Án tử hình... cuối cùng của Phước 'tám ngón'
Án tử hình... cuối cùng của Phước 'tám ngón'
>> 'Phước tám ngón' và câu chuyện khởi đầu tội lỗi
>> Cuộc vượt ngục không tưởng của Phước 'tám ngón'
Tiếp tục tội ác tày trời
Cuối tháng 3/1995, sau khi trốn khỏi trại giam, Phước về Thủ Đức tìm đến nhà vợ. Tất cả đều bàng hoàng trước sự xuất hiện của Phước lúc nửa đêm với quần áo tơi tả và nhiều thương tích. Không có súng và bộ dạng thảm hại, cả nhà vợ vẫn chết khiếp vì hắn. Dặn dò vợ xong, Phước vội vã ra đi. Nhưng chỉ một tuần sau đó, cũng vào lúc nửa đêm, Phước lại trở về và đưa vợ con lên Đắc Lắc.
Đầu tháng 7/1995, Phước trở về TP.HCM và gặp Nguyễn Kim Sơn, mới đi tù vì tội trộm cắp về. Hai tên đã đột nhập vào một căn nhà ở Thủ Đức trộm 2 xe máy, bán được gần 2 cây vàng. Với số tiền này, Phước và Sơn lên Tây Ninh mua được 2 súng AK báng xếp với nhiều đạn. Khi đem súng đạn về lại Thủ Đức, chúng bắt đầu phi vụ đầu tiên.
Phước và Sơn mỗi tên thủ một AK báng xếp chở nhau trên xe gắn máy đi “săn mồi”. Đêm 15/8/1995, tại khu vực Thuận An (tỉnh Bình Dương), chúng chặn xe Angel của một cặp vợ chồng. Chúng bắn người chồng chết tại chỗ, bắn chị vợ trọng thương, bất tỉnh.
Với súng AK, Phước "tám ngón" và đồng bọn đã thực hiện rất nhiều tội ác |
Vài ngày sau Phước lấy chiếc xe vừa cướp được, chở một tên đàn em đi “làm ăn” thì gặp phải tổ tuần tra của công an. Phát hiện hai đối tượng nghi vấn, tổ tuần tra đã đuổi theo. Phước lái xe một tay, một tay lôi khẩu AK giấu trong áo gió ra đưa cho tên đàn em ngồi phía sau, ra lệnh: “Bắn đi!”. Thấy lực lượng tuần tra quá mạnh, tên đàn em sợ hãi, thu lại súng, ôm cứng Phước. Phước chửi thề rồi tắt đèn xe, rẽ vào một con đường nhỏ trốn thoát khỏi lực lượng tuần tra. Dù thoát được cuộc truy đuổi nhưng Phước trở nên lo ngại, hắn trốn về Nha Trang.
Ngày tàn
Phước “tám ngón” và các đệ tử đến Nha Trang. Chúng tranh thủ nghiên cứu một tiệm vàng và dự định đột nhập lúc trời tờ mờ sáng. Phước đã không gặp may. Thời gian này, công tác tuần tra, giữ an ninh ở thành phố Nha Trang rất nghiêm ngặt nên Phước và đàn em không thực hiện được vụ cướp.
Nhận ra ngày tàn của Phước, đám đàn em rẽ lối mất tăm. Phước chờ rất lâu rồi đành một mình leo lên xe đi Buôn Ma Thuột.
Vượt ngục khỏi Chí Hòa, Phước "tám ngón" tiếp tục thể hiện bản chất máu lạnh |
Vừa đặt chân vào bến xe, Phước đã bị một tên giang hồ túm cổ dằn mặt: “Mày là thằng nào? ”. Trong hành trang lúc ấy có khẩu súng AK cưa báng, Phước lại là kẻ giết người không ghê tay. Đối với Phước, đám côn đồ này chỉ là loại tép riu, nhưng hoàn cảnh bị truy nã, Phước nhẫn nhục, chấp nhận làm luật bằng một bữa tiệc mời băng nhóm này được tổ chức trong một nhà hàng tại Buôn Ma Thuột.
Đứng đầu băng nhóm này Cu Lu, một giang hồ có bộ dạng bảnh bao và là đệ tử của Tin Pales (trùm xã hội đen ở Khánh Hòa khi ấy). Trong bữa tiệc ấy, Cu Lu lẳng lặng đến trước mặt Phước buông một câu hỏi lạnh lẽo: “Tên gì?”.
Phước bình thản: “Tôi là Tâm, ở Nha Trang trốn lên đây nhờ các huynh giúp đỡ”.
Ngay lập tức, Cu Lu rút con dao đâm phập xuống bàn, trừng trừng nhìn Phước gằn từng tiếng: “Tao là Cu Lu, nghe tên này chưa Phước “tám ngón”?”.
Phước giật mình. Cu Lu vỗ vai Phước đổi giọng nhẹ hơn: “Ông cứ ở tạm đây, nhưng đất này không hợp với ông và cả với tôi đâu!”.
Phước có phần kính nể cách xử sự của Cu Lu. Nhưng hắn không sống dựa vào băng nhóm này. Một năm sau đó, Phước lãnh án tử hình, Cu Lu chết vì tai nạn giao thông. Ở Buôn Ma Thuột, để ngụy trang, Phước lẻn vào một quầy thuốc Tây lấy trộm một ít bông băng băng bó lại bàn tay cụt 2 ngón, giả vờ như bị thương, để giấu tung tích.
