Vụ băm nát Sơn Trà: Cho phép khai thác tận dụng tài nguyên rừng như thế nào?
Như tin đã đưa, ngày 19/3, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan đến kiểm tra tại hiện trường xây dựng Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa của Công ty CP Biển Tiên Sa đang gây nhiều bức xúc trong dư luận vì băm nát cả một khu vực rộng lớn phía Tây Bắc bán đảo Sơn Trà.
Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng Lê Quang Nam: "Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là cơ sở cho Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng cũng như tiến hành các thủ tục pháp lý tiếp theo!” (Ảnh: HC) |
Báo cáo với Chủ tịch UBND TP, ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng cho biết, sở dĩ báo cáo điều chỉnh đánh giá tác động môi trường của dự án này chưa được Hội đồng thẩm định thông qua vì còn thiếu nhiều nội dung. Một số giải pháp được đưa ra trong báo cáo này cũng chưa hợp lý. Do vậy, Sở TN-MT Đà Nẵng đã có Thông báo 21/TB-STNMT ngày 17/2/2017 yêu cầu Công ty CP Biển Tiên Sa chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ để Sở TN-MT trình lên UBND TP ra quyết định phê duyệt.
Trong đó, Sở TN-MT Đà Nẵng yêu cầu chủ đầu tư “đánh giá tính phù hợp địa điểm triển khai dự án với các đặc điểm môi trường tự nhiên khu vực; ảnh hưởng của dự án đến các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước”; làm rõ “đặc điểm nền địa chất khu vực bãi biển sẽ xây dựng 5 bungalow nổi; hiện trạng các suối trong khu vực dự án”; “bổ sung đánh giá về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến dự án; diện tích mất rừng”.
Chủ đầu tư cũng được yêu cầu “đánh giá tác động đến các loài sinh vật và hệ sinh thái; đánh giá tác động của công trình đến hệ thống nước khu vực; đánh giá mật độ xây dựng của dự án ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của dự án; khối lượng bentonite thải” trong giai đoạn chuẩn bị dự án. Đánh giá “tác động môi trường do hoạt động dã ngoại của du khách tại dự án trên khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà” khi dự án này được đưa vào hoạt động.
Nêu rõ “biện pháp giảm thiểu tác động đến cơ sở hạ tầng, giao thông khu vực, độ rung, trượt, sạt lở đất, đá, xói lở bờ biển”; “giải pháp giảm thiểu tác động đến các loài sinh vật và hệ sinh thái”… trong quá trình thi công. Làm rõ loại cây xanh trồng trong khu vực dự án; các biện pháp chống loài sinh vật ngoại lai; giải pháp quản lý, bảo vệ cảnh quan các khu rừng quanh dự án; giải pháp bảo vệ, phát triển cây xanh trong khu vực dự án; giải pháp PCCC rừng; giải pháp giảm thiểu tác động đến các loài sinh vật và hệ sinh thái… khi dự án đi vào hoạt động.
Trong khi đó Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng Trần Viết Phương cho biết hơn 30ha rừng và đất rừng khu vực dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa nằm trong khu vực “đất khác”, không nằm trong quy hoạch 3 loại rừng của rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
Ngày 23/2/2017, Sở NN-PTNT Đà Nẵng đã có Quyết định 27/QĐ-SNN phê duyệt hồ sơ thiết kế khai thác tận thu gỗ, củi và cấp phép khai thác trong phạm vi giải phóng mặt bằng để thi công dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa.
Hơn 30ha rừng và đất rừng khu vực dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa được cho là "đất trống, rừng nghèo kiệt"! (Ảnh: HC) |
“Toàn bộ trạng thái rừng ở khu vực này gần như là đất trống, rừng nghèo. Trong quá trình triển khai dự án, chúng tôi đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn kiểm tra, giám sát ở đây. Thời gian qua, việc thu hồi rừng, khai thác tận thu gỗ, củi và cắm mốc dự án đảm bảo theo ranh giới, không có vi phạm gì!” – ông Trần Viết Phương nói.
Tại buổi làm việc, với sự chứng kiến của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan và đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí, PV Infonet đặt câu hỏi với ông Trần Viết Phương:
PV Infonet: Lúc nãy, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng nói, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là văn bản làm cơ sở cho Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng cũng như tiến hành các thủ tục pháp lý tiếp theo. Chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt thì chưa được cấp phép xây dựng. Vậy thì căn cứ vào đâu để Sở NN-PTNT ra Quyết định 27/QĐ-SNN cho phép dự án này khai thác tận thu gỗ, củi để giải phóng mặt bằng thi công?
Ông Trần Viết Phương: Trên cơ sở Quyết định số 5867 ngày 29/8 (không nói rõ năm nào - PV) của UBND TP và Hội đồng định giá tài nguyên rừng TP Đà Nẵng tham mưu UBND TP ban hành Quyết định 927 ngày 11/2/2017 về việc định giá tài nguyên rừng. Theo đó, Công ty CP Biển Tiên Sa đã mua lại toàn bộ gỗ, củi tận thu. Và (căn cứ - PV) các văn bản quy định về thu hồi rừng, tận dụng tài nguyên rừng thì Sở mới có Quyết định số 27/QĐ-SNN.
PV Infonet: Theo ông nói thì chủ đầu tư đã mua lại tài nguyên rừng ở khu vực dự án?
Ông Trần Viết Phương: Họ xin mua lại số gỗ, củi tận thu
PV Infonet: Và như vậy là họ có quyền khai thác mà không cần có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt?
Ông Trần Viết Phương: Không! Đánh giá tác động môi trường là phần riêng!
PV Infonet: Sao lại phần riêng thưa ông? Rừng là môi trường mà?
Ông Trần Viết Phương: Môi trường nhưng mà bên kiểm lâm thì chúng tôi giao cho Hạt Kiểm lâm sở tại trực tiếp kiểm tra, giám sát.
PV Infonet: Việc khai thác tận thu tài nguyên rừng để giải phóng mặt bằng thi công dự án liên quan rất lớn đến môi trường. Chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, sao Sở NN-PTNT lại cấp phép cho người ta chặt cây, đào rừng?
PV báo Công an Nhân dân: Xin ông cho biết khu vực khai thác tận thu gỗ, củi có diện tích bao nhiêu? Doanh nghiệp nộp nghĩa vụ đối với ngân sách là bao nhiêu?
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng Trần Viết Phương cho rằngkhông có văn bản nào buộc phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường mới làm quyết định cấp phép khai thác tận thu rừng (Ảnh: HC) |
Ông Trần Viết Phương: Tổng cộng là 77 triệu đồng. Diện tích thì chỉ có một lượng rất ít, bởi vì các anh lên đó thì thấy đa số là đất trống và trong đó có 8,15ha là rừng trồng của người dân. Cái này họ đã đền bù giải tỏa mặt bằng, còn lại chỉ có 1,7ha là đất lâm nghiệp 1C ở trạng thái nghèo kiệt. Cái này cũng tận thu một số cây còn có thể sử dụng.
PV Infonet: Xin ông nói lại cho một lần nữa. Theo ông, quyết định của Sở NN-PTNT là không cần có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Có đúng vậy không?
Ông Trần Viết Phương: Cái chỗ này thì tôi cũng chưa nghiên cứu kỹ, nhưng mà…
PV Infonet: Ông chưa nghiên cứu kỹ mà sao anh lại cấp phép cho người ta khai thác tận thu rừng?
Ông Trần Viết Phương: Về mặt văn bản thì không có cái nào điều chỉnh, buộc phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường mới làm quyết định cấp phép khai thác tận thu rừng.
PV Infonet: Ông không biết là điều chỉnh quy hoạch thì phải làm lại báo cáo đánh giá tác động môi trường hay sao?
Ông Trần Viết Phương: Điều chỉnh quy hoạch thì họ đang làm đánh giá tác động, còn cái cấp phép này là một phần riêng, thu hồi tài nguyên rừng.
PV Infonet: Tài nguyên rừng tất nhiên là liên quan rất lớn đến môi trường. Chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường mà anh cấp phép cho thu hồi tài nguyên rừng thì có đồng nghĩa với việc quyết định của anh không cần có báo cáo đánh giá tác động môi trường?
Ông Trần Viết Phương: Không có văn bản nào quy định về việc phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường thì mới cấp phép (thu hồi tài nguyên rừng – PV).
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: Anh Phương phải về kiểm tra lại. Anh nói trong những căn cứ để ra quyết định thu hồi tài nguyên rừng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng đừng chủ quan như thế. Phải về kiểm tra lại, biết đâu là phải có đánh giá tác động môi trường rồi mới được cấp phép thu hồi tài nguyên rừng!