Ai sẽ xin lỗi du khách bị cướp giật ở Sài Gòn?
Theo thông tin từ báo chí, Công an phường Đa Cao và phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1 thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận trình báo của một số du khách bị cướp giật trên đường phố.
Cụ thể, tối ngày 11/3, anh Ryo Ichikawa, sinh năm 1980, du khách Nhật Bản đang đứng tại trước địa chỉ số 55 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, Quận 1 thì bị đối tượng cướp giật đi xe máy giật 1 túi xách, bên trong có 60.000 Yên Nhật, 2 điện thoại di động, 1 đồng hồ đeo tay.
Cùng ngày 11/3, chị Alaa Mohammad Abdu Ali Aldoh, sinh 1994, Quốc tịch: Ai Cập bị hai thanh niên điều khiển xe gắn máy chạy ngược chiều giật phăng giỏ xách khi đang đi bộ trên đường Lương Hữu Khánh, Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là vụ việc mà nhiều người quan tâm và gây ấn tượng mạnh với hình ảnh nữ du khách khóc ngất, sau khi sự việc xảy ra.
Nữ du khách khóc ngất vì bị cướp giật |
Tiếp đó, rạng sáng ngày 12/3, chị Grmanova ZuZana, sinh 1990, Quốc tịch: Slovenska bị 3 đối tượng giật túi xách bên trong có 3 điện thoai di động, 220 USD, 390.000 đồng Việt Nam. Công an địa phương đã bắt giữ 2 đối tượng Trần Minh Quang, sinh 2001 và Tô Thành Tuấn, sinh 2002 cùng ngụ tại phường Phạm Ngũ Lão.
Sáng ngày 14/3, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cho biết: đã yêu cầu các lực lượng chức năng sớm liên lạc gặp gỡ nạn nhân để hỗ trợ và xin lỗi du khách này. Nhưng ai là người sẽ phải đứng ra xin lỗi du khách? Cơ chế nguyên tắc pháp luật nào chỉ ra người sẽ phải thực hiện chỉ đạo này?
Để cung cấp cho bạn đọc thêm một góc nhìn liên quan đến cơ chế pháp luật, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn luật sư Tp HCM) về vấn đề này.
Luật sư bày tỏ sự ủng hộ với chỉ đạo của ông Đinh La Thăng: “Tôi đánh giá cao sự quan tâm và chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng khi nghe tin một du khách nước ngoài bị cướp giữa thành phố”.
Trước đó, tuy Tân Bí thư có chỉ đạo dẹp nạn cướp giật, trộm cắp trên địa bàn thành phố, nhưng vấn đề này không thể thực hiện trong một sớm một chiều mà đòi hỏi có phải có giải pháp đồng bộ và sự phối hợp của nhiều cơ quan, địa phương lân cận.
Theo luật sư Hưng, một lời xin lỗi với du khách từ đại diện chính quyền sở tại sẽ giúp du khách thấy được quan tâm và an ủi phần nào và cần thiết hơn nữa, phía chính quyền cần phải có những sự hỗ trợ kịp thời về vật chất và thủ tục hành chính. Tuy nhiên, sau khi có chỉ đạo phải xin lỗi du khách, nhưng đến tối ngày qua báo chí được biết chưa có cơ quan nào thực hiện. Điều đó cho thấy, không phải chỉ đạo mang tính sự vụ nào cũng có thể thực hiện ngay được, mà đòi hỏi phải có những quy định cụ thể.
Mặt khác, điều này cũng cho thấy, việc nhận trách nhiệm vẫn còn vướng cơ chế. Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Kiều Hưng lại cho rằng: “Ai phải xin lỗi du khách, theo tôi không quá khó. Về nguyên tắc, vụ cướp xảy ra trên địa bàn nào thì địa bàn đó chịu trách nhiệm và người đại diện xin lỗi phù hợp nhất có lẽ là Chủ tịch UBND phường hoặc Trưởng Công an phường, nơi xảy ra vụ việc”.
“Đại diện để nói một lời xin lỗi không đồng nghĩa với là phải chịu trách nhiệm về mình. Lời xin lỗi quá muộn màng sẽ không còn ý nghĩa nữa. Học cách xin lỗi với du khách cũng là cách thể hiện văn hóa du lịch của chính quyền sở tại. Tôi nghĩ đây là một suy nghĩ mới cần phát huy. Tôi hết sức ủng hộ’- Ls Nguyễn Kiều Hưng nói thêm.