Bị cáo Phan Văn Vĩnh: Nguyễn Thanh Hoá cầu xin tôi "xin anh cứu em"
Ký khống văn bản hợp thức cho CNC để cứu cấp dưới
Do thời gian hỏi và trả lời quá dài, gần như chiếm trọn buổi chiều 19/11, Phan Văn Vĩnh được HĐXX cho phép ngồi khi trả lời thẩm vấn từ các luật sư.
Trước khi trả lời câu hỏi của luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (người bào chữa cho Phan Văn Vĩnh), ông Vĩnh yêu cầu luật sư khi đặt câu hỏi phải hết sức cẩn trọng vì đây là an ninh quốc gia, có liên quan đến lực lượng.
“Do vậy, tôi đề nghị HĐXX, những gì được công bố mới công bố mà không ảnh hưởng gì đến lực lượng CAND, có như vậy bị cáo mới cảm thấy mình được bảo vệ một cách hết sức chu đáo”, Phan Văn Vĩnh nói.
Phan Văn Vĩnh ngồi trả lời HĐXX. (Ảnh: Zing.vn) |
Về việc thỏa thuận giữa Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty CNC) với Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao – C50) trong việc thành lập Công ty CNC vào năm 2011, hai bên thỏa thuận C50 sẽ góp 20% trong tổng số vốn điều lệ 20 tỷ đồng của CNC, đồng thời C50 cũng cử cán bộ tham gia điều hành công ty.
Tuy nhiên, trên thực tế, C50 không có đóng góp gì về vốn cũng như nhân lực. Phan Văn Vĩnh khẳng định cũng được báo cáo là C50 góp vốn 20% vào CNC và cử người sang tham gia. Ngay cả đến khi vụ án bị khởi tố, Nguyễn Thanh Hóa vẫn khẳng định với Phan Văn Vĩnh là CNC không phải tổ chức đánh bạc.
“Khi bị cáo Dương bị bắt, lúc đó tôi về hưu rồi, anh em tôi có gặp nhau và anh Hóa nói với tôi là “Em đảm bảo với anh CNC không phải là tổ chức đánh bạc”.
Đáng chú ý, Phan Văn Vĩnh khai thông tin "động trời" về việc Nguyễn Thanh Hóa cầu xin cứu anh ta và tỏ ra ân hận về việc này.
“Tháng 4/2017, trước khi thu dọn đồ đạc để nghỉ hưu theo chế độ, anh Nguyễn Thanh Hóa có lên gặp và nói: “Xin anh cứu em, ký hợp thức cho em vì thanh tra của Tổng cục đang làm việc với em về việc này. Em xin đề nghị với anh là không có tiền và không có người nhưng em xin đề nghị với anh là hợp thức hóa”, Phan Văn Vĩnh khai.
“Tôi nghĩ anh Hóa là người có nhiều đóng góp cho Tổng cục; gia đình có truyền thống cách mạng, bà nội của anh Hóa là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, bố là liệt sỹ, là tấm gương sáng anh dũng hy sinh, ông đã để lại cho chúng tôi bài học về tấm gương anh dũng hy sinh, do vậy, chúng tôi thấy rằng ngoài những đóng góp của anh Hóa và gia đình, nể tình anh em, tôi có ký văn bản hợp thức hóa. Khi đó anh Hóa nói với tôi “em chừa ngày ký và xin số công văn sau”.
Phan Văn Vĩnh cho biết mãi đến thời điểm này mới biết thỏa thuận C50 góp 20% vốn và nhân lực nhưng thực chất là không có tiền, không có người tham gia CNC.
“Như vậy, mãi đến tháng 4/2017, tôi mới biết rằng C50 không góp vốn và cũng không cử người tham gia điều hành CNC”, ông Phan Văn Vĩnh nói.
“Tội của tôi là tin tưởng cấp dưới”
Về việc VKS truy tố tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", Cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho rằng lỗi chính của ông thuộc về việc chỉ đạo, điều hành của cá nhân ông với vai trò là Tổng cục trưởng, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT.
