"Vỡ mộng" nghề nuôi chim yến
"Vỡ mộng" nghề nuôi chim yến
Khoảng hai năm nay, mô hình nuôi yến tự nhiên ở thị xã Gò Công phát triển mạnh. Trên những nóc nhà cao tầng đầu tư bạc tỷ, ở đâu cũng nghe âm thanh dẫn dụ yến.
Một trong những "lâu đài" nuôi chim yến
Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng thị xã Gò Công, hiện trên địa bàn có hơn 100 hộ dân chuyên nuôi yến. Nhiều nhất là dọc theo bờ sông cầu Long Chánh, đường Nguyễn Huệ, phường 1 và khu vực Ao Trường Đua, đường Nguyễn Văn Côn, phường 2. Ngay cả ngôi nhà cổ trên 100 năm tuổi ở khu Dinh Tỉnh trưởng cũng biến thành “đại bản doanh” của chim yến.
Không chỉ ở thị xã Gò Công, hiện các địa phương thuộc huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông cũng rộ lên phong trào xây nhà nuôi yến với gần 300 hộ. Chỉ riêng xã Long Bình, huyện Gò Công Tây, nơi nuôi yến đầu tiên của tỉnh đã có hơn 20 hộ. Nhiều người từ TP.HCM và các địa phương khác đến đây mua đất, xây nhà để nuôi chim yến, khiến giá đất vùng này lên cơn “sốt”. Hiện giá tổ yến thu mua tại chỗ lên đến 38 - 40 triệu đồng/kg.
Yến sào luôn mang lại lợi nhuận cao
Tuy nghề nuôi chim yến được đánh giá là kinh tế cao, song mang tính “bí truyền”, nên về hiệu quả kinh tế không thể đoán được.
Về kỹ thuật, các hộ nuôi không phổ biến mà vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, hoặc thuê các chuyên gia tư vấn nhưng chủ yếu dùng hình thức “gọi yến” vào nhà làm tổ. Vì vậy, rất nhiều trường hợp đầu tư xây nhà bạc tỷ mà không dẫn dụ được đàn yến vào, hoặc có yến vào rồi lại bỏ đi.
Cụ thể, như trường hợp của ông Lê Văn Luân, ở ấp Long Hưng, xã Long Chánh, thị xã Gò Công đầu tư xây nhà lầu 3 tầng nuôi chim yến. Qua 3 năm tích cực dẫn dụ, chỉ có 5 cặp chim yến vào làm tổ, nay đã trở thành nhà hoang. Nhiều hộ đã lâm vào cảnh nợ nần vì tình trạng này.
Do nuôi chim yến ồ ạt không theo quy hoạch nên đã làm xáo trộn cuộc sống của người dân tại Gò Công, bởi sự ô nhiễm âm thanh “gọi yến” phát ra ngày đêm từ máy cassette. Ấy là chưa kể, nhiều hộ dân sống chung với chim yến trong một ngôi nhà, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường, mầm móng phát sinh dịch bệnh từ phân và lông chim yến rơi vãi...
Một số hộ nuôi còn phát sinh mâu thuẫn khi đàn yến nhà này bị dẫn dụ qua nhà bên cạnh, gây mất đoàn kết, trật tự xã hội. Khổ nhất là người dân không tham gia nuôi yến nhưng bị ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe.
Những con chim yến bé nhỏ này có thể làm thay đổi cuộc sống của nhiều người
Ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho rằng: “Nghề nuôi chim yến đòi hỏi phải có điều kiện cần và đủ chứ không thể tự phát như hiện nay. Bởi nuôi chim yến rất khó về kỹ thuật và đòi hỏi vốn cao. Song về phía chính quyền địa phương chưa hình dung ra mô hình thích hợp nên còn do dự”.
Hiện Sở này đang làm dự thảo và chỉ thị quản lý nghề nuôi chim yến, theo hướng đưa nghề này vào nhóm ngành chăn nuôi có điều kiện; không phát triển các hộ nuôi ở nội ô và có quy hoạch vùng phù hợp.
Chỉ tiếc rằng, cho đến nay kế hoạch này vẫn còn nằm trên giấy. Trong khi chính quyền các địa phương có liên quan đang gặp lúng túng thì vẫn có nhiều hộ tiếp tục thua lỗ, nhiều người dân bức xúc.
Quang Vũ