Xử lý dioxin ở sân bay Đà Nẵng: Nâng kinh phí lên 84 triệu USD
Cuộc gặp gỡ báo chí ngày 24/4 để cung cấp thông tin về tiến độ triển khai dự án "Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng" (Ảnh: HC) |
Trước đó, thông tin chính thức về dự án "Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng"được đưa ra tại lễ khởi công ngày 9/8/2012 cho biết, tổng nguồn vốn dành cho dự án này gồm 41 triệu USD tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ thông qua USAID và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 35 tỉ đồng.
Thiếu tướng Lê Huy Vịnh chúc mứng ông Joakim Parker về tiến độ triển khai dự án |
Nhưng khi gặp gỡ báo chí trong nước và quốc tế ngày 24/4/2013 với sự chứng kiến của ông An Le, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM, ông Joakim Parker thông báo, đến thời điểm này tổng kinh phí dự kiến dành cho dự án đã lên đến 84 triệu USD. "Do đây là một dự án rất phức tạp, có tầm cỡ quốc tế, gồm nhiều giai đoạn khác nhau nên việc đưa ra các con số ước tính có thể thay đổi. Tuy nhiên cam kết của chúng tôi về việc hoàn thành dự án thì vẫn giữ nguyên" - ông Joakim Parker nói.
Ông An Le, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM trực tiếp tham quan dự án |
Trong quá trình đưa các nhà báo tham quan thực tế dự án, các chuyên gia USAID cho hay, thời gian qua các nhà thầu trong nước và quốc tế đã hoàn tất việc thi công sân phơi bùn, được dùng để phơi và tập kết một cách an toàn đất ướt và bùn trước khi đưa vào mố xử lý. Công việc đào xúc đất bùn nhiễm dioxin đang triển khai đúng tiến độ. Khoảng 3.200m3 bùn bị nhiễm bẩn từ khu vực đất ngập phía Đông Nam sân bay Đà Nẵng đã được đưa vào sân phơi này để giảm lượng nước trước khi đưa vào mố xử lý. Toàn bộ lượng nước rỉ ra từ sân phơi đều được thu gom và phân tích trước khi xả ra ngoài.
Các nhà thầu đang lắp đặt một lớp lót bằng nhựa dày, rất chắc chắn, trên nền của kết cấu nhằm ngăn chặn nước rò rỉ ra ngoài hoặc nước từ bên ngoài thấm vào hệ thống xử lý trong giai đoạn vận hành. Ngoài ra, USAID cũng vừa ký hợp đồng thứ 3 và là hợp đồng cuối cùng để thực hiện xử lý nhiệt. Như vậy, đến nay USAID đã huy động đầy đủ đội ngũ nhà thầu cho các nhiệm vụ đào xúc và xây lắp, xử lý nhiệt, và giám sát thi công.Ông Jamey Watt, cố vấn xử lý môi trường của USAID, cung cấp các thông tin về tiến độ triển khai dự án |
"Đây là những bước khởi đầu quan trọng ghi nhận hành động cụ thể của USAID trong việc triển khai dự án, ghi nhận sự phối hợp hiệu quả giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và USAID, và ghi nhận sự tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất của Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) cho các nhà thầu tại công trường. Với trách nhiệm vừa là chủ dự án, vừa là đơn vị quản lý sân bay, đơn vị được thụ hưởng kết quả của dự án, Quân chủng PK-KQ cam kết nỗ lực hơn nữa trong việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng phục vụ cho dự án, phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện tốt nhất để các nhà thầu thực hiện đúng tiến độ các hạng mục" - Thiếu tướng Lê Huy Vịnh, Phó Tư lệnh Quân chủng PK-KQ nhấn mạnh.
Đến nay, sân phơi bùn nhiễm dioxin đã được thi công hoàn tất |
Theo đó, trong tháng 6/2013, Quân chủng PK-KQ sẽ chính thức thi công trạm biến áp 12.80kV bảo đảm hoàn thành và kết nối với lưới điện của TP Đà Nẵng vào tháng 10 để cung cấp điện cho dự án. Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Chính phủ Việt Nam bảo đảm các trang thiết bị của các nhà thầu thi công được thông quan sớm nhất để phục vụ cho thi công.
