Băng trộm ‘ăn’ hàng chục két sắt liên tỉnh sa lưới
Để thực hiện trót lọt 11 phi vụ, nhóm đối tượng liên tục thay đổi địa bàn gây án, “thổi bay” hàng chục két sắt khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng. Tuy thủ đoạn có tinh vi, hành động có chặt chẽ đến mấy, nhóm “nhám tay” vẫn không thể thoát khỏi vòng vây của pháp luật.
CUỘC HỘI NGỘ CỦA ĐÁM “LỤC LÂM”
Sinh ra trong gia đình khó khăn, đông anh em, Nguyễn Bá Thi (tự Thông, SN 1971, quận Bình Thạnh, TP HCM) dang dở con đường học vấn từ năm lớp 4. Đến tuổi trưởng thành, Thi cưới vợ và sinh con, sau đó mâu thuẫn dẫn đến ly hôn. Vài năm sau, Thi cưới thêm người vợ thứ hai.
Cứ tưởng từ đây cuộc sống được ổn định, nhưng gắn bó tình cảm được một thời gian thì người vợ này cũng quyết dứt áo ra đi. Ly dị vợ, không chấp nhận cảnh nghề “ai thuê gì làm nấy” với tiền lương “ba cọc, ba đồng”, đầu tháng 12-2005, Thông liên lạc với Nguyễn Văn Thanh (SN 1977, quê Hậu Giang) tìm công ty làm ăn phát đạt nhưng sơ hở trong việc cảnh giới.
Năm 1996, Thanh từng bị Tòa án nhân dân tỉnh Cần Thơ tuyên phạt tám tháng tù giam can tội “Giao cấu với trẻ em”. Ba năm sau khi chấp hành phạt tù xong, năm 1999, Thanh lập gia đình và chuyển về sống tại ấp Cẩm Thắng (xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) để làm ruộng sinh sống. Cứ tưởng y sẽ quay về nẻo thiện, tuy nhiên khi nghe tin Thi gợi ý cùng nhau đi trộm, Thanh xông xáo tìm “con mồi”. Qua nhiều ngày quan sát, Thanh nhắm đến công ty TNHH Hưng Phát (ấp Thanh Trung, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành) và báo tin cho đồng bọn.
Két sắt của công ty Kim Huỳnh (Tây Ninh) bị nhóm đối tượng trộm cắp, bẻ khóa |
Nhận được tin của Thanh, Thi liền rủ thêm hai đối tượng Trần Văn Đường (tự Năm Sang, SN 1962, ngụ Đồng Nai) và Nguyễn Bá Vĩnh (tự Xệ, SN 1973, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) để “hợp tác”. Đường là đối tượng không chịu yên phận với nghề làm ruộng mà thường xuyên tụ tập đồng bọn đi trộm, từng vào ba lần tù vì tội trộm cắp và tiêu thụ tài sản phi pháp. Vĩnh cũng là đối tượng từng “ra khám” hai lần bởi tội “hai ngón”.
Đúng 22 giờ đêm 18-12-2005, Thanh điều khiển ghe máy chở ba “bạn trộm” đến công ty TNHH Hưng Phát. Tại đây, ba kẻ nhám tay lấy đi những đồ dùng có giá trị như: một laptop, hai điện thoại di động, một đầu đĩa video, loa, micro, rượu… đem xuống ghe. Sau đó, Thanh cùng ba gã trộm quay lại “khoắng” nốt két sắt của công ty nhưng bên trong không có gì, ngoài giấy tờ.
TIẾP CHIÊU BÀI CŨ
Nhận thấy việc trộm két sắt tại các công ty, xí nghiệp thu về chiến lợi phẩm cao nên các đối tượng quyết định “họp mặt”, lên kế hoạch “săn mồi” mới. Lần này, Thi liên lạc với Ngô Thanh Tùng (tự Ngay, SN 1975, ngụ xã Trường Đông, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) cùng hợp tác.
Lúc 22 giờ đêm 30-12-2005, Tùng điều khiển ghe máy chở Thi, Đường và Lộc (chưa xác định được lai lịch) đến công ty cao su Tây Ninh (ấp Đá Hàng, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu).
Tại đây, Thi vẫn dùng vật chứng cũ (xà ben và tuốc-nơ-vít) cạy tủ ông Lê Bá Thọ (SN 1961, Trưởng phòng kế hoạch của công ty) và lấy đi gần 30 triệu đồng. Không muốn chia số tiền trộm được, Thi bàn với Lộc tìm cách giấu tiền và đi xuống ghe nói với hai đồng bọn còn lại không tìm thấy tài sản có giá trị nên cả bốn người rời khỏi hiện trường. Sau đó, Thi chia cho Lộc 18 triệu đồng, số tiền còn lại Thi tiêu xài hết.
