Viettel, MobiFone, VNPT, Vietnam Post, VTC góp 2 tỷ USD cho ngân sách
2015 với nhiều con số ấn tượng
Điểm lại hoạt động trong năm 2015 của toàn ngành, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phải nhiều lần nhấn mạnh những thành quả, con số ấn tượng trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thái Anh. |
Theo đó, 2015 là năm nhiều dấu ấn trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, với 3 văn bản quan trọng là Luật An toàn thông tin mạng (đã được Quốc hội thông qua với số phiếu rất cao); Quy hoạch Phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 (đã được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị cho ý kiến, Chính phủ có Nghị quyết 40 để triển khai); Luật Báo chí sửa đổi (dự kiến ban hành tháng 3/2016).
2015 cũng là năm sôi động của lĩnh vực báo chí trong việc tuyên truyền về các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng như triển khai Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII,... Bên cạnh đó, báo chí cũng đã tiếp tục tuyên truyền, phản biện, chống lại các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng; đấu tranh phản bác kịp thời việc Trung Quốc xây dựng trái phép các điểm đảo trong khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam...
Trong lĩnh vực bưu chính, điểm nhấn đáng chú ý là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đạt doanh thu 8.811 nghìn tỷ đồng, đóng góp ngân sách 375 tỷ đồng (dù từ năm 2013 trở về trước phải để nhà nước “nuôi”).
Lĩnh vực viễn thông phát triển lành mạnh, mang lại dịch vụ ngày càng tốt cho xã hội. Dấu ấn đáng chú ý nhất là Tổng Công ty Viễn thông MobiFone đạt tỷ suất lợi nhuận tới 49,35%, cao hơn cả Viettel (40,8%), trở thành một trong những doanh nghiệp nhà nước đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước (6.922 tỷ đồng), tính bình quân đầu người của MobiFone thì mỗi người đóng tới 1,5 tỷ đồng cho ngân sách trong năm qua.
Mới đây, Thủ tướng đã đồng ý cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel tăng vốn điều lệ lên 300.000 tỷ đồng. Đây là thách thức với các doanh nghiệp khác, ngay cả VNPT (vốn điều lệ 72.000 tỷ đồng) và MobiFone (15.000 tỷ đồng) cộng lại không bằng 1/3 Viettel.
Trong số những kết quả đạt được của toàn ngành TT&TT năm 2015, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đặc biệt lưu ý: chỉ tính riêng doanh thu của 5 doanh nghiệp gồm Viettel, MobiFone, VNPT, VietnamPost, VTC năm 2015 đã đạt 379.733 tỷ đồng; lợi nhuận 56.828 tỷ đồng, đóng góp 48.268 tỷ (tương đương 2 tỷ USD) cho ngân sách nhà nước.
Bên cạnh những bước tiến, kết quả nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục để phát triển bền vững trong thời gian tới. Cụ thể: Hệ thống báo chí số lượng nhiều nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu; Nhận thức về vai trò của hoạt động xuất bản chưa đúng mức, đa số nhà xuất bản khó khăn, tình trạng in lậu,vi phạm bản quyền vẫn diễn ra;
Bưu chính có đổi mới nhưng tự động hóa chưa nhiều, công nghệ còn lạc hậu so với nhiều nước, năng suất lao động thấp, chưa đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của xã hội; Quản lý thuê bao trả trước nhiều khó khăn, bất cập, chưa quản lý được tin rác sim rác, gây bức xúc trong xã hội;
Công tác bảo đảm an ninh an toàn thông tin đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong khi đó, đầu tư cho an toàn an ninh thông tin chỉ chiếm phần rất nhỏ trong các dự án đầu tư CNTT, thậm chí chưa đến 5% tổng đầu tư...
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Thái Anh |
Hướng tới 2016
Hướng tới năm 2016, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tập trung làm tốt một số nội dung như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật TT&TT, bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng văn bản pháp luật; .Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về báo chí xuất bản; Tập trung xây dựng văn bản hướng dẫn Luật An toàn thông tin mạng; Thực hiện các nhiệm vụ của Thành viên Ủy ban thường trực Quốc gia về ứng dụng CNTT, tăng cường triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ trong thực hiện Nghị quyết 36 của Chính phủ về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thời kỳ hội nhập, và Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử;
Tiếp tục quản lý thị trường viễn thông bền vững; nghiên cứu đề nghị của TP.HCM để quản lý được thuê bao di động trả trước như thuê bao trả sau nhằm hạn chế tin nhắn rác (3 nguồn tin rác hiện nay gồm: thuê bao di động trả trước, dịch vụ nội dung số, OTT); Thực hiện tốt công tác quản lý về đầu số nhắn tin để hạn chế tin rác; Triển khai đề án chuyển mạng giữ nguyên số; Triển khai số hóa truyền hình ở 5 thành phố lớn;
Tập trung xây dựng, triển khai chính sách, cơ chế hỗ trợ cung ứng dịch vụ bưu chính công ích;
Tăng cường thanh tra, kiểm tra để góp phần quản lý nhà nước tốt hơn; Đảm bảo đúng tiến độ phân bổ ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án, chương trình; Tổ chức triển hai có hiệu quả các chương trình hợp tác quốc tế; Tập trung hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về TT&TT ở các địