Án đã xong, nhân chứng tố điều tra viên vẫn dọa bỏ tù
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, tối 6-4, BS Thúy đã chết tại nhà riêng ở huyện Đức Linh (Bình Thuận) bởi 52 nhát đâm. Ba ngày sau, Phạm Văn Lý bị bắt. Theo cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận, Lý đã leo tường vào nhà sát hại BS Thúy để cướp hai cái điện thoại.
Ngày 27-5, cơ quan điều tra ra kết luận điều tra. Hôm sau, VKS tỉnh có cáo trạng. Đến ngày 25-6, TAND tỉnh xử sơ thẩm phạt Lý 18 năm tù về tội giết người, hai năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt chung là 18 năm tù (khi phạm tội Lý chưa thành niên).
Chị Dung được xác định là nhân chứng. Tại phiên tòa sơ thẩm, chị Dung khai Lý có gọi điện thoại cho chị nói là đã lỡ giết người rồi. Chị hỏi giết ai thì Lý trả lời là: “Giết bà kia”. Chị hỏi bà nào, Lý không nói, sau đó nói rằng: “Có ông kia mướn 100 triệu đồng giết bà kia”... Tòa hỏi chị Dung có khai chi tiết này tại cơ quan điều tra hay không thì chị cho biết là đã khai rõ. Tòa đọc biên bản ghi lời khai của chị Dung tại cơ quan điều tra nhưng không có tình tiết này. Chị Dung nói: “Tôi khẳng định đã khai điều này với ĐTV NHH nhưng không hiểu sao trong biên bản ghi lời khai lại không có chi tiết này”.
Chị Dung (thứ hai từ trái qua) tại phiên xử sơ thẩm ngày 25-6 của TAND tỉnh Bình Thuận. Ảnh: XUÂN NGỌC
Tòa sơ thẩm nhận định đây là tình tiết mới, sẽ yêu cầu cơ quan điều tra điều tra bổ sung, nếu có căn cứ xác thực sẽ xem xét ở một vụ án khác để tránh bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, trong bản án phát hành sau đó, tòa lại nhận định lời khai của chị Dung không có căn cứ.
Gia đình nạn nhân kháng cáo vì nghi ngờ vụ án còn bỏ lọt người phạm tội. Theo chị Dung, sau phiên sơ thẩm, cơ quan điều tra đã nhiều lần mời chị đến lấy lời khai và đối chất với bị cáo. Lần nào chị cũng khẳng định lại lời khai của mình tại phiên tòa sơ thẩm là đúng.
Ngày 23-9, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM mở phiên xử phúc thẩm, nhận định lời khai của chị Dung không có cơ sở để tin cậy và tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Buộc viết kiểm điểm, lên truyền hình nhận lỗi
Theo đơn kêu cứu của chị Dung, sau phiên phúc thẩm nói trên, chị bị hai ĐTV NHH và NXT triệu tập lên làm việc, nói chị khai báo gian dối sẽ bị tù bảy năm và buộc chị phải viết bản kiểm điểm thừa nhận là trót dại khai bừa tại tòa. Sợ hãi, chị phải viết theo ý hai ĐTV này. Sau đó, hai ĐTV đưa cho chị giấy triệu tập ngày 28-10 đến làm việc, nội dung là quay phim phát trên truyền hình lời nhận lỗi của chị trước “toàn dân”. Vì hoảng loạn tinh thần nên chị đã rời quê vào TP.HCM.
Chúng tôi xin trích đơn kêu cứu của chị Dung: “Ngày 25-10, tôi đã viết bản tự khai và bản tự kiểm điểm. Hai ĐTV NXT và NHH yêu cầu tôi phải nhận lỗi và xin lỗi trước toàn dân. Đồng thời, tôi phải xin xem xét, tha thứ, khoan hồng thì mới được về. Tôi viết theo ý mấy chú hướng dẫn. Viết đi viết lại nhiều lần, đến khi mấy chú thấy đúng ý mới cho tôi về. Tôi chỉ biết làm theo vì tôi rất sợ bị ở lại. Tôi đã xa nhà hai ngày rồi. Ở nhà không biết mẹ và em tôi sống thế nào. Tôi còn phải làm việc để lo cho mẹ và hai em. Mẹ tôi đang bệnh không tiền chữa trị. Hai em còn nhỏ, tiền nong chi tiêu trông cậy vào tiền công làm tại tiệm làm đầu của tôi. Tôi viết xong thì ĐTV NXT đưa tôi giấy mời ngày 28-10 đến công an tỉnh để Đài ANTV quay phim tôi kiểm điểm trước dân. Thực sự lương tâm tôi không cho phép tôi làm ngược lại sự thật nên tôi vào đây xin cầu cứu. Hãy giúp tôi, tôi sợ lắm”...
