“Báo công an” clip chế giễu kỳ thi quốc gia 2016: Nên hay không?
Clip chế giễu kỳ thi THPT Quốc gia 2016 là một clip có nội dung mô phỏng cuộc phỏng vấn các thí sinh với ngôn ngữ, bối cảnh tại Thừa Thiên- Huế. Lời lẽ trong clip gây cười, người trả lời bày tỏ quan điểm, chia sẻ cảm xúc theo kiểu hài hước, chệch chuẩn, thậm chí nói tục.
Trong 2 ngày chia sẻ, clip này đã thu hút hàng trăm nghìn lượt người xem và bình luận. Sự việc này đã “đến tai” Sở GD& ĐT Thừa Thiên- Huế, và nhận định clip có ý đồ gì đó, nên Sở này đã đề nghị công an vào cuộc.
Hình ảnh từ clip "chế giễu kỳ thi QG 2016" |
Sau động thái "báo công an" của Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên- Huế, nhóm làm clip đã đăng clip khác xin lỗi. Tuy nhiên, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về việc báo công an của Sở GD& ĐT, nhiều người cho rằng việc làm này là không cần thiết và cần có thái độ ‘bao dung” với những sáng tạo của tuổi trẻ.
Có quan điểm, không nên làm lớn chuyện này, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Hãng luật Giải Phóng, Đoàn luật sư TpHCM) viện dẫn: “Tội phạm được hiểu theo Bộ luật Hình sự là: “Hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.”.
Do đó, theo Luật sư Hưng, khi cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện có dấu hiệu tội phạm theo khái niệm trên có quyền tố cáo đến cơ quan chức năng để xem xét xử lý. Cơ quan CSĐT cũng tự mình phát hiện để điều tra theo quy định.
“Vụ việc này, tôi đã xem clip và cũng đã đọc, đối chiếu cả Bộ luật hình sự nhưng không tìm thấy hành vi của nhóm bạn trẻ này vi phạm vào điều khoản nào của bộ luật. Điều đó nói rằng, hành vi này không có dấu hiệu của tội phạm, nên việc ông giám đốc Sở GĐ&ĐT có văn bản đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra là việc làm không cần thiết, mà đáng lẽ ra chỉ cần khuyên can các em là đủ”- Luật sư Hưng bày tỏ quan điểm.
Luật sư Hưng cũng nhấn mạnh: Xã hội, đặc biệt là ngành giáo dục còn nhiều việc phải lo, như tình trạng bạo lực học đường, chất lượng giáo dục …thì việc quan tâm quá mức đến đời sống riêng tư, không ảnh hưởng gì đến trật tự xã hội, văn hóa giáo dục và quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác là điều không nên.
Tuy nhiên, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Tp Hà Nội) lại có quan điểm khác. Luật sư Cường nhận xét: “Dưới góc độ xã hội, có thể thấy rằng clip trên đã gây tác động tâm lý tới nhiều người khiến dư luận có những thông tin trái chiều về kỳ thi quốc gia vì vậy ngành giáo dục và cơ quan công an đã vào cuộc để xác minh sự việc.
Xét một cách tổng thể thì thông tin trong clip không chỉ có tính chất hài hước vô hại mà còn có tính chất chế giễu kỳ thi quốc gia, làm ảnh hưởng tới chính sách giáo dục. Vì vậy, cần làm rõ động cơ, mục đích của việc dựng clip này để có biện pháp xử lý đúng đắn”.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, nếu quá trình điều tra, xác minh sự việc mà cơ quan công an xác định người dựng clip trên không có động cơ mục đích thì có thể nhắc nhở, còn nếu có hành vi thỏa mãn vi phạm hành chính thì cần xử lý hành chính về hành vi "Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;" theo khoản 3, Điều 66, Nghị định 174/2013/NĐ-CP. Cụ thể, điểm g, Khoản 3, Điều 66 quy định: "Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;”
Tuy nhiên, luật sư Cường nhấn mạnh, cần lưu ý là để xử phạt vi phạm hành chính với người làm clip trên thì phải có căn cứ chứng minh là hành vi chế clip của họ với mục đích "xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín" của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Còn nếu hành vi chỉ là muốn thể hiện, không có động cơ, mục đích xấu thì chỉ bị nhắc nhở, phê bình chứ sẽ không bị xử lý hành chính.
“Quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ thái độ, tình cảm, cảm xúc của mình trước một hiện tượng xã hội là một trong những quyền hiến định. Pháp luật ghi nhận và bảo vệ các quyền tự do của công dân.
Việc nghiên cứu, sáng tạo, tự do bày tỏ thái độ, cảm xúc của mình trước xã hội của thế hệ trẻ là cần được đảm bảo thực hiện và động viên, định hướng kịp thời để vừa phát huy được tính sáng tạo, quyền tự do, dân chủ vừa đúng với chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, sẽ không loại trừ việc xử lý vi phạm với các hành vi vượt ra ngoài giới hạn của quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí... các quyền tự do, dân chủ khác của công dân. Việc thực hiện quyền tự do này không được xâm phạm tới quyền tự ho khác, quyền lợi khác của chủ thể khác”- Luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ thêm.