Bị kết án mới "lòi đuôi" lừa đảo
Có người gọi là “đứng trước vành móng ngựa”, cũng có người gọi là “đứng trong vành móng ngựa”. Đứng “trước” hay đứng “trong” cái vành cong cong bằng gỗ cao ngang ngực ấy đều là vị trí dành cho bị cáo. Thật tiếc khi có những người trẻ đứng ở cái vị trí đáng sợ ấy để chờ một phán quyết nghiêm khắc của pháp luật. Có người trở nên sợ sệt, ăn năn, cũng có người dù lần đầu tiên hay lần thứ bao nhiêu đã từng đứng ở cái vị trí ấy trước sự có mặt chứng kiến của thân nhân, của bạn hữu, họ trở nên khí phách một cách khác thường để chứng minh mình là người bị nỗi oan khiên hay cũng có khi do bản chất "hảo hán" của mình.
Ảnh minh họa |
Phiên xử sáng hôm ấy trong cái rét nhè nhẹ đầu Đông, tôi đã chứng kiến một bị cáo thể hiện khí phách ngang tàng trước vành móng ngựa, luôn miệng cho rằng mình bị truy tố về hành vi lừa đảo và bị bắt tạm giam là hoàn toàn oan ức trong những tháng ngày qua.
Tôi hỏi bị cáo: “Bị cáo cho rằng mình bị oan, vậy bị cáo trình bày việc bị cáo đã nói như thế nào mà người bị hại đã giao cho bị cáo hơn hai trăm triệu bạc?
- Tôi nói rằng hai bên cùng hùn tiền để mua chiếc ô tô chở khách chạy đường dài. Đây chỉ là giao dịch dân sự, hoàn toàn không mang yếu tố lừa đảo gì cả. Cơ quan điều tra đã hình sự hóa vụ án dân sự, trong khi lẽ ra tôi chỉ là bị đơn trong vụ kiện dân sự nếu hai bên có tranh chấp với nhau.
- Bị cáo có dẫn người bị hại đến xem chiếc xe mà hai bên chuẩn bị mua không?
- Có, tôi đưa bị cáo đến nhà của người bạn để xem chiếc Mercedes mười sáu chỗ.
- Hai bên có hỏi giá bán của người bán không?
- Do bạn tôi không có nhà nên hai đứa tôi chỉ xem xe mà thôi.
- Bị cáo có nói với người bị hại là việc khai thác xe mỗi ngày thu được bao nhiêu không?
-Có, tôi có nói rõ là sau khi trừ chi phí, mỗi ngày lời khoảng một triệu, mỗi tháng lãi ròng ba mươi triệu đồng.
- Sau khi nghe bị cáo nói thì người bị hại đã đưa cho bị cáo hơn hai trăm triệu có đúng không?
- Đúng vậy, mỗi bên bỏ ra một nửa tiền, tôi cũng bỏ ra một nửa để cùng mua chiếc xe ấy. Nhưng do chủ xe đổi ý không bán nên chúng tôi không mua được chiếc xe này. Riêng tiền góp vốn của bà ấy đưa cho tôi vì kẹt tiền nên tôi định mượn tạm vài tháng sẽ trả lại. Đây hoàn toàn là giao dịch dân sự. Nếu tôi thất tín thì bà ấy được quyền kiện tôi ra tòa dân sự để đòi lại tiền thiếu chứ tôi đâu có bỏ trốn để chiếm đoạt tiền của bà ấy.”
Người đàn bà trong vị trí người bị hại trình bày lời khai giống như lời khai của bị cáo. Điều đó họa lại bức tranh với câu chuyện là bị cáo có vẻ như đang bị hàm oan.
Vốn những tội danh lừa đảo hoặc bội tín thường mơ hồ mong manh với lằn ranh giữa giao dịch dân sự với hành vi phạm tội hình sự, giữa có tội với vô tội nên tôi đã phải chuẩn bị trước tình huống bị cáo kêu oan như thế này.
Tôi yêu cầu đưa người làm chứng, là người bạn của bị cáo, được cho là người bán chiếc xe Mercedes vốn đã được cách ly trước đó vào phòng xử thì sự việc đã thay đổi hoàn toàn, ít nhất là khuôn mặt đang trắng vì nhiều tháng thiếu ánh nắng trong nhà tạm giữ bỗng thành xanh tái của bị cáo.
Tôi hỏi người làm chứng: “Ông có biết bị cáo này không?
- Thưa tòa, tôi biết.
- Ông có nói bán xe Mercedes mười sáu chỗ của ông cho bị cáo hoặc ai khác không?
- Thưa tòa, không. Đó là chiếc cần câu cơm của tôi xưa nay, bán đi thì tôi sống bằng gì, mà tôi cũng đâu có nhu cầu bán xe.
- Khai thác chiếc xe này, mỗi ngày trừ chi phí, ông thu lãi bao nhiêu?
- Cũng tùy, có khách thuê xe thì mỗi ngày trừ chi phí cũng kiếm được năm, bảy trăm bạc, không có khách hợp đồng thuê xe thì làm gì có tiền.
- Có khi nào bị cáo hỏi mua xe này của ông không?
- Không.”
Tôi hỏi bị cáo: “Bị cáo thấy lời khai của người làm chứng thế nào?
Bị cáo vẫn khẳng khái trả lời: “Dù thế nào đi nữa thì đây cũng là giao dịch dân sự giữa tôi với bà ấy. Tôi nợ tiền thì bà ấy được quyền kiện đòi tại tòa dân sự.”
- “Bị cáo vay nợ hay bị cáo nói về việc hùn mua xe?
- Dù nói thế nào đi nữa thì đây cũng chỉ là quan hệ giao dịch về tiền bạc của hai bên.”
Sau phần nghị án, thay mặt Hội đồng xét xử tôi tuyên bố bị cáo đã phạm tội lừa đảo, vì bị cáo đã dựng một câu chuyện không có thật nhưng người bị hại đã tin vào câu chuyện bịa đặt đó để giao tiền của mình cho bị cáo. Tội phạm đã hoàn thành trót lọt, dù bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội của mình nhưng đã có đủ cơ sở để kết tội bị cáo với mức án nghiêm khắc và buộc bị cáo phải hoàn trả lại đủ số tiền đã lừa đảo cho người bị hại.
Tuyên án xong, người bị hại giơ tay phát biểu, không chờ sự đồng ý của tòa, bà ta vẫn la lên thất thanh: “Còn tiền của tôi, bao giờ tôi được nhận lại?” Bị cáo nhếch mép cười quay lại nhìn bà ấy và nói thật gọn: “Đi tù trừ!”