Bà cụ già kiện đòi lại đất đã cho... ân nhân
Trong phiên tòa buổi chiều hôm ấy, Hội đồng xét xử chúng tôi đăng đường vụ án tranh chấp đất đai. Nguyên đơn là một cụ bà tuổi đã vào giai đoạn gần đất xa trời rồi, mặc dù bà đã làm giấy ủy quyền cho con trai bà ra tòa thay cho mình nhưng hôm ấy bà vẫn có mặt tại phiên tòa.
Bị đơn là một người đàn ông trung niên có vẻ mặt khôi ngô tuấn tú, hàm chứa một tấm lòng thiện tâm biểu hiện qua ánh nhìn của ông dường như với bất kỳ người nào đối diện.
Ảnh minh họa |
Tôi đằng hắng lấy giọng để cố hỏi thật to với người con trai đại diện của nguyên đơn nhưng cố tình cho cụ bà ấy nghe rõ: “Cụ bà này kiện ai, kiện về việc gì?” Anh ta trả lời: “Mẹ tôi kiện ông này đã chiếm đất của bà.”
Tôi hỏi bị đơn: “Tại sao ông lại đi chiếm đất của người khác?”
Bị đơn điềm đạm trả lời: “Tôi có chiếm đâu, bà ấy đã cho tôi miếng đất ấy hơn mười năm nay rồi. Nay đất đai trở nên có giá vì tấc đất trở thành tấc vàng, con của bà ấy ở đâu quay về xúi mẹ đòi lại đất thôi.”
- “Là sao?”
- “Là bà ấy chỉ có một đứa con trai độc nhất nhưng bỏ nhà đi đâu từ nhỏ, bà sống thui thủi một mình. Vợ chồng tôi vốn là người cùng xóm, vì cám cảnh động lòng nên chúng tôi thường qua giúp đỡ cơm, cháo ngày hai bữa cho bà cả hàng chục năm. Sau đó bà chia cho vợ chồng tôi mảnh đất nhỏ kề bên để vợ chồng tôi cất chòi ở và gần gủi bà hơn. Sau này làm ăn khá giả, vợ chồng tôi cất nhà kiên cố trong lúc đất đai biến động mỗi ngày, cũng là lúc con của bà ấy quay về. Khi biết bà mẹ cắt đất để cho vợ chồng tôi thì lại xui bà kiện cáo để đòi lại…”
-“Lúc cho hai bên có làm giấy tờ gì không?”
-“Dạ có ra phường chứng thực giấy cho đứt miếng đất.”
Tôi hỏi đại diện nguyên đơn: “Có đúng là bà cụ đã cho đứt miếng đất này và đã làm giấy tờ không?”
- “Thưa tòa, không?”
- Nhưng qua giám định chữ ký và dấu vân tay thì đích thị của bà cụ rồi, ý kiến của anh thế nào?” “Họ đã lợi dụng lúc mẹ tôi già cả đã lừa dối mẹ tôi để ký vào tờ giấy ấy.”
Tôi gằn giọng: “Phía nguyên đơn có gì để chứng minh là họ đã lừa dối?”
Với chứng cứ rành rành như thế, lẽ ra bản án đã thẳng thừng tuyên bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, nhưng đó là sự đoạn tình kết thúc ân nghĩa cả chục năm trời của người dưng đã chăm sóc cụ bà neo đơn. Tôi gặng hỏi bà cụ: “Trước đây con của cụ đi làm ăn xa thì cụ ở với ai?” Bà chỉ tay về phía vợ chồng bị đơn “Tôi ở với vợ chồng thằng ni.”
- Họ có bà con gì với cụ không?”
- “Không, chỉ là hàng xóm thôi.”
-“Cụ có cắt đất để cho họ không?”
-“Tôi có cho tụi nó, nhưng không có ký giấy tờ gì cả.”
-“Mục đích đòi lại đất của cụ để làm gì?”
-“Để tôi có tiền sống dưỡng già.”
-“Vậy cụ cần bao nhiêu tiền để dưỡng già?”
-“Nó cho bao nhiêu tôi lấy bấy nhiêu.”
Thế là đã rõ, người con muốn đòi lại đất của mẹ vốn đã cho ân nhân, còn người mẹ chỉ muốn xin một ít tiền giắt lưng chờ ngày từ giã cõi tạm. Chỉ vài lời động viên, phía bị đơn đồng ý cho bà cụ một số tiền, bà ấy mỉm cười mãn nguyện khoe hàm nướu trống hoắc không còn chiếc răng.
Phiên tòa hôm ấy đã không tuyên bằng một bản án mà bằng một quyết định công nhận sự tự định đoạt của các đương sự và không màng tới cơn thịnh nộ của đại diện nguyên đơn. Vừa nghe đọc xong quyết định của tòa, người con trai la lên thất thanh: “Bà ham tiền của nó thì bà ở một mình với tụi nó đi, tui sẽ bỏ nhà đi nữa…”