giấy tờ ghi nhận. Trong thời gian này, ông Hòa đóng được 2 tháng tiền lãi là 20 triệu đồng thì hết khả năng chi trả. Đến tháng 5/2010, bà Quyên mới tính tiền gốc và lãi là 310 triệu đồng.
Ngày 16/5/2010, bà Quyên buộc ông Hòa ký nhận tiền đặt cọc mua bán nhà đất tại ấp Bàu Long, xã Lai Uyên, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương diện tích nhà là 134,452 m2, diện tích đất 441 m2 tại thửa 29, bản đồ số 1 (giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà số 1280/QĐ-UBND ngày 8-6-2009 do Ủy ban nhân dân Huyện Bến Cát cấp cho ông Nguyễn Kim Hòa) với số tiền đặt cọc là 310 triệu đồng. Như vậy, là bà Quyên đã hợp thức hóa số tiền cho vay trở thành số tiền đặt cọc tạo chứng cứ thưa kiện ra pháp luật để nhằm mục đích lấy nhà đất một cách hợp pháp.
Bằng thủ đoạn này, tại khu vực xã Trừ Văn Thố, xã Lai Uyên xã Cây Trường, Bến Cát, bà Quyên đã ép trên 10 nạn nhân đến đường cùng buộc phải giao nhà, đất như, Nhà trọ Hoài Thương, Cầm đồ Vũ Hằng, Ông Ken, Phượng (Nhãn), ki-ot Vân Sơn…. Những trường hợp không giao nhà thì bà Quyên sẽ kiện nạn nhân ra tòa án về việc “tranh chấp hợp đồng đặt cọc”!
Phía sau những bản án
Trường hợp của ông Thiện, bà Lệ theo bản án số: 81/2011/DSST, ngày 31/11/2011 thì Tòa án nhân dân huyện Bến Cát đã tuyên xử: “…buộc bà Hồ Thị Lệ và ông Nguyễn Thiện liên đới trả cho bà Nguyễn Thị Quyên số tiền 2,1 tỉ đồng…”. Như vậy, lúc đầu chỉ là số tiền vay có 400 triệu đồng đã trả lãi hàng tháng và số tiền trả góp được 150 triệu đến nay số nợ đã lên đến 2,1 tỉ thì việc không vỡ nợ mới là lạ…
Với phán quyết của tòa, căn nhà cua ông Hòa coi như mất trắng.
Riêng ông Nguyễn Kim Hòa, tại bản án số: 64/2011/DSST, ngày 24/8/2011 thì Tòa án nhân dân Huyện Bến Cát đã tuyên xử: “…buộc ông Nguyễn Kim Hòa có trách nhiệm thanh toán cho bà Nguyễn Thị Quyên số tiền 930 triệu đồng…”. Từ 100 triệu đồng vay ban đầu, đến nay ông Hòa có nguy cơ mất trắng cả căn nhà mặt tiền trị giá hàng tỉ đồng.
Sau khi chúng tôi tiếp xúc với nhiều con nợ, thì hầu hết không chối nợ, xù nợ mà họ chỉ mong muốn được giảm lãi nợ. Ai cũng biết cho vay nặng lãi là vi phạm pháp luật và điều này được quy định rõ ràng trong Bộ luật Hình sự cùng với một số qui định khác của pháp luật.
Luật Sư Hoàng Tuấn Anh, Văn phòng Luật sư Hoàng Kim: 1. Theo quy định tại Điều 476 Bộ luật Dân sự thì: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ. Lãi suất ngân hàng tại thời điểm tháng 4 năm 2011 theo quyết định số 2868/QĐ-NHNN do Ngân hàng nhà nước ban hành ngày 29/11/2010 là 9% 1 năm. Như vậy lãi suất cao nhất mà bên cho vay có thể áp dụng theo quy định của pháp luật là 13,5% 1 năm. 2. Hành vi cho vay lãi suất cao và ép cầm cố tài sản. Theo quy định của pháp luật, việc cầm cố tài sản là một biện pháp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Vì thế nếu hai bên đều thống nhất tự nguyện thực hiện biện pháp này thì nó không được xác định là vi phạm pháp luật. Trường hợp cho vay lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản của ngân hàng thì phần lãi suất vượt quá sẽ không được chấp nhận khi đưa vụ việc ra giải quyết tại tòa án. Tuy nhiên nếu mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất bóc lột, thì người cho vay tiền có thể bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Hình sự. Nếu đối chiếu và phát hiện có hành vi vi phạm thì tùy từng trường hợp có thể làm đơn khởi kiện lên tòa án có thẩm quyền hoặc làm đơn tố cáo tới cơ quan chức năng để được giải quyết. |
Cơ ngơi của bà Nguyễn Thị Quyên
Ngôi nhà của vợ chồng ông Nguyễn Kim Hòa thế chấp cho bà Quyên.
Bà Lệ và căn nhà mặt tiền sắp mất
Bà Quyên sai người đến đập cửa kiếng để đòi nợ
Bản án TAND huyện Bến Cát tuyên xử vợ chồng Nguyễn Thiện-bà Lệ
Bản án TAND huyện Bến Cát tuyên xử ông Nguyễn Kim Hòa.
HOÀNG VŨ - TRƯỜNG GIANG