Mố xử lý bùn, đất nhiễm dioxin đã được thi công đạt hơn 50% khối lượng |
Ông Joakim Parker nêu rõ, với những dự án phức tạp và mang tính quốc tế như dự án "xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng" thì việc phối hợp tốt và hiệu quả là vô cùng quan trọng. Nhờ sự hợp tác đó mà trong thời gian qua, mặc dù điều kiện thi công khó khăn song các nhà thầu của USAID vẫn triển khai dự án đúng tiến độ và đạt chất lượng".
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đề nghị Bộ Quốc phòng, USAID phối hợp chặt chẽ với TP và chia sẻ thông tin liên quan đến dự án kịp thời hơn nữa |
Theo ông, USAID thường xuyên gặp gỡ, đào tạo về an toàn và sức khoẻ cho người dân Đà Nẵng để có thể thực hiện dự án quan trọng này. Ông nói: "Sức khoẻ và an toàn cho cộng đồng dân cư sống chung quanh sân bay cũng như các công nhân làm việc tại dự án là mối quan tâm hàng đầu của USAID. Chúng tôi có các chuyên gia để đảm bảo tất cả các quy định của quốc tế về sức khoẻ và an toàn sẽ được tuân thủ chặt chẽ. Công nghệ xử lý nhiệt mà hai Chính phủ đã kiểm chứng sẽ phân huỷ hoàn toàn dioxin trong đất. Quy trình này sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2016".
Không chỉ phóng viên trong nước mà các phóng viên nước ngoài cũng dành nhiều quan tâm tới dự án |
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết, sân bay Đà Nẵng là một trong ba điểm nóng về dioxin ở Việt Nam, bên cạnh sân bay Biên Hoà và sân bay Phù Cát. Do nồng độ dioxin cao duy trì trong nhiều thập niên đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sức khoẻ của người dân. Do vậy, ông đánh giá "việc triển khai dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với Đà Nẵng, không chỉ trong lĩnh vực đảm bảo sức khoẻ, ổn định đời sống cho người dân mà còn góp phần trong tiến trình xây dựng TP môi trường". Tuy nhiên ông cũng đề nghị Bộ Quốc phòng, USAID phối hợp chặt chẽ hơn nữa với và Đà Nẵng trong vấn đề cung cấp thông tin cũng như thu thập thông tin phản hồi từ các cơ quan liên quan và người dân TP trong quá trình triển khai dự án tại địa phương.
Tại cuộc họp báo quốc tế sau khi tham quan, câu hỏi của PV Infonet được rất nhiều đồng nghiệp trong và ngoài nước quan tâm: "Với việc triển khai dự án này cho thấy Chính phủ Mỹ thừa nhận có rải chất độc dioxin trên đất nước Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Vậy tại sao cho đến nay Chính phủ Mỹ chỉ chấp nhận bồi thường cho nạn nhân chất độc dioxin là các cựu quân nhân Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam nhưng lại không chấp nhận bồi thường cho các nạn nhân chất độc dioxin là người Việt Nam, chỉ nói là viện trợ nhân đạo chứ không phải là một sự bồi thường chính thức?".và đặt nhiều câu hỏi với ông Joakim Parker tại buổi họp báo sau khi tham quan thực tế dự án |
Tuy nhiên câu trả lời của ông Joakim Parker chưa tạo được sự thoả mãn cho các PV trong nước và quốc tế có mặt tại cuộc họp báo. Ông nói: "Tại Hoa Kỳ, Bộ Các vấn đề về cựu binh Mỹ chịu trách nhiệm cung cấp các dịch vụ chăm sóc cho các cựu chiến binh Mỹ và công nhận những đóng góp, cống hiến của họ trong quá trình họ phục vụ trong quân ngũ. Còn tại Việt Nam thì chúng tôi phối hợp với chính quyền Việt Nam để củng cố, cải thiện hệ thống y tế để cung cấp dịch vụ cho tất cả người dân sử dụng dịch vụ y tế".