Chúng tôi đã làm việc với Đại tá Nguyễn Đắc Minh (Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Bình Thuận). Ông Minh nói cơ quan điều tra chỉ mời chị Dung lên làm việc và lý giải dù vụ án đã khép lại nhưng lời khai của chị Dung tại tòa “để lại hậu quả là gia đình người bị hại và người dân đều nghĩ còn bỏ lọt tội phạm, do đó chúng tôi phải hỏi” và “nếu lỡ khai báo không đúng thì cho cô ấy kiểm điểm việc làm sai trái của mình”.
Về chuyện chị Dung tố ĐTV hù dọa bỏ tù, ông Minh bảo: “Anh em người ta phải giải thích hậu quả pháp lý của việc khai báo gian dối” và “Cũng có thể ĐTV kiềm chế không được vì cô này khai báo lòng vòng nên có to tiếng nóng nảy tí xíu, nạt nộ dăm ba câu, về mặt tâm lý có thể hiểu được”.
Ông Minh cũng cho biết qua xác minh những lời khai của chị Dung là không đúng sự thật. Điều này có dấu hiệu của tội khai báo gian dối. Tuy nhiên, ông cũng xác nhận cơ quan điều tra không khởi tố chị Dung vì “không có chứng cứ để kết luận”, vì có thể chị Dung “lỡ khai vậy rồi nên khai luôn, có thể Lý khai bậy”... Dù vậy, ông Minh cho biết cơ quan điều tra sẽ tiếp tục mời chị Dung lên làm việc nếu thấy cần thiết và yêu cầu chị Dung “phải có mặt ở nhà để khi chúng tôi cần thì phải đến khai báo” dù chị không hề bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Đã hợp lý?
Chúng tôi đã đem trường hợp trên trao đổi với một số chuyên gia. Có người cho rằng tòa không chấp nhận lời khai của chị Dung vì không có cơ sở, tức lời khai ấy có thể là gian dối. Do vậy ĐTV gọi chị Dung lên như một biện pháp giáo dục theo hướng “nếu không thay đổi thì sẽ bị khởi tố về tội khai báo gian dối” là điều bình thường.
Tuy nhiên, Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) nhận xét cách hành xử trên của cơ quan điều tra là hoàn toàn sai.
Theo Thẩm phán Hùng, BLTTHS quy định nghĩa vụ của nhân chứng là phải khai báo trung thực tất cả những gì mình biết liên quan đến vụ án. Trong vụ án, từ đầu đến cuối chị Dung đều khai báo cùng một nội dung. Như vậy nghĩa vụ khai báo của chị Dung đã đảm bảo và lời khai thể hiện sự nhất quán, không mâu thuẫn, sai lệch. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử bị cáo Lý, cơ quan tố tụng phải có trách nhiệm làm rõ lời khai của chị Dung để xác định lời khai ấy có cơ sở hay không.
“Tòa không chấp nhận lời khai vì cho rằng nó không có cơ sở thì cũng là điều bình thường và thông tin từ nhân chứng coi như khép lại. Tại sao sau phiên tòa phúc thẩm, ĐTV vẫn gọi chị Dung lên yêu cầu khai trái ngược lại với tất cả lời khai trước đó? Nếu chị Dung khai theo công an thì trái với ý chí của mình và nếu lời khai ngược này là gian dối thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự? Dù muốn hay không cơ quan điều tra cũng phải tôn trọng ý kiến của nhân chứng. Tòa không chấp nhận lời khai của chị Dung không có nghĩa là lời khai đó là gian dối vì nếu muốn kết luận thì cơ quan chức năng phải chứng minh. Không thể tạo áp lực buộc nhân chứng tự nhận mình khai gian dối để chứng minh cơ quan tố tụng đúng. Đó là nguyên tắc mang tính cơ bản của tố tụng hình sự” - Thẩm phán Hùng khẳng định.
Vi phạm nguyên tắc tố tụng
BLTTHS không quy định cụ thể rằng sau phiên phúc thẩm, ĐTV có quyền mời nhân chứng lên làm việc nữa hay không. Tuy nhiên, cũng không có quy định nào cho phép ĐTV tiếp tục lấy lại lời khai của nhân chứng sau khi tòa đã kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật, trừ khi có manh mối gì mới liên quan tới hành vi phạm tội mới.
Theo tôi, việc ĐTV hù dọa, tạo áp lực, yêu cầu chị Dung phải khai lại theo ý mình, bắt viết kiểm điểm, yêu cầu quay phim để nói lời xin lỗi nhân dân đều sai nguyên tắc cơ bản của tố tụng. Việc định hướng lời khai, uy hiếp tâm lý vừa không đảm bảo tính trung thực, khách quan, vừa xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của người làm chứng được pháp luật bảo vệ.
TS NGUYỄN DUY HƯNG, Trưởng khoa Luật Trường ĐH
Thủ Dầu Một, Bình Dương
Nguồn: Phapluattp.vn