Bắt được con khỉ đuôi lợn “đại náo” đỉnh Bàn Cờ
Theo đó, nhận được tin báo của Ban quản lý bán đáo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng về việc một cá thể khỉ xuất hiện tại khu vực đỉnh bàn cờ Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà gây hoang mang cho khách tham quan du lịch vào ngày 19/3/2015, Chi cục Kiểm lâm đã kiểm tra thực tế tình hình và triển khai các biện pháp cần thiết để cách ly động vật theo quy định.
Cá thể khỉ đuôi lợn(Macaca leonia) xuất hiện tại khu vực đỉnh Bàn Cờ mấy ngày qua (Ảnh do Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng cung cấp) |
Từ ngày 20 - 22/3/2015 thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo quy định, Chi cục Kiểm lâm đã xua đuổi cách ly cá thể khỉ này ra khu vực an toàn, thuận tiện trong việc xử lý gây mê để tái thả vào rừng đảm bảo an toàn cho người và động vật. Đến sáng 22/3, cá thể khỉ đuôi lợn đã được gây mê, hồi sức và tái thả an toàn vào khu vực rừng nguyên sinh thuộc tiểu khu 63 Sơn Trà
Theo Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng, cá thể khỉ kể trên là loài khỉ đuôi lợn (Macaca leonia) giống đực đã trưởng thành, cân nặng 10 kg, là một trong các loài linh trưởng nguy cấp, quý, hiếm đang được pháp luật bảo vệ. Khỉ đuôi lợn có phân bố ở bán đảo Sơn Trà cùng với các loài khỉ vàng, khỉ đuôi dài, khỉ mặt đỏ, cu li và voọc vá chân nâu.
Lực lượng kiểm lâm bắt giữ con khỉ sau khi gây mê (Ảnh do Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng cung cấp) |
Quần thể khỉ đuôi lợn ở Sơn Trà có mật độ thấp, số đàn rất ít và thường sống đơn lẻ. Tại Sơn Trà cũng như các điểm du lịch sinh thái khác, các loài khỉ thường tìm cách tiếp cận khách tham quan để tìm kiếm thức ăn từ người bỏ lại hoặc cho khỉ ăn để vui chơi.
Qua kiểm tra thực tế, theo Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng, việc cá thể khỉ này cắn một vài người là do một số học sinh, sinh viên đến đây xem khỉ, cho khỉ ăn và chọc phá, đe dọa khỉ gây cho khỉ phản ứng tự vệ theo bản năng tự nhiên.
Tái thả con khỉ vào rừng nguyên sinh sau khi hồi sức (Ảnh do Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng cung cấp) |