Hết Tết, nhìn lại chuyện về quê ăn Tết hay nên đi du lịch?
Cả năm tích cóp về quê ăn Tết hay đi du lịch? Ảnh minh họa |
Du lịch Tết không phải là sự... chạy trốn
Chị Bích Thủy (41 tuổi, quê Nam Định), đang sống tại Gò Vấp, TP.HCM chia sẻ: 13 năm làm dâu chưa năm nào chị phải về quê chồng ăn Tết. Quê chị Thủy ở Nam Định, quê chồng ở Bắc Giang. Tuy nhiên, hai vợ chồng chị Thủy phải thừa nhận, không dám về quê ăn Tết.
Chị Thủy kể những năm đầu tiên, hàng xóm có con từ Nam ra Bắc ăn Tết, nhiều người cũng hỏi chị Thủy tại sao không ra Bắc ăn Tết, nhưng với vợ chồng chị làm cả năm tích cóp mới đủ tiền về quê ăn Tết và nói đến chuyện về quê thực sự là nỗi ám ảnh.
Theo chị Thủy, chi phí tiền vé máy bay cho 4 thành viên cũng ngót nghét 30 triệu đồng, tiền chi tiêu dè xẻn cũng phải 15 triệu đồng nữa. Thay vì cố gắng bon chen trên những chuyến bay, khoang tàu đông nghẹt người, chị Thủy chọn cách cho con đi du lịch quanh các tỉnh gần TP.HCM.
Năm nào gia đình chị chỉ ăn Tết ngày mùng Một, sau đó cả nhà đi xuống Vũng Tàu hoặc đi lên Đà Lạt chơi thay đổi không khí mà không quá chật vật phải về quê.
Chị Thủy sẽ dành dịp nghỉ hè đưa gia đình về quê thăm gia đình, chi phí đi lại cũng đỡ tốn kém hơn, các con không sợ bị “ngã nước” và cũng đỡ cảm thấy bị áp lực chuyện về nhà ăn Tết.
Cùng quan điểm với chị Thủy, gia đình anh Nguyễn Văn Lực – quê Thái Bình đang sống tại Biên Hòa, Đồng Nai cho biết, nhiều năm nay gia đình anh cũng chọn Tết đi du lịch vì gia đình xa quê và đi lại vất vả.
Theo anh Lực, cả năm đi làm vất vả ngày Tết lại “hành xác” về quê nữa rất mệt nên anh chọn đón xuân bằng cách đặt tour đi du lịch. Năm nay, gia đình anh Lực đi nghỉ tại Phú Quốc 4 ngày. Anh Lực cho biết, đây chính là kỳ nghỉ Tết dài, gia đình anh được thư thái nhất, xả được stress.
Cùng suy nghĩ như thế, khi dòng người ở TP.HCM ngược ra Bắc ăn Tết thì gia đình chị Đào Thị Bình (Linh Đàm, Hà Nội) lại chọn ngược vào phía trong Nam để du lịch thư giãn. Chị Bình cho biết, Tết năm ngoái, cả nhà chị ăn Tết ở Mũi Né và năm nay là đi Nha Trang rất vui.
Không nên cố về quê
Trước trào lưu mới, có những luồng ý kiến lo lắng người dân sẽ dần quên mất những ý nghĩa thiêng liêng sâu xa, những giá trị tinh thần của ngày Tết gói lại trong chữ Lễ ngày xưa. Nếu trào lưu này tiếp tục nở rộ thì những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt sẽ dần mất đi bởi họ quan niệm Tết là để sum họp, là để quay về với ông bà, tổ tiên, nguồn cội.
Bình luận về lo ngại này, TS Lê Văn Hảo – Viện Tâm lý học Việt Nam cho biết, đây là xu hướng dịch chuyển của xã hội hiện đại. Những người đang sống xa quê hương, ngày Tết thường cố gắng để có thể trở về bên gia đình của mình.
Nhưng ở góc độ nào đó, TS Hảo cũng cho rằng thay vì dành cả năm tiền tiết kiệm để về gia đình đón Tết thì có thể chuyển bằng cách đi du lịch. Chọn dịp khác để về thăm gia đình như gia đình anh Lực chọn kỳ nghỉ hè cũng khá phù hợp.
TS Hảo từng chứng kiến nhiều người đi cả xe 16 chỗ đến sân bay đón một người tư nước ngoài về quê ăn Tết gây quá tải sân bay. Nếu như thế cũng làm cho ngày Tết càng thêm mệt mỏi.
"Việc lựa chọn địa điểm thứ ba đón Tết cũng rất phù hợp để gia đình có thêm trải nghiệm. Và điều quan trọng nhất là khoảnh khắc Giao thừa được ở bên nhau là điều hạnh phúc nhất", TS Hảo nhận định.