“Tôi chỉ có lỗi là tin tưởng cấp dưới, tin tưởng vào cơ quan chuyên môn, thiếu kiểm tra đôn đốc để sớm phát hiện những sai phạm của cán bộ thuộc diện mình quản lý để có điều chỉnh kịp thời. Trong quá trình đấy cũng thiếu đi sự chỉ đạo quyết liệt là phải tổ chức bóc dỡ, đấu tranh với tội phạm”.
Còn lại những vấn đề khác trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, Phan Văn Vĩnh cho rằng bản thân ông “chưa có một phút giây lơ là cũng như thiếu kiên quyết chỉ đạo, chống lưng cho tội phạm”. Do vậy, Phan Văn Vĩnh mong HĐXX xem xét các chứng cứ, bị cáo đồng ý là vi phạm lỗi cố ý nhưng là “cố ý gián tiếp”.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh. (Ảnh: Zing.vn) |
Phan Văn Vĩnh trải lòng trước HĐXX như lời sau cùng: “Cho đến lúc này, với cuộc đời 45 năm công tác, tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ với mong muốn đất nước, nhân dân được bình yên, để lực lượng CAND là của dân, do dân và vì dân, phục vụ dân. Tôi chưa mảy may ý thức đi ngược lại điều đó.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực công nghệ cao, việc cập nhật thông tin, năng lực của tôi hạn chế do tuổi tác, C50 là lực lượng có nhiều chuyên gia có năng lực có thể tấn công tội phạm công nghệ cao, tôi tin cấp dưới, tin anh em, nhưng cũng không thể lường trước hậu quả xảy ra nặng nề như thế này. Chính vì vậy mới dẫn đến việc 92 bị cáo đang ngồi đây, chưa kể những đối tượng đang lẩn trốn.
Đặc biệt nghiêm trọng khi hàng triệu gia đình bị ảnh hưởng vì vụ án này. Đấy là điều khiến lương tâm tôi hết sức cắn dứt. Với trách nhiệm Tổng Cục trưởng chịu trách nhiệm đấu tranh với tội phạm, tôi thấy trách nhiệm của tôi thật sự là hết sức nặng nề và thấy cá nhân phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, trước Nhân dân, Chính phủ và ngành Công an, đặc biệt là trước Nhân dân vì đã để xảy ra hậu quả hết sức nặng nề.
Rất mong quý VKS và HĐXX phán quyết tôi bằng các chứng cứ, tài liệu xác thực để khẳng định trách nhiệm của tôi ở giai đoạn nào, phù hợp với những hành vi được kết luận trong cáo trạng. Kính mong VKS và HĐXX minh giám cho tôi điều này!”.
Khi được hỏi về trách nhiệm trong việc đồng ý cho Công ty CNC thuê trụ sở số 10 Hồ Giám, Phan Văn Vĩnh nói căn nhà số 10 Hồ Giám bị cáo không biết được Bộ Công an giao vào lúc nào, thời điểm nào. Chỉ biết là sau khi có văn bản của Cục Chính trị - Hậu cần của Tổng cục Cảnh sát báo cáo với lãnh đạo Tổng cục và bị cáo đã giao cho Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Ba chịu trách nhiệm chính quyết định về việc này.
“Sau khi về (làm việc với-Pv) Cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ, tôi được biết là Cục Chính trị - Hậu cần đề xuất với tôi về việc cho Công ty CNC được thuê văn phòng tại số 10 Hồ Giám. Việc này vi phạm Nghị định 25 năm 2014 của Chính phủ, nhưng thời điểm cho thuê là năm 2012, CNC lúc này chưa có hoạt động cờ bạc. Lúc tôi đồng ý về mặt chủ trương là năm 2012, trong khi đến năm 2015 mới phát hiện CNC có hoạt động cờ bạc”.
Sau đó, trong hai ngày 08/12/2015 và 10/12/2015 giữa C50 và Cục Chính trị - Hậu Cần có trao đổi để gia hạn cho CNC thuê văn phòng, Phan Văn Vĩnh khẳng định không biết về việc gia hạn này.