Virus Corona tại Việt Nam đã biến đổi, có ảnh hưởng tới công tác dập dịch?
Virus Corona tại Việt Nam đã biến đổi, có ảnh hưởng tới công tác dập dịch? |
Tối 5/4, trên một số báo, PGS.TS Lê Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, qua nghiên cứu trong thời gian qua, các nhà khoa học của Viện đã nhận thấy sự biến đổi khác biệt về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Cụ thể, virus này đã tách ra thành 2 nhóm khác hẳn nhau. Đó là nhóm virus từ những người trở về từ Trung Quốc trong giai đoạn đầu khi dịch mới xuất hiện tại Việt Nam. Nhóm thứ 2 là virus trong những bệnh nhân nhập cảnh từ châu Âu thời gian qua.
Theo PGS. TS Quỳnh Mai, trong quá trình phân lập virus từ mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân đến từ Trung Quốc và châu Âu, các nhà khoa học nhận thấy virus gây bệnh cho 2 nhóm này khác hẳn nhau.
Tuy nhiên, đến nay nghiên cứu vẫn chưa chỉ ra được virus nhóm nào lây nhiễm nhiều hơn, mạnh hơn. “Vì ngoài yếu tố đặc tính riêng, thì việc virus lây nhiễm còn phải có điều kiện tốt, môi trường tốt và cơ thể cảm nhiễm tốt”, PGS.TS Lê Quỳnh Mai phân tích.
Cùng với đó cũng chưa khẳng định được độc lực của SARS-CoV-2 có liên quan gì đến yếu tố địa lý, nguồn gốc mà chúng phát sinh hay không.
Trả lời câu hỏi của VietNamNet, virus Corona gây dịch Covid- 19 đã biến đổi tại nước ta sẽ đặt ra thách thức gì cho công tác phòng chống dịch, PGS. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế cho rằng), virus Corona gây dịch Covid - 19 đã biến đổi 8 lần so với khi phát hiện ở Vũ Hán.
“Tuy nhiên người ta cũng chưa thấy nó thay đổi nhiều về khả năng gây bệnh và phương thức lan truyền”, PGS. TS Nguyễn Huy Nga thông tin. Ông cho rằng, việc virus Corona biến đổi “có thể ảnh hưởng đến việc chế tạo vắc xin” tuy nhiên nó có ảnh hưởng đến công tác dập dịch hay không thì cựu Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định “chưa có ảnh hưởng gì”. Bởi hiện Việt Nam vẫn áp dụng biện pháp cách ly, bao vây và khống chế dịch, việc này đã có kết quả rõ rệt.
Đồng tình với quan điểm này, BS Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP. HCM cho rằng, chẳng có gì vi rút cũng tiến hóa. Vì đa số các chủng virus sẽ có khuynh hướng thành human Coronavirus.
“Đó là xu hướng sinh học, nếu nó tiến hóa phù hợp với người thì sẽ nhẹ nhàng hơn”, BS Trương Hữu Khanh hy vọng.
Cũng liên quan đến tình hình dịch bệnh, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid- 19 đưa ra khuyến cáo:
Người dân tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5 điểm:
1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.
2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m.
3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
4. Thường xuyên vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc, sinh hoạt lành mạnh.
5. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo khuyến cáo người dân những thói quen cần thay đổi trong mùa dịch Covid-19:
1. Trước gặp nhau tay bắt mặt mừng, nay gặp nhau không vồ vập, không bắt tay.
2. Trước hay vô thức đưa tay lên mặt, nay không đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
3. Trước về tới nhà là sà vào người thân, nay cần thay ngay quần áo, tắm rửa.
4. Trước ăn xong đánh răng là đủ, nay thêm súc họng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn.
5. Trước hay giao lưu gặp gỡ, nay không mời khách tới nhà và cũng không tới nhà người khác.
6. Trước ốm đau đến ngay bệnh viện, nay gọi điện thoại trước cho nhân viên y tế để được tư vấn.
7. Cuối cùng, tự giác và nhắc nhau thực hiện các quy định và khuyến cáo phòng chống dịch.
Trong hai buổi sáng liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới, đặc bệt ngày hôm qua (5/4), cả ngày chỉ ghi nhận 1 trường hợp mắc mới. Như vậy, trong 4 ngày qua, Việt Nam ghi nhận số ca COVID-19 mắc mới giảm, từ 11 ca ngày 2/4 xuống còn 3 ca ngày 4/4 và hôm qua (5/4) là 1 trường hợp. Nhìn nhận về những thay đổi này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, chuyên gia dịch tễ, nguyên Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đây chưa phải là giá trị dịch tễ đánh giá dịch đã lui. Tuy nhiên đây là một tín hiệu vui nhưng không nên chủ quan. Theo ông Nga phải ít nhất trong 2 tuần mới có thể nói dịch đã lui hay chưa. “Nếu thực hiện nghiêm chỉnh chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta giữ vững được thế chủ động chống dịch. Nếu không kịp thời không chế, dịch có thể bùng phát mạnh trong cộng đồng, dẫn tới nhiều người nhập viện do tình trạng nặng, đặc biệt người cao tuổi và có bệnh nền. Nếu qua 15 ngày cách ly vẫn có các ca bệnh mới, chúng ta tiếp tục bao vây, dập tắt ổ dịch và có khả năng phải thực hiện giãn cách xã hội. Nếu không có ca bệnh mới, về cơ bản, ta đã khống chế được dịch trên lãnh thổ Việt Nam và có thể xem xét việc ngừng giãn cách xã hội. Khi đó, cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới để khóa chặt các ca bệnh từ ngoài vào, cố gắng duy trì cho đến khi dịch bệnh trên thế giới thoái lui”, PGS. TS Nguyễn Huy Nga cho biết. |