Công nghệ thông tin phát triển: Thêm nhiều cơ hội cho nghề luật sư
Nhiều cơ hội hơn cho nghề luật sư
Theo luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội), Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 có tác động rất lớn tới thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp, nhất là những người làm trong lĩnh vực bảo hiểm, môi giới bất động sản, tư vấn tài chính, vận tải.
Luật sư Trương Quốc Hòe trao đổi với PV Báo điện tử Infonet. |
Điều này kéo theo nhiều vấn đề về quản lý, sử dụng lao động (sa thải người lao động trái phép, chế độ cho người lao động…). Đây là những vấn đề mà người lao động cần tới sự trợ giúp, tư vấn của luật sư. Bên cạnh đó, những thay đổi về cách thức giao tiếp trên internet cũng đặt con người vào nhiều nguy hiểm về tài chính, sức khoẻ.
Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ, sổ sách có thể dẫn tới thông tin cá nhân, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp bị rò rỉ (vấn đề bảo mật thông tin, thư tín của cá nhân,…). Và nếu các thông tin trên không được bảo vệ một cách an toàn sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường khác.
Những vấn đề khách quan trên sẽ làm gia tăng khối lượng công việc của giới luật sư. Đây là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ đối với các luật sư.
Những thành tựu của CMCN 4.0 cũng tạo ra những yếu tố thuận lợi trong hoạt động nghề nghiệp của giới luật sư. Cụ thể như: Việc công bố bản án trên trang điện tử của Tòa án: Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án là một trong những quy định thể hiện việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động tư pháp và có tác động lớn tới giới luật sư.
Với việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án, luật sư và người dân, cơ quan, tổ chức có thể tìm kiếm, xem trực tiếp nội dung các bản án, quyết định đã công bố thuộc các lĩnh vực liên quan, các án lệ được áp dụng. Người dân cũng có thể trực tiếp cho ý kiến về các bản án, quyết định được công bố qua nhiều tiện ích, trong đó có mục “Ý kiến phản hồi đối với bản án, quyết định”.
Phương thức này tăng cường sự tiếp cận và giám sát đối với hoạt động xét xử, giải quyết của tòa của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của tòa, góp phần nâng cao chất lượng bản án, quyết định của tòa án...
Việc ứng dụng công nghệ ghi âm, ghi hình quá trình hỏi cung, lấy lời khai bị can trong quá trình kiểm sát điều tra, truy tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: Theo quy định của Bộ luật Tố tụng thì các vụ án phức tạp, nghiêm trọng đều được tiến hành ghi âm, ghi hình trong quá trình hỏi cung, lấy lời khai bằng các thiết bị bảo mật, đảm bảo khả năng hoạt động thường xuyên liên tục.
Các thiết bị ghi âm, ghi hình được kiểm tra bảo dưỡng định kỳ, đặc biệt đối với việc lưu trữ tài liệu số đã được trang bị ổ cứng lưu trữ hiện đại, đảm bảo khả năng lưu trữ an toàn và lâu dài theo quy định về lưu trữ dữ liệu pháp luật. Điều này giúp ích rất lớn cho luật sư trong việc bảo vệ cho bị can, bị cáo; tránh được oan sai do vấn đề ép cung, mớm cung và dùng nhục hình.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ, tài liệu: Với công việc quản lý hồ sơ sổ sách, tài liệu, các báo cáo, số liệu thì người cán bộ quản lý phải khai thác và sử dụng công nghệ thông tin như một công cụ hữu ích để quản lý hồ sơ vụ án, các báo cáo mang tính chuyên nghiệp hơn, khi cần thì người quản lý có thể lấy bất cứ lúc nào và tìm một cách nhanh nhất.…
Mặt khác, dưới góc độ quản lý, việc bảo quản và sử dụng có hiệu quả giá trị tài liệu lưu trữ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với công tác nghiệp vụ của từng cơ quan nói chung, tổ chức hành nghề luật sư và việc khai thác thông tin của luật sư nói riêng trong quá trình hoạt động nghề.
Rõ ràng, CMCN 4.0 mang lại nhiều tác động tích cực cho giới luật sư thế giới cũng như giới luật sư Việt Nam. Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, do các điều kiện về hạ tầng công nghệ và nguồn nhân lực chưa sẵn sàng để thích ứng và tận dụng cơ hội mà CMCN lần thứ tư mang đến nên giới luật sư gặp thách thức lớn hơn.
Ngoài ra, luật sư cũng sẽ phải bắt kịp với các ứng dụng, các công nghệ mới của cuộc cách mạng 4.0, khi các công cụ tìm kiếm dựa trên trí thông minh nhân tạo hoàn toàn có khả năng trả lời nhanh các câu hỏi liên quan đến pháp luật.
Hiệu quả tích cực trong hoạt động bào chữa
Thứ nhất là việc tiếp cận với bị can, bị cáo: Việc sử dụng các thiết bị kết nối internet để đưa ra tư vấn trực tiếp mà không cần gặp mặt khách hàng.
Thứ hai, việc làm việc và tiếp cận với nguồn tài liệu của các cơ quan liên quan: Vận dụng CMCN 4.0 trong hoạt động tố tụng sẽ giúp ích cho luật sư rất nhiều trong việc bào chữa cho bị cáo ví dụ như việc đăng ký và cấp giấy chứng nhận bào chữa, bảo vệ cho thân chủ của luật sư có thể được tiến hành một cách nhanh chóng hơn thông qua việc gửi/nhận hồ sơ qua internet mà không phải đến trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện.
Hồ sơ vụ án sẽ được lưu trữ trên máy tính thay vì lưu truyền thống trên giấy dễ bị thất lạc hư hỏng như trước đây và luật sư có thể được cấp 1 mã số để có quyền truy cập đến toàn bộ hồ sơ vụ án đó…
Thứ ba, đối với hoạt động hỏi cung, lấy lời khai: Bước đầu ứng dụng công nghệ trong hoạt động điều tra như việc quy định ghi âm, ghi hình trong việc hỏi cung bị can, bị cáo sẽ mở ra một bước đột phá trong quá trình điều tra vụ án hình sự giúp cho luật sư dễ dàng tiếp cận hồ sơ vụ án để bảo vệ thân chủ, tránh tình trạng ép cung dùng nhục hình để buộc tội, quá trình điều tra vụ án được công khai minh bạch....
Tuy nhiên, để làm được những điều này không phải ngày một ngày hai mà nó đỏi hỏi sự thay đổi toàn diện của cả hệ thống tư pháp của Việt Nam. “Luật sư là một nghề tri thức và tôi phải khẳng định rằng không máy móc nào có thể thay thế được trí tuệ con người. Biết áp dụng những thành tựu của internet vào việc hành nghề của luật sư thì tôi tin chắc rằng đây sẽ thực sự là một cơ hội để phát triển trong tương lai” – luật sư Trương Quốc Hòe nhấn mạnh.