Làm thế nào với bị cáo "coi tù là nhà"?
Lý lịch bị can: 17 tuổi; Cha:… (chết); Mẹ… (chết)…
Khuôn mặt bị cáo rắn rỏi, già đời hơn tuổi thật của mình dễ có đến mười năm. Trong phần thẩm vấn lý lịch của bị cáo tôi đã bị bất ngờ trước những câu trả lời của em: “Bị cáo đã bao nhiêu tuổi rồi?”
- “Tòa đọc trong cáo trạng đi!”
- “Không, tôi muốn thẩm tra công khai lý lịch của bị cáo…”
- “Mười bảy!”
- “Cha tên gì, mẹ tên gì?”
- “Tôi không biết, vì cha mẹ tôi cùng chết trong một tai nạn lúc tôi mới một tuổi.”
- “Vậy bị cáo sống với ai?”
- “Bà ngoại.”
-“Hôm nay bà ngoại có đến dự phiên tòa này không?
- “Không!”…
Những câu hỏi của tôi chỉ nhận được sự trả lời cộc lốc của bị cáo. Trong hồ sơ cho thấy bị cáo đã từng có một tiền án về tội trộm cắp với mức án ba tháng tù. Ra trại không lâu, lần này bị cáo lại tái phạm cũng về hành vi trộm cắp.
Gần cuối phần thẩm vấn, tôi hỏi bị cáo: “ Bị cáo đã một lần bị xử án giam, ra trại bị cáo vẫn không chịu hoàn lương à?” Bị cáo trả lời nhanh: “Không!”
Khá ngạc nhiên, tôi lại hỏi như muốn chia sẻ tâm trạng của bị cáo: “Vì sao lại thế?” Ngừng một lát, bị cáo mới trả lời rành rọt: “Bị cáo là người vô gia cư, cha mẹ mất từ nhỏ, sống với bà ngoại, khi ngoại mất, bị cáo sống với cậu mợ ở quê, cậu đi làm lụng tối ngày, mợ của bị cáo bận bịu với bầy con là các em họ của bị cáo nên bị cáo trở thành người ở đợ với những trận đòn đau khi cậu vắng nhà. Bị cáo bỏ nhà trốn lên thành phố, nhập chung nhóm bạn bè chuyên “nhập nha”. Có tiền, bị cáo và các bạn chia nhau ăn uống phủ phê, không “ăn hàng” được, tụi nó vẫn lo cho bị cáo.
Lần trước bị bắt vào tù, những bạn tù còn có người thăm nuôi, bị cáo chẳng có ai thăm nuôi, chỉ có bạn tù lo cho bị cáo. Do đó bị cáo thấy ở trong tù còn có tình người, nhưng ở ngoài đời chẳng có mái nhà nào chứa bị cáo…”
Tôi hỏi: “Vậy là bị cáo chọn nhà tù, trại giam là nơi cư ngụ suốt đời của mình sao?” Lúc này, bị cáo mới gào lên với tâm trạng chất chứa: “Thưa tòa, con không còn sự lựa chọn nào khác!”
Ảnh minh họa |
Án tù là để cải tạo con người ta, nhưng nếu người ta chọn đó là nơi trú ngụ với tình thương yêu duy nhất là bạn tù của mình thì nhà tù đã mất đi ý nghĩa giáo dục hòng giúp con người hoàn lương, sẽ chỉ là nơi đẩy cả đời cho con người ta phải phạm tội, mãi rồi như con thiêu thân bay lao về nơi chốn đó.
Phần tuyên án sau đó, Hội đồng xét xử chúng tôi đã phán quyết rằng: “Bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản, nhưng xét thấy không cần thiết phải cách ly bị cáo, tuyên xử án treo đối với bị cáo và tuyên bố trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa. Nếu bị cáo không phạm một tội khác, giao bị cáo cho chính quyền địa phương nơi bị cáo cư trú để giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách…"
Tôi không biết số phận của bị cáo sẽ đi về đâu, chỉ mơ hồ tin rằng địa phương của bị cáo sẽ làm tốt điều mà chúng tôi đã tuyên.
Hơn ba năm sau, người từng là bị cáo ấy quay lại Tòa án, nơi tôi đã từng xét xử cậu ta nhưng đi cùng với một cô gái trẻ và đứa con gái chưa kịp thôi nôi, họ đến tận phòng làm việc của tôi với ánh mắt hàm ơn về phán quyết của Hội đồng xét xử ngày xưa ấy.