Bị cáo Huyền Như đã gian dối đồng nghiệp như thế nào?
Bị cáo đã gian dối với đồng nghiệp
Ngày thứ 5 phiên tòa phúc thẩm vụ án Huyền Như tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo liên quan đến tội danh “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Trong suốt buổi làm việc, gần như tất cả các bị cáo đều viện dẫn lý do đã bị Như lừa gạt để xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Như vào ngày 19/12. |
Bắt đầu phiên tòa là phần xét hỏi bị cáo Đoàn Lê Du (34 tuổi, quê Kiên Giang – nguyên Trưởng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng (ĐTH), thuộc Vietinbank chi nhánh TP.HCM. Tại phiên sơ thẩm Du bị tuyên 17 năm tù, bị cáo mong HĐXX xem xét lại tội danh mà cáo trạng đã bị truy tố. Bị cáo Du cho rằng mình không cố ý phạm tội, nhưng vì tin tưởng Như nên đã “vô ý” để Như chiếm đoạt tiền.
Tuy nhiên sau đó bị cáo Du thừa nhận mình đã sai khi phê duyệt những hồ sơ cho vay (Như gửi sang) nhưng không gặp mặt trực tiếp khách hàng. “Biết sai nhưng vẫn làm thì là vô ý hay cố ý?” – thẩm phán Tú Oanh đặt câu hỏi sau đó. Sau khi suy nghĩ Du đã thừa nhận đó là hành vi “cố ý”.
Bị cáo Du cũng thừa nhận việc giải ngân bằng phương thức cầm cố các thẻ tiết kiệm của nhân viên ACB và Navibank là không đúng với quy định của Vietinbank. Được gọi lên thẩm vấn tại phần này, Như cũng thừa nhận hình thức cầm cố đó hoàn toàn sai quy định. Trước những xét hỏi của HĐXX, bị cáo Du đã chuyển từ yêu cầu “kháng cáo” sang “xin giảm nhẹ hình phạt”.
Trong khi đó, trả lời HĐXX, bị cáo Huyền Như cho biết các đồng nghiệp tại phòng giao dịch ĐTH đã không làm đúng quy trình, bên cạnh đó Như đã gian dối với họ, trong khi họ lại quá tin tưởng Như nên mới dẫn đến tình cảnh này. (Vì nếu các nhân viên gọi chủ tài khoản tới phòng giao dịch để ký hồ sơ thì Như không thể thực hiện hành vi lừa đảo)
Theo cáo trạng, từ tháng 5/2011 đến tháng 10/2011, Như đã đặt vấn đề với Du để vay tiền tại chi nhánh ĐTH, vật thế chấp sẽ là các thẻ tiết kiệm gửi tiền tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM. Tuy nhiên, Như cho biết do khách hành không có mặt nên muốn được vay trước rồi bổ sung thủ tục hồ sơ sau. Sau đó Du đã chỉ đạo nhân viên lập 51 hồ sơ tín dụng cho vay tổng cộng 239 tỷ đồng. Số tiền này được thế chấp bằng 37 thẻ tiết kiệm trị giá 246 tỷ đồng (của nhân viên ACB và Navibank).
Người mẹ vẫy tay chào con (là một bị cáo trong vụ án Huyền Như)qua cửa kính xe. |
Mang tiền nhà nước đi ủy thác
Cũng trong ngày 19/12, HĐXX đã tiến hành thẩm vấn bị cáo Phạm Anh Tuấn (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải dầu khí Thái Bình Dương). Theo bản án sơ thẩm, Tuấn bị tuyên 14 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Tại phần trả lời HĐXX, Tuấn cho biết đã nhận thức hành vi phạm tội của mình nên xin được giảm nhẹ hình phạt. Bên cạnh đó Tuấn cũng mong HĐXX xem xét giải tỏa kê biên ngôi nhà tại quận 1 vì “đây là tài sản có trước khi vụ án xảy ra”, và cùng đứng tên vợ chồng Tuấn. Hiện tại vợ và 3 người con của Tuấn cũng đang sinh sống tại đây.
Trong phần đối chất sau đó, Như khai đã chuyển cho Tuấn 121 tỷ tuy nhiên Tuấn hoàn toàn phủ nhận điều này. Khi đại diện VKS công bố tài liệu chứng minh Tuấn đã nhận 72 tỷ đồng thì bị cáo cho rằng đó là tiền vay mượn của người thân. Nhưng khi VKS yêu cầu Tuấn chứng minh đó là “tiền vay của người thân” thì bị cáo không chứng minh được.
Theo bản án sơ thẩm, dù công ty không có chức năng ủy thác nhưng Tuấn vẫn liên hệ với Như. Sau đó Như đã làm giả 15 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giữa Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè với Công ty Thái Bình Dương để huy động từ công ty này tổng số tiền 1.493 tỷ đồng (lãi suất trong hợp đồng từ 10,49%/năm đến 14%/năm, lãi suất chênh ngoài hợp đồng từ 1 đến 4%/năm). Sau đó 14 hợp đồng đã được tất toán, còn 1 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn với số tiền 80 tỷ đồng đã bị Như chiếm đoạt.