Xử phúc thẩm VNCB: Bị cáo "tha thiết đề nghị" ông chủ Tân Hiệp Phát có mặt
Bị cáo Phạm Công Danh nói chuyện với bị cáo Phan Thành Mai (áo xanh) tại phiên xử sáng nay. |
Ngay sau khi các thủ tục khai mạc phiên tòa hoàn tất, Bị cáo Phạm Công Danh đã xin được phát biểu. Sau đó bị cáo “tha thiết đề nghị” rằng phiên tòa này cần ông Trần Quí Thanh – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát có mặt.
Theo ông Danh, trong mối quan hệ mượn tiền thì mình đã làm việc trực tiếp với ông Thanh chứ không phải bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Thanh). Ngoài ra ông Danh cũng đề nghị triệu tập đại diện công ty Phương Trang tới tòa.
Trong khi đó luật sư Phan Trung Hoài – người bảo vệ quyền lợi cho ông Danh cho rằng sự có mặt của bà Phạm Thị Trang (Trang “Phố núi”) là “vô cùng quan trọng”.
Ngoài ra, luật sư Trần Minh Hải – cùng bảo vệ quyền lợi cho ông Danh, đề nghị tòa cho phép gọi nhóm Trần Ngọc Bích là “nhóm Dr. Thanh” hoặc “Tân Hiệp Phát”.
Đồng thời luật sư Lưu Văn Tám – người bảo vệ quyền lợi cho bà Hứa Thị Phấn, đề nghị triệu tập ông Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương để làm rõ mối quan hệ giữa thân chủ mình với ông Danh và ông Thắm.
Cũng trong phần này luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên – người bảo vệ quyền lợi cho nhóm Trần Ngọc Bích, đề nghị HĐXX triệu tập Công ty TNHH Ernst & Young (một công ty kiểm toán) và cơ quan giám sát của Ngân hàng Nhà nước để làm rõ việc gửi tiền.
Sau khi hội ý, đại diện VKS cho rằng ông Thanh đã có đơn xin vắng mặt và ủy quyền cho người khác thay mình tham dự phiên tòa, trong khi bà Trang cũng có đơn xin vắng mặt có xác nhận của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco (Hoa Kỳ). Đối với các cá nhân khác, VKS cho biết trong quá trình xét xử, nếu thấy cần thiết Tòa sẽ triệu tập.
Về việc gọi tên “nhóm Dr. Thanh; Tân Hiệp Phát”, luật sư Uyên không đồng tình và cho rằng đây là mối quan hệ cá nhân nên việc gọi tên như trên sẽ dẫn đến hiểu nhầm.
Liên quan đến vụ án, bà Hứa Thị Phấn – nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín (tiền thân của VNCB), được tòa xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, cũng là người bị đề nghị truy tố trong phiên xử sơ thẩm nhưng đã có đơn xin vắng mặt.
Ngân hàng Xây Dựng bị thiệt hại hơn 9.000 tỷ sau vụ án. |
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, Phạm Công Danh – Chủ tịch HĐQT tập đoàn Thiên Thanh, cũng là “ông chủ” sở hữu những khối tài sản khổng lồ từ Bắc và Nam. Trong quá trình hoạt động bị cáo Danh muốn thành lập một ngân hàng để hỗ trợ cho các dự án bất động sản nhưng không được chấp thuận.
Tuy từ chối đề xuất này nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn đồng ý giao một ngân hàng yếu kém để nhóm cổ đông của Thiên Thanh tái cơ cấu. Sau khi xem xét, ngân hàng Trust Bank (Ngân hàng Đại Tín) được lựa chọn.
Đầu năm 2013, ngân hàng này chính thức hoạt động dưới sự điều hành của nhóm cổ đông mới và được đổi tên là Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Thực chất Phạm Công Danh là người nắm quyền kiểm soát, chi phối VNCB, từ đó bị cáo đã chỉ đạo HĐQT, Ban điều hành và Ban kiểm soát VNCB cùng nhiều cá nhân khác thực hiện lập các hồ sơ khống để rút, vay tiền của VNCB nhằm trả các khoản nợ, lãi ngoài và chi tiêu cá nhân, gây thất thoát cho ngân hàng hơn 9.000 tỉ đồng.