Vinasun kiện Grab, yêu cầu bồi thường 41 tỷ đồng
![]() |
Cho rằng bị chèn ép bởi các điều kiện kinh doanh bất bình đẳng, Vinasun khởi kiện Grab, yêu cầu đền bù thiệt hại. |
Theo đơn khởi kiện, Vinasun cho rằng Grab là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải – tương đồng với ngành nghề Vinasun đang làm, chứ không phải chỉ cung cấp dịch vụ vận tải.
Không những vậy, trong quá trình hoạt động, Grab đã có nhiều hành vi kinh doanh không lành mạnh như khuyến mãi tràn lan, phá giá… khiến nhiều hàng taxi truyền thống – trong đó có Vinasun bị thiệt hại nặng nề.
Theo Vinasun, tính đến hết quý 2 năm 2017, hãng đã có hơn 8.000 lao động phải nghỉ việc, hàng trăm xe phải nằm chờ. Đưa ra các số liệu tính toán, phía Vinasun cho rằng trong Grab đã gây thiệt hại cho hãng số tiền hơn 41 tỷ đồng.
Đi kèm với đơn kiện, Vinasun còn đưa thêm nhiều “bằng chứng” như hình ảnh, video, văn bản… mà theo đơn vị này là nhằm chứng minh các hành vi vi phạm pháp luật của Grab.
Mở đầu phiên tòa, Chủ tọa đã nêu ý kiến về việc hòa giải, tuy nhiên cả nguyên và bị đơn đều không đồng ý. Trong khi phía Vinasun yêu cầu tiếp tục xét xử thì Grab yêu cầu tòa đình chỉ vụ kiện hoặc bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.
Trình bày tại tòa, đại diện Vinasun nêu lại nội dung của lá đơn khởi kiện, đồng thời yêu cầu Grab bồi thường cho mình hơn 41 tỷ đồng.
Cũng theo vị đại diện, Grab đã lợi dụng “Quyết định 24” (về việc Thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng) để thực hiện nhiều lần hành vi trái luật.
Trong khi đó, phía Grab bác bỏ cáo buộc này và cho rằng dịch vụ của họ đã tạo điều kiện cho hành khách đi lại dễ dàng, tạo cạnh tranh giữa các hãng, đồng thời nhận định rằng các tính thiệt hại của Vinasun là không có cơ sở.
Cũng theo đại diện Grab, nếu Vinasun cho rằng đề án thí điểm vi phạm thì có thể khiếu nại lên Bộ Giao thông vận tải chứ không phải là đơn vị này. Đại diện Grab còn từ chối trả lời nhiều câu hỏi của Vinasun, dù HĐXX nhắc nhở rằng nếu không trả lời thì sau này HĐXX cũng sẽ hỏi.
Tại vụ kiện hôm nay, ngoài những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan của hai bên còn có khá đông tài xế của Vinasun. Không vào trong phiên tòa, những tài xế này đứng ở ngoài theo dõi vụ kiện và bày tỏ sự ủng hộ Công ty chủ quản.
Tài xế Nguyễn Thanh Duy cho rằng Grab “có giá cả lên xuống, phá giá tùm lum để thị trường hỗn loạn, taxi sống không được”.
Dù có nhiều nhận định khác nhau nhưng các tài xế đều đồng tình rằng Grab đang cạnh tranh không lành mạnh, được ưu đãi nhiều điều kiện so với taxi truyền thống, do vậy “nồi cơm chung” của họ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.