"Bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can"
Một trong những nội dung chống oan sai được ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiếm sát Nhân dân trình bày tại Quốc hội.
Chống bức cung nhục hình đi kèm với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát hoạt động tố tụng hình sự. Nội dung này được quy định trong các điều 15, 112, 152, 153, 156, 157, 173, 174, 228, 238, 257, 271, 318.
Vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn |
Ông Nguyễn Hòa Bình bày tỏ: Thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013 về phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực, Dự thảo quy định: Thứ nhất, bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can;
Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tố tụng phải thông báo trước cho người bào chữa thời gian và địa điểm tiến hành các hoạt động tố tụng để họ tham dự;
Bổ sung các quy định để Viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp; bắt buộc Kiểm sát viên phải hỏi cung khi bị can kêu oan hoặc khi phát hiện hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng;
Quy định trách nhiệm của cơ quan tố tụng cấp trên phải kiểm tra hoạt động tố tụng của cơ quan cấp dưới;
Bổ sung cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tố tụng, bảo đảm sự kiểm soát giữa các khâu trong tiến trình tố tụng, khâu sau giám sát kết quả tố tụng của khâu trước, hủy bỏ những chứng cứ do khâu trước thu thập bằng biện pháp trái luật;
Đồng thời, quy định thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Bộ Công an đối với những vụ án oan, sai đặc biệt nghiêm trọng do cấp dưới tiến hành.
Tờ trình cũng đã ghi rõ, tổng kết thực tiễn hơn 10 năm thi hành đã khẳng định vai trò quan trọng của BLTTHS năm 2003 trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Mặc dù vậy, thực tiễn thi hành BLTTHS năm 2003 cũng bộc lộ những vướng mắc, bất cập, chủ yếu là: Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng có những nội dung chưa phù hợp nên ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động; điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán là những người trực tiếp giải quyết vụ án nhưng chỉ được giao những thẩm quyền rất hạn chế nên đã ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ giải quyết vụ án; Còn thiếu một số quyền quan trọng bảo đảm cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bào chữa thực hiện tốt việc bào chữa, gỡ tội; Quy định về căn cứ tạm giam còn định tính đang là nguyên nhân dẫn đến việc lạm dụng tạm giam trong thực tiễn; quy định về một số biện pháp cưỡng chế tố tụng còn chưa đầy đủ và cụ thể, thiếu cơ chế ràng buộc trách nhiệm trong trường hợp người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật; Quy định về chứng cứ còn bất cập, chưa phù hợp với diễn biến tình hình tội phạm, chưa thể hiện được yêu cầu tranh tụng đã trở thành nguyên tắc Hiến định và chưa theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại, chủ yếu vẫn chỉ ghi nhận những nguồn chứng cứ truyền thống, chưa công nhận là chứng cứ đối với các dữ liệu điện tử được thu thập từ mạng internet, từ các thiết bị điện tử; Chế định thời hạn tố tụng chưa thật hợp lý, vẫn còn những hoạt động tố tụng chưa bị ràng buộc bởi thời hạn; thời hạn tạm giam còn dài; một số thời hạn quá chặt chẽ nên thiếu tính khả thi;
Bộ luật hiện hành mới chỉ quy định thủ tục áp dụng cho người chưa thành niên phạm tội, chưa quy định thủ tục cho người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng; thiếu các biện pháp bảo vệ người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác;
Căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm thiếu chặt chẽ đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kháng nghị giám đốc thẩm còn nhiều như hiện nay.