Bị bắt và tử hình lần thứ hai
Hai vợ chồng anh H.C.H và chị L.T.D.H có ba đứa con. Anh H. không được to con và cũng không có võ. Khi ấy, anh làm nghề trang trí nội thất, chị vợ bán vải ở một khu chợ thuộc thành phố Buôn Ma Thuột.
19h tối 1/10/1995, anh H. chở vợ và hai con trai đi trên chiếc Honda 67 về nhà. Vừa bước đến cửa nhà, vợ chồng anh giật bắn mình khi cùng nhìn thấy trước cánh cửa buồng một thanh niên trẻ mặc áo thun màu đen cầm khẩu súng chĩa thẳng về phía mình, gằn giọng: “Lùi lại không tao bắn chết!”.
Chị vợ tái mặt. Hai đứa bé khiếp vía nép sát vào người bố mẹ. Nhìn kỹ ánh mắt sắc lạnh và khuôn mặt của kẻ đối diện, anh H. nhận ra đây không phải trò đùa, kêu cứu cũng vô ích.
“Lùi xe lại không tao bắn chết vợ con mày!”. Tên cướp tiến tới bên anh H. ra lệnh: “Mày quay xe chở tao đi”. Tên cướp dí khẩu súng vào đầu anh, hơi lạnh rợn người của khẩu súng AK cưa nòng sẵn sàng nhả đạn làm anh H. toát hết mồ hôi. Anh hiểu rẳng, nếu chở tên cướp đi, thế nào anh cũng bị hắn giết.
Tên cướp ngồi sau xe kề súng vào mạng sườn anh H., ra lệnh cho anh chạy ngược lên dốc để ra đường lộ chính. Đường xóc mạnh làm xe rất khó đi, vừa chạy được khoảng 3m, anh H. quyết định sống chết với tên cướp, anh bảo: “Ông bỏ súng ra, cứ kè kè mạng sườn sao mà chạy xe?”.
Tên cướp chuyển khẩu súng định dí vào gáy anh. Đúng lúc đó, anh H. buông tay lái quay người lại thật nhanh, lấy hết sức bình sinh ôm chặt cứng tên cướp. Không ngần ngại, tên cướp nổ súng. Viên đạn sượt qua gáy khiến anh bỏng rát.
Chiếc xe đổ xuống đường kéo theo hai người ngã nhào xuống đất, lăn mấy vòng xuống mương. Rất may, Anh H. lại nằm đè lên tên cướp, ghì chặt hắn xuống. Hai tay tên cướp và khẩu súng ép chặt vào người anh. Đã đuối sức, nhưng anh H. vẫn ôm chặt cứng tên cướp mặc hắn cố sức vùng vẫy và trừng mắt quát: “Buông ra không tao bắn chết!”.
Vợ anh và những người dân xung quanh thấy vậy nhảy vội xuống mương cùng đè tên cướp sát mặt đất mương khô cạn khiến hắn không thể nhúc nhích. Từ dưới mương, tên cướp được đưa lên mặt đường sau khi bị tước súng.
Một cuộn dây băng y tế được sử dụng để cột chặt tay hắn lại. Tên cướp gồng tay bứt tung sợi dây vùng bỏ chạy, nhưng đã bị chụp áo kéo lại. Chiếc áo bị rách, tất cả đều sững người vì sau lưng hắn có một hình xăm con đại bàng tung cánh bay qua dãy núi màu xanh. Tên cướp chính là Phước “tám ngón”. Năm ấy hắn 24 tuổi.
Phần mộ của Phước "tám ngón" tại nghĩa địa trường bắn Long Bình |
Tại cơ quan công an, hắn khai tên là Nguyễn Văn Tâm, ở Nha Trang. Ánh mắt hắn vẫn sắc lạnh và vẻ mặt bình thản, không hề tỏ vẻ sợ hãi. Phước giả vờ không biết chữ, ký một dấu cộng vào biên bản lấy lời khai.
Ngày 29/4/1996, 13 bị cáo trong băng cướp Phước “tám ngón” ra xét xử tại Tòa án nhân dân TP.HCM. Nguyễn Hữu Thành, tức Phước “tám ngón” lãnh án tử hình thứ hai (án tử hình thứ nhất Phước bị tuyên trong phiên tòa ngày 24/6/1994).
Sau đó, Phước đã “trả nợ đời” tại pháp trường Long Bình. Trong quá trình ở phòng giam tử tù, Phước luôn tỏ thái độ hung hãn. Thế nhưng đến lúc”dựa cột”, Phước đã sợ đến nỗi làm ướt sũng chiếc quần đang mặc.
“Gần 10 năm sau, Năm Cam và 4 đàn em khác cũng đền tội ngay nơi Phước để lại những dấu chân cuối cùng. Sau khi bốc mộ Năm Cam, đám đàn em của Năm Cam đã thuê luôn chúng tôi bốc mộ Phước “tám ngón” để bày tỏ sự kính trọng đối với đàn anh lừng lẫy từng nhận 2 án tử hình và vượt ngục khỏi khám Chí Hòa. Nhưng, khi quật mộ lên, tất cả đã phải bịt mũi và chạy ra xa vì mùi tử khí của Phước bốc ra rất khủng khiếp. Xếp gọn từng đốt xương, và đắp lại cẩn thận, ngôi mộ vẫn được chúng tôi chăm sóc chu đáo”. Một “phu” trường bắn Long Bình đã có lần kể lại như vậy.
Lăng Nhu