Xã hội hóa đào tạo nghề, học viên giáo viên được lợi
![]() |
Xã hội hóa với sự đầu tư phương tiện học tập hiện đại giúp tay nghề học viên được nâng lên |
Tốt nghiệp được mời đi làm ngay
Vừa nhận tấm bằng tốt nghiệp trong tay, Nam (Ba Vì, Hà Nội) cũng đồng thời nhận được giấy tiếp nhận làm việc cùng với đồng phục của công ty Cổ phần LILAMA. Nam kể: "Em học chuyên ngành cơ khí tại trường Trung cấp nghề công đoàn Hà Nội. May mắn, tại trường có mô hình liên kết với doanh nghiệp nên em vừa học tại trường vừa được đi thực hành tại công ty nên sau khi tốt nghiệp em đã được công ty nhận vào làm ngay. Đây là điều mà không phải sinh viên nghề nào cũng có được".
Lãnh đạo Trường trung cấp nghề công đoàn Hà Nội cho biết mặc dù là đơn vị trực thuộc LĐLĐ thành phố Hà Nội mới được thành lập trên cơ sở trung tâm GTVL & Dạy nghề nên gặp không ít khó khăn, nhưng Ban Giám hiệu cùng toàn thể các thầy cô giáo và các đồng chí CBVC nhà trường, trong những năm qua nhà trường đã cố gắng tìm cho mình hướng đi mới.
Theo đó, trường ưu tiên những khóa đào tạo ngắn hạn, hệ trung cấp nghề đặc biệt là liên kết đào tạo với các doanh nghiệp đi sâu vào mô hình đào tạo có địa chỉ như lớp trung cấp nghề Vận hành nhà máy thủy điện.
Đây cũng là khóa đào tạo đầu tiên theo mô hình hình này của nhà trường ký kết với Công ty cổ phần đầu tư và Xây lắp Sông Đà. Theo đó, nhà trường sẽ đào tạo về chuyên môn lý thuyết, sau mỗi một chuyên đề các em lại đến những doanh nghiệp đặt hàng để thực hành. Doanh nghiệp đã cùng với trường tạo cơ hội cho các em vừa học vừa hành. Để xét tốt nghiệp không chỉ căn cứ vào điểm lý thuyết mà có cả điểm thực hành. Sau khi tốt nghiệp, các em lại trở lại chính những doanh nghiệp đặt hàng để làm việc.
Tại khóa đầu tiên đào tạo theo hình thức này, trường Trung cấp nghề công đoàn Hà Nội đã có 65/68 học sinh đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp ra trường đúng tiến độ đào tạo, đạt trên 95%, trong đó đạt loại giỏi là 5 học viên (8%); loại khá là 37 học viên (57%) và loại trung bình khá là 23 học viên (35%).
Tất cả những học viên tốt nghiệp đều có việc làm ngay tại doanh nghiệp đặt hàng với nhà trường từ ban đầu. Đây được xem là thành công của nhà trường, từ đó đến nay, trường đã mở rộng mô hình đào tạo và đã ký kết được nhiều hợp đồng đào tạo với các công ty như Công ty Cổ phần LILAMA 7, Công ty Cổ phần LILAMA 69-1, Công ty Cổ phần Sông đà 3… với nhiều nghề khác nhau: Lắp đặt thiết bị cơ khí, Kỹ thuật lắp đặt ống công nghệ, Điện công nghiệp, Kỹ thuật xây dựng.
Đời sống cán bộ, giáo viên được nâng lên
Không chỉ học viên được thụ hưởng khi các cơ sở đào tạo nghề thực hiện công tác xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong đào tạo nghề mà ngay bản thân chính cán bộ, giáo viên tại những trường này cũng có những đổi thay nhất định.
Đơn cử như tại trường Trường Cao đẳng nghề GTVT Trung ương sau khi thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế hoạt động và đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng và Nhà nước, nhà trường đã rà soát các mặt hoạt động, lĩnh vực đào tạo của đơn vị.
Sau đó, nhà trường đã lập Kế hoạch và triển khai thực hiện “Đề án xã hội hóa trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe”, nhằm tiến tới thành đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tạo mô hình thí điểm để thực hiện nhân rộng các hoạt động xã hội hóa đối với các ngành nghề đào tạo khác trong Trường.
Theo ông Nguyễn Trọng Minh, hiệu trưởng nhà trường, từ năm 2009, thông qua việc huy động nguồn lực tài chính từ sự đóng góp của cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong trường, hoạt động xã hội hóa công tác đào tạo đã được nhà trường triển khai thực hiện, sau khi được Bộ giao thông vận tải phê duyệt.
Cụ thể, Nhà trường đã xây dựng “Phương án huy động vốn từ cán bộ, nhân viên đầu tư nâng cao năng lực đào tạo nghề lái xe ô tô ” và "Quy chế tổ chức và hoạt động đào tạo lái xe ô tô sử dụng nguồn vốn huy động ”, xác định rồ trách nhiệm, quyền lợi của các bên, là cơ sở để triển khai thực hiện có hiệu quả.
Trên cơ sở nhu cầu, nguồn lực và điều kiện thực tế, nhà trường đã ra thông báo và thu nhận đăng ký tham gia của 36 cá nhân là cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong nhà Trường với số lượng đóng góp 35 xe con (đào tạo lái xe hạng B) và 1 xe tải (đào tạo lái xe hạng C).
Tổng giá trị tài sản của 36 xe ôtô là: 7,991 tỷ đồng. Cùng với số lượng xe đào tạo hiện có của nhà trường, lưu lượng đào tạo lái xe ôtô đã tăng từ 400 lên 700 học viên.Số lượng học viên đào tạo trên các xe góp vốn trong năm 2013 được 428 học vỉên; năm 2014 được 484 học viên.
Sau quá 5 năm thực hiện xã hội hóa tại nhà trường cho thấy các cán bộ, giáo viên nhà trường đã yên tâm công tác và gắn bó với nhà trường hơn, đời sống, thu nhập của cán bộ cũng được nâng lên một bước.