Bắt "thượng tá mật vụ" làm giả công điện của Chính phủ
Bắt "thượng tá mật vụ" làm giả công điện của Chính phủ
Đối tượng Tống Văn Bình
"Thượng tá mật vụ" rởm và số vốn hơn 6.000 tỉ…
Mặt còn non choẹt nhưng Bình xuất hiện trước mặt nhiều chủ doanh nghiệp (DN) là một thượng tá của Bộ Công an. Thấy nhiều người bán tín bán nghi, Bình giải thích thêm rằng anh ta được thăng hàm vượt cấp nhờ lập công đặc biệt xuất sắc.
Ông P.T.V. - Giám đốc một Công ty TNHH Thủy sản có trụ sở đặt tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn (TP HCM) kể, gần cuối năm 2010, qua lời giới thiệu của một người, ông đã tiếp xúc với "thượng tá Bình". Mặc cảnh phục nhưng Bình giới thiệu anh ta làm công tác "mật vụ" của Bộ. Nghe ông V. than đang gặp khó về vốn để duy trì và mở rộng việc sản xuất kinh doanh nên vị "thượng tá mật vụ" khoe ngay rằng anh ta đang có nguồn vốn rất lớn. Rồi anh ta gợi ý sẽ hùn hạp làm ăn với ông V. theo phương thức ăn chia nếu có lợi nhuận theo tỉ lệ 6/4.
Thấy tương lai sắp… phơi phới nên ông V. đã không ngại cung cấp chi phí cho "thượng tá" bay ra Hà Nội như cơm bữa, "ngoại giao" hết "ông to" này đến "ông lớn" kia để "sớm được giải ngân". Cho tới khi tổng số tiền "tạm ứng" lên tới gần 400 triệu đồng mà vẫn chưa thấy "thượng tá mật vụ" chuyển giao tiền hùn hạp, ông V. thắc mắc thì "thượng tá Bình" chìa ra cho ông xem "bửu bối" liên quan đến số tiền hơn 6.000 tỉ đồng, để củng cố niềm tin.
Chân tướng "thượng tá mật vụ" rởm
Từ thông tin nhận được, Ban giám đốc Công an TP Cần Thơ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ vào cuộc. Gác lại chuyện vui Tết, nhiều mũi trinh sát lên đường. Với nhiều biện pháp nghiệp vụ đã được triển khai, một ngày đầu xuân 2012, các trinh sát an ninh đã "định vị" được nơi "thượng tá Bình" đang hoạt động. Đó là một phòng trong một khách sạn nằm trên đường Mậu Thân, phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ). Lệnh bắt, khám xét khẩn cấp được triển khai.
Sự thật khiến các điều tra viên cơ quan ANĐT bất ngờ nhất là sau khi cầm tấm bằng cử nhân Luật (khóa 24 Đại học Cần Thơ), Bình từng được tuyển dụng vào công tác tại Viện KSND tỉnh An Giang. Một thời gian sau, Bình được bổ nhiệm kiểm sát viên rồi được phân công về Viện KSND huyện Chợ Mới (An Giang). Tháng 9/2011, Bình bị cơ quan có thẩm quyền cho nghỉ việc. Và đấy cũng là những ngày Bình nảy sinh ý định và bắt đầu thực hiện hành vi lừa đảo.
Theo lời khai nhận của Bình, để có những tờ công điện giống như thật, anh ta đã cập nhật vào Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, copy về. Bình thực hiện hàng loạt "thủ thuật" khác. Khi thấy đã cơ bản giống hình hài của một công điện thật, Bình in ra rồi tranh thủ các mối quan hệ để tiếp cận các DN đang khát vốn. Khi thấy có điều kiện, Bình buông lời hứa hẹn sẽ giúp đỡ, sẽ cho vay lại với lãi suất cực thấp.
Có điều, một yêu cầu mà Bình đặt ra là để được vay tiền với giá trị lớn như thế, phía DN phải tạm ứng trước cho anh ta để tiện cho việc "rút tiền theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng". Riêng xe ôtô và các bộ quân phục, hàm hiệu CAND, cơ quan ANĐT cho biết một đối tượng (là cán bộ đang công tác tại quận 12, TP HCM) thừa nhận đã cung cấp cho Bình.
Cơ quan ANĐT cho biết, kết quả điều tra mấy ngày qua phát hiện đã có một số "con mồi" tại TP HCM (trong đó có ông V.) và Cần Thơ bị Bình cho "sập bẫy" với số tiền "tạm ứng" gần 500 triệu đồng.
Theo CAND