“Bầu” Kiên và đồng phạm cố ý làm trái như thế nào?
Nguyễn Đức Kiên,nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB. (Ảnh: Internet) |
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, thực hiện chủ trương ngày 22/3/2010 của Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB và Nguyễn Đức Kiên về việc Ủy thác cho các cá nhân gửi tiền VND và USD tại các tổ chức tín dụng, từ ngày 27/6/2011 đến 5/9/2011 Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB đã chỉ đạo và ủy quyền cho Kế toán trưởng Nguyễn Văn Hòa thực hiện việc ủy thác số tiền hơn 718 tỷ đồng cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiết kiệm vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền 718 tỷ đồng của Ngân hàng ACB đã bị Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh chiếm đoạt.
Trách nhiệm này thuộc về các bị can Trần Xuân Giá (SN 1939), nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB; các bị can nguyên Phó Chủ tịch ACB gồm: Lê Vũ Kỳ (SN 1956), Trịnh Kim Quang (SN 1954); Lý Xuân Hải (SN 1965), nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng ACB và Nguyễn Đức Kiên (SN 1964), nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB.
Về hành vi cấp tín dụng để đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB, cáo trạng nêu rõ: Nguyễn Đức Kiên đã cùng với lãnh đạo Công ty TNHH Chứng khoán ACB (Cty ACBS) gồm Lê Vũ Kỳ, Chủ tịch Hội đồng thành viên triển khai thực hiện việc đầu tư mua cổ phiếu ACB không đúng với chủ trương ngày 2/11/2009 của Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB và trái với quy định tại Điều 29, Quyết định 27/2007/QĐ – BTC ngày 24/4/2007 của Bộ Tài chính, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB tổng số tiền hơn 687 tỷ đồng. Do vậy, các bị can Lê Vũ Kỳ (SN 1956) và Nguyễn Đức Kiên (SN 1964) phải chịu trách nhiệm về hành vi nêu trên.
Bị can Trần Xuân Giá (SN 1939), với tư cách Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, người quản trị cao nhất của Ngân hàng ACB, biết rõ các quy định của Ngân hàng Nhà nước nhưng Trần Xuân Giá vẫn đồng ý để chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng sai quy định gây thiệt hại số tiền 718 tỷ đồng nên phải chịu trách nhiệm về hành vi này.
Bị can Lê Vũ Kỳ và Trinh Kim Quang, với tư cách là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB nhưng vẫn đồng ý để chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng sai quy định gây thiệt hại số tiền 718 tỷ đồng.
Lý Xuân Hải, thành viên Thường trực HĐQT, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB đã đề xuất, ký biên bản cuộc họp thường trực HĐQT ra chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền VND, USD; trực tiếp chỉ đạo, điều hành thực hiện các chủ trương ủy thác cho nhân viên sai quy định gây thiệt hại số tiền 718 tỷ đồng.
Cáo trạng nêu rõ, đối với Nguyễn Đức Kiên, tuy không tham gia HĐQT Ngân hàng ACB nhưng để duy trì quyền điều hành, chỉ đạo hoạt động kinh doanh đối với Ngân hàng ACB, Kiên đã đề nghị HĐQT Ngân hàng ACB ra quyết định thành lập Hội đồng sáng lập, do Kiên làm Phó Chủ tịch. Theo đó, Kiên được tham gia, cho ý kiến tại tất cả các cuộc họp của HĐQT và Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB, được cung cấp đầy đủ các tài liệu về hoạt động kinh doanh, có quyền chi phối toàn bộ hoạt động của HĐQT Ngân hàng ACB.
Nguyễn Đức Kiên thống nhất với thường trực HĐQT Ngân hàng ACB về chủ trương ủy thác cho các cá nhân gửi tiền vào các tổ chức tín dụng gây thiệt hại 718 tỷ đồng. Ngoài ra, Nguyễn Đức Kiên với tư cách là Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, Kiên đã trực tiếp chỉ đạo không đúng với chủ trương của Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB được nêu trong Thông báo sô 4478/CV-TH.09 ngày 5/11/2009 gây thiệt hại số tiền 687 tỷ đồng phải chịu trách nhiệm chính về hành vi này.
Hành vi nêu trên của các bị can Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải và Nguyễn Đức Kiên đã phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’, quy định tại khoản 3, Điều 165 của Bộ Luật hình sự, khoản này có khung hình phạt từ 10 đến 20 năm tù.