“Xin hãy chấp nhận cho con được điểm kém”
Cuộc sống của học sinh Nguyễn Khuyến là vòng tròn khép kín chỉ ăn và học. Ảnh: Nguyen Khuyen Confession. |
Sáng 10/4, nam sinh Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến, TP.HCM nhảy từ mái tôn lầu 4 tự vẫn ngay trước mắt bạn bè và thầy cô. Đây là một học sinh giỏi với điểm trung bình môn 8.9, nhưng trong lá thư tuyệt mệnh, em viết là do áp lực trong học tập và áp lực gia đình muốn em có điểm số tốt hơn.
Cách đây không lâu, một bé trai lớp 6 chỉ vì bị điểm 3 môn Anh văn, môn bé học giỏi và tự tin nhất, trong kỳ thi sát hạch đầu năm, cũng đã nhảy lầu tự vẫn. Một phần, do bé bị thầy cô trách mắng, phần nhiều là do tự trách bản thân, nên bé rơi vào trầm cảm nặng và không muốn đi học. Mặc dù gia đình đã đưa đi khám tâm lý, túc trực ở nhà để trông nom, chăm sóc bé nhưng bi kịch vẫn xảy ra.
TS tâm lý Lê Nguyên Phương, tác giả bộ sách "Dạy con trong hoang mang" cho hay, xuất phát từ nỗi sợ hãi lẫn tham lam về tương lai của con, cha mẹ xuất thân từ mọi thành phần đều ít nhiều mong muốn con mình học thật giỏi để hy vọng chúng có một công việc ổn định, lương bổng tốt đẹp. Chính những điều này đã tạo nên sức ép nặng nề cho con trẻ. Nhiều đứa trẻ cố gồng mình đi học từ sáng đến đêm chỉ để làm vừa lòng cha mẹ.
Chị T.K, một phụ huynh từng có con học tại Trường tư thục Nguyễn Khuyến xót xa: “Những lần đứng đợi con trong những ngày thi cuối cấp, tôi đã chứng kiến những đứa trẻ ngất xỉu ngay tại cổng trường vì áp lực và học suốt ngày đêm. Sau này tôi mới biết, con tôi từng nói với các bạn rằng, học ngày học đêm cũng chỉ bằng điểm số của các bạn trường khác vừa học vừa chơi, trong khi suốt 3 năm học tại trường, con tôi hầu như phải đứng học ở góc lớp. Tôi thật sự ân hận khi cho con học ở đó”.
Một phụ huynh khác cũng cho biết, cho dù chỉ mắc một lỗi nhỏ, con cũng sẽ bị phạt đứng học và ghi bài ở góc lớp hoặc đứng học ngoài cửa lớp. Sau 2 năm học ở trường, con chị rơi vào trầm cảm thể nhẹ và chị đã vội chuyển trường để cứu con.
Chuyên gia tâm lý lâm sàng Võ Thị Minh Huệ (Phòng khám Nhi đồng thành phố) chia sẻ, việc bố mẹ ép con học như điên khiến con chán sống, muốn tự tử cũng là tội ác. Đừng đổ lỗi cho nhà trường, xã hội mà trước hết, mỗi người làm cha làm mẹ phải chịu trách nhiệm đầu tiên vì không cho con sự bình yên.
Bác sĩ Lâm Hiếu Minh (Bệnh viện Tâm thần TPHCM) đã không ít lần cảnh báo số học sinh đi khám bệnh tâm thần tăng không ngừng mỗi năm, nhất là vào mùa thi cử. Phần lớn các ca khi đã vào viện đều đã ở trong tình trạng nặng, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, cuộc sống.
Thậm chí, chính các em học sinh đã từng lên tiếng kêu cứu: “Hãy cho em ngủ” khi hai nữ sinh Trường THPT Gia Định (TP.HCM) khảo sát 7.363 bạn học sinh ở các trường THPT trên địa bàn thành phố. Từ đó, thu được một số kết quả đáng báo động như: Cứ 10 học sinh thì có đến 8 em gặp khó khăn trong việc tập trung trên lớp do ảnh hưởng trực tiếp từ giấc ngủ! Áp lực học tập, kiểm tra và thi cử là nguyên nhân hàng đầu ảnh hưởng đến tình trạng thiếu ngủ của học sinh phổ thông.
Việc thiếu ngủ này đã gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, thể chất, tinh thần, kết quả học tập cũng như sự phát triển toàn diện của học sinh. Nguy hiểm hơn, nếu hệ quả này kéo dài sẽ dẫn tới nguy cơ tồi tệ như trầm cảm, rối loạn cảm xúc hay có những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống.
Sau những cái chết thương tâm từ điểm số, áp lực học tập, chị Cẩm Anh, một người nghiên cứu giáo dục đã phải xót xa thốt lên: “Xin hãy chấp nhận cho con được điểm kém. Khi mà nhiều gia đình còn hùa với nhà trường để cùng đưa điểm số lên một tượng đài cao chót vót, nhiều ba mẹ làm cho con mình hiểu rằng điểm 3 sẽ hủy hoại cả cuộc đời con, nhiều gia đình không vứt nổi cái nặng nề của điểm 3 ngoài bậc cửa thì sẽ vẫn còn những cái chết thương tâm như vậy. Hãy để cho con mình thấy, học để con được vui sống khỏe mạnh, chứ không phải học để mà tuyệt vọng!”