Đến đầu tháng 2-2007, Thi “tái xuất giang hồ” và liên lạc với Tùng do thám tình hình, tìm nơi trộm cắp tài sản. Sau khi ra sức thăm dò, nằm lòng cách thức hoạt động của công ty khoai mì Tây Ninh, Tùng “bắn tin” Thi chuẩn bị hành động. Hay tin, Thi rủ thêm Vĩnh, Nguyễn Minh Nhật (SN 1975, ngụ quận 12, TP HCM) và Nguyễn Mạnh Long (SN 1965, ngụ quận 4, TP HCM, từng có tiền án về tội trộm cắp tài sản) cùng liên thủ hành động.
Đến 24 giờ đêm 7-2-2007, bốn đối tượng đeo găng tay, trèo tường, đột nhập vào công ty. Thi dùng xà ben cạy cửa phòng làm việc tìm thấy hai két sắt. Có kinh nghiệm trong việc phá khóa, sau vài động tác, Thi phá bung cửa két sắt, lấy đi hơn 822 triệu đồng bỏ vào túi ni-lông rồi điện thoại cho Long chạy xe lại rước.
Trên đường tẩu thoát, đến đoạn cầu vượt Sóng Thần (huyện Thủ Đức, TP HCM) Thi chia đồng bọn mỗi người 30 triệu đồng, số còn lại bỏ túi riêng.
“ĐÀN EM” TIẾP BƯỚC
Sau ba năm “mai danh ẩn tích”, đầu tháng 10-2010, Đường chuẩn bị dụng cụ phá két sắt rồi dùng xuồng máy chở Thanh và Huỳnh Văn Cường (tự Út Anh, SN 1969, ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đến khu du lịch Cồn Phụng (Bến Tre).
Chờ cho mọi người ngủ say, lúc 2 giờ sáng 5-10-2010, cả ba vào phòng hành chính của khu du lịch trộm một két sắt và nhiều tài sản khác, tổng giá trị gần 20 triệu đồng.
Trong thời gian này, Đường do thám thêm những công ty sơ hở để lên kế hoạch trộm cắp tiếp. Trong hai ngày (3 và 5-4-2011), “đại ca” Đường cùng năm “đàn em” thực hiện trót lọt thêm hai vụ cướp két sắt táo tợn tại xí nghiệp vận tải xếp dỡ Ficô và công ty xăng dầu, dầu khí Tây Ninh, thu về hàng trăm triệu đồng tiền bất chính.
Thượng tá Vũ kể lại hành trình phá án |
Hay tin “đồng bọn” bắt tay thực hiện phi vụ trộm két sắt công ty thu về lợi nhuận béo bở, Thái Minh Hùng (SN 1974, ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) nổi lòng tham. Đối tượng Hùng từng có ba lần vào tù về tội trộm cắp vẫn không thay đổi được “máu trộm cắp” trong y. Từ tháng 6 đến tháng 9-2011, Hùng cầm đầu đồng bọn thực hiện trót lọt năm vụ trộm cắp nhắm đến két sắt của các công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và Thừa Thiên Huế. Số tài sản mà Hùng và đồng bọn thu về gần 6,5 tỷ đồng.
Sau quá trình theo dõi, đến vụ trộm thứ 11, các đối tượng sa lưới cơ quan cảnh sát điều tra (phòng PC45) công an tỉnh Tây Ninh.
Trao đổi với chúng tôi, thượng tá Phạm Minh Vũ – Phó đội trưởng đội hướng dẫn điều tra phòng PC45 công an tỉnh Tây Ninh cho biết:“Số tài sản mà nhóm đối tượng trộm là rất lớn, khiến nhiều công ty, doanh nghiệp điêu đứng. Điều đáng nói, hầu hết các đối tượng đều từng có tiền án, sinh sống tại nhiều địa phương nên thủ đoạn cũng tinh vi hơn.
Trong 11 vụ trộm xảy ra không phải vụ nào cũng có tất cả các đối tượng trên cùng tham gia mà có sự thay đổi, luân phiên. Cụ thể, có đến 18 đối tượng cùng liên thủ gây án. Trong đó, có ba đối tượng thủ lĩnh là Thi, Đường và Hùng. Vì vậy, công tác phá án cũng gặp nhiều khó khăn, vất vả.
Vào thời điểm này, anh em trinh sát phải thức trắng nhiều đêm theo dõi, thậm chí có anh em còn không được tắm rửa, thay quần áo trong nhiều ngày liền vì sợ mất dấu đối tượng. Khi vụ án được phá, anh em trong đội điều tra mới được thở phào nhẹ nhõm, doanh nghiệp trên địa bàn mới an tâm làm việc trở lại”.