Tiền án dày đặc, Hưng “kính” vẫn được thu nạp làm tổ trưởng ở chợ Long Biên
Trong phiên xét xử vào sáng 25/7, Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa nói: Theo hồ sơ thể hiện nhân thân của bị cáo Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng "kính") thì ngày 17/6/1982, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã xử lý đối tượng về hành vi hiếp dâm.
Tiếp đến vào ngày 30/7/1984 và ngày 14/6/1986, Hưng bị Công an quận Hoàn Kiếm xử tội gây tổn hại sức khỏe cho người khác. Đến ngày 14/11/1990, đối tượng tiếp tục bị Công an quận Hoàn Kiếm xử lý hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Ngày 18/6/1996, Công an TP Hà Nội xử lý hành vi phạm qui định về ATGT; Ngày 13/10/1996 Công an Hoàn Kiếm xử lý hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Hưng "kính" cùng đồng phạm và bị hại trong phiên tòa sáng nay. |
Như đã đưa tin, vào sáng nay, TAND TP Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”, SN 1963, trú tại số nhà 11 Hàng Đậu, Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) tội Cưỡng đoạt tài sản.
Cùng hầu tòa với Hưng "kính", tổ trưởng tổ bốc dỡ hàng hóa số 2, chợ Long Biên còn có nhóm "đàn em" gồm: Nguyễn Hữu Tiến (SN 1970, trú tại số 33 phố Thúy Ái, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Lê Thanh Hải (SN 1963, trú tại tổ 13, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Nguyễn Mạnh Long (SN 1962, trú tại 327 Khương Trung, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) và Dương Quốc Vương (SN 1968, trú tại tổ 11 phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai).
Theo VOV, tại tòa, Hưng "kính" một mực phủ nhận việc điều hành đường dây “bảo kê” chợ Long Biên theo cáo trạng truy tố.
“Bị cáo thấy cáo trạng không đúng. Bị cáo làm ở chợ Long Biên từ năm 1991, với nhiệm vụ là tổ trưởng tổ bốc dỡ hàng hóa. Việc hàng ngày của bị cáo là họp giao ban với BQL chợ. Chị Nga kinh doanh hoa quả. Trước đây, chị Nga từng bị xã hội đen đánh, bị cáo phải can thiệp. Về hợp đồng bốc dỡ là do BQL chợ Long Biên ký với các hộ kinh doanh. Tất cả các hộ kinh doanh phải tuân thủ nguyên tắc là cho nhân viên của Ban quản lý chợ bốc xếp” - bị cáo Nguyễn Kim Hưng khai trước tòa và khẳng định mình không tham gia vào việc "bảo kê" hay chèn ép tiểu thương.
Dù bị cáo Nguyễn Kim Hưng chối tội, nhưng lời khai của các "đàn em" cho thấy điều ngược lại. Bị cáo Dương Quốc Vương khai: "Bị cáo chỉ làm theo chỉ đạo của anh Hưng. Tiền thu được hàng ngày cũng nộp về cho anh Hưng hết. Bị cáo không giữ lại đồng nào".
Tương tự, bị cáo Nguyễn Hữu Tiến khai nhận: "Bị cáo không nhận thức được việc làm trái pháp luật, vì đó là việc làm hàng ngày của bị cáo. Anh Hưng bảo thu thì bị cáo thu".
Bị cáo Nguyễn Mạnh Long cũng khẳng định "việc thu tiền thế nào, chèn ép các tiểu thương ra sao đều do anh Hưng chỉ đạo, bị cáo chỉ làm theo".
Là người bị hại, trước tòa, chị Nghiêm Thúy Nga cho rằng việc các bị cáo có hành vi côn đồ đã khiến gia đình chị thiệt hại lớn: "Các đối tượng ngăn chặn, quấy rối khiến công việc kinh doanh của chúng tôi ảnh hưởng lớn. Thiệt hại của chúng tôi đến bây giờ vẫn chưa thể tính toán. Bị cáo Hải liên tục sỉ vả giữa chợ khiến nhiều mối hàng không dám gửi hàng cho chúng tôi. Một thời gian chúng tôi không dám ngồi ra chợ vì các bị cáo ném những bao cá thối sát ki ốt của chúng tôi".
Tòa tiếp tục xét hỏi Hưng "kính". Bị cáo một mực chối tội và đổ tội cho đàn em. Bị cáo Nguyễn Kim Hưng cho rằng mình có một phần trách nhiệm khi buông lỏng quản lý, để đàn em tự tiện thu tiền.
"Số tiền đó các bị cáo khác tự thu và chi tiêu riêng, chứ bị cáo không hưởng lợi gì từ số tiền này" - Hưng nói.
Trưa 25/7, HĐXX tạm dừng phần xét hỏi các bị cáo và sẽ tiếp tục phiên tòa vào buổi chiều.