Bắt buộc mặc áo phao khi qua sông: Bao giờ có hiệu lực?
Bắt buộc mặc áo phao khi qua sông: Bao giờ có hiệu lực?
Áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh là những dụng cụ đảm bảo an toàn về tính mạng cho hàng khách khi ngang sông trên các phương tiện vận tải thủy.
Trước đây, việc trang bị, sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh chỉ mang tính tuyên truyền, vận động, không bắt buộc.
Do không trang bị, sử dụng các dụng cụ cứu sinh nên khi đò, phà gặp sự cố bị chìm thì hậu quả xảy ra là không thể lường trước.Kinh hoàng nhất là vụ chìm đò ngang ngày 07/10/2006 làm chết 19 em học sinh ở bến đò Chôm Lôm trên sông Cả, xã Lãng Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An; hay như vụ chìm đò ngày 24/01/2008 tại xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trănglàm chết 5 học sinh và 1 phụ nữ; …
Nhằm tránh thiệt hại về người khi bị chìm đò, ngày 10/5/2012 Bộ Giao thông Vận tải ban hành thông tư số 15/TT-BGTVT quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải ngang sông. Theo đó, kể từ ngày 15/7/2012, mọi hành khách, thuyền viên, người lái phương tiện trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình của phương tiện từ lúc rời bến đến khi cập bến an toàn.Thuyền viên, người lái phương tiện vận tải khách ngang sông có trách nhiệm từ chối chuyên chở đối với những hành khách không tuân thủ việc mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cá nhân theo hướng dẫn … Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này dường như chưa có hiệu lực.
Có mặt tại một số bến đò trên có lưu lượng người, phương tiện qua sông lớn sông Hồng ngày 28/7/2012, đoạn qua Hà Nội, như: vườn Chuối (Duyên Trang, Hồng Thái, Phú Xuyên), Văn Nhân (Văn Nhân, Phú Xuyên), Chương Dương – Tứ Dân (Thường Tín), … PV báo điện tử Infonet nhận thấy không có bất cứ ai trên các chuyến đò ngang tại các bến đò này mặc áo phao hoặc mang phao cứu sinh. Số lượng áo phao, phao cứu sinh rất ít so với số hành khách. Không những vậy, số áo phao, phao cứu sinh này hoặc được buộc thành khối; hoặc treo trên thành đò, phà; thậm trí được gác ở khoang lái.
Không ai trên chuyến phà này mặc, mang dụng cụ cứu sinh |
Áo phao cứu sinh được chất đống và buộc trên thành phà thay vì phát cho hành khách |
Bắt buộc phải mặc áo phao, mang phao cứu sinh trên các phương tiện vận tải ngang sông là một việc làm đúng đắn, cần thiết. Các lực lượng chức năng như thanh tra giao thông, cảnh sát đường thủy và chính quyền địa phương cần tích cực hơn nữa để quy định này thực sự đi vào cuộc sống.
Kiên trung