Bé trai bị chó cắn tử vong: Chủ nuôi chó phải chịu trách nhiệm hình sự?
Chủ chó có phải chịu trách nhiệm hình sự khi để chó cắn chết người? |
Phóng viên Infonet đã có cuộc trò chuyện với luật sư Chu Thị Út Quỳnh (Công ty Luật HTC Việt Nam - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) về các nội dung liên quan đến vấn đề này.
Luật sư có thể cho biết, những trường hợp nào chủ nuôi chó phải chịu trách nhiệm hình sự?
Luật sư Chu Thị Út Quỳnh: Như chúng ta đều biết, chó là loại động vật trung thành và đặc biệt biết giữ nhà nên được nhiều nhà chọn nuôi. Tuy nhiên, chính vì đặc thù biết giữ nhà nên nhiều trường hợp, chó sẽ bất ngờ tấn công người lạ, cắn bị thương, thậm chí dẫn đến chết người.
Pháp luật quy định khá chặt chẽ về trách nhiệm của chủ nuôi chó. Khi cho “thú cưng” ra đường, người nuôi thú cưng phải rọ mõm, tiêm phòng đầy đủ theo quy định và có biện pháp giám sát vật nuôi của mình. Nếu không, sẽ bị xử phạt vi phạm thành chính theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Ngoài ra, với những trường hợp chó dữ tấn công gây tổn hại sức khỏe, tài sản và thậm chí là tính mạng của người người khác thì tùy theo mức độ thiệt hại mà chủ nuôi chó sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:
Trường hợp thứ nhất, người chủ sở hữu chó nuôi nhận thức rõ về sự nguy hiểm của chó nuôi, mong muốn hậu quả chết người xảy và thực tế hậu quả chết người đã xảy ra thì người này có thể chịu trách nhiệm hình sự về “Tội giết người”.
Trường hợp thứ hai, người chủ sở hữu chó nuôi nhận thức rõ về sự nguy hiểm của chó nuôi, mong muốn hậu quả gây thương tích cho người bị cắn xảy ra; dù không mong muốn hậu quả chết người nhưng thực tế gây hậu quả chết người đã xảy ra thì phải chịu trách nhiệm hình sự về "Tội cố ý gây thương tích" hoặc "Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" với định khung tăng nặng là “làm chết người”.
Trường hợp thứ ba, người chủ sở hữu không mong muốn có hậu quả xảy ra nhưng do cẩu thả trong việc quản lý, nuôi thả chó gây ra hậu quả chết người thì phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội vô ý làm chết người”.
Tuy nhiên, trên thực tế các vụ việc nghiêm trọng do vật nuôi gây ra là do sự cẩu thả trong việc quản lý của chủ vật nuôi hoặc người có trách nhiệm. Vì vậy, khi hậu quả chết người xảy ra do bị chó cắn thường sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội vô ý làm chết người”. Chỉ trong trường hợp chủ sở hữu chó hoặc bất kỳ ai sử dụng, huấn luyện chó thành công cụ giết người thì mới có thể đặt ra “tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” hoặc “tội giết người”.
Như vậy, đối với trường hợp bé trai 7 tuổi ở Hưng Yên bị chó cắn đến chết thì chủ nuôi chó phải đối diện với mức án gì, thưa luật sư?
Luật sư Chu Thị Út Quỳnh: Đầu tiên tôi xin chia buồn cùng gia đình trước sự ra đi đột ngột của cháu bé.
Tôi nhận thấy chủ nuôi chó đã quá thiếu trách nhiệm trong việc quản lý đàn chó của mình.
Như đã đề cập ở trên, tùy theo ý thức chủ quan của chủ vật nuôi mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội: Giết người, Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Tuy nhiên, trong vụ việc này, chủ vật nuôi không sử dụng, huấn luyện chó thành công cụ giết người mà chỉ cẩu thả trong quá trình quản lý gây ra hậu quả chết người. Do đó, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vô ý làm chết người” theo điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Điều 128. Tội vô ý làm chết người 1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. |
Như vậy, căn cứ vào khoản 1 điều 128 Bộ luật Hình sự, chủ nuôi chó có thể phải chịu mức án đến 05 năm tù.
Tuy nhiên, theo tôi được biết, hiện nay cơ quan điều tra đang vào cuộc xác minh làm rõ vụ việc. Vì vậy, khi nào có kết luận chính thức từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới có thể xác định được chính xác trách nhiệm của chủ nuôi chó trong trường hợp này.
Xin cảm ơn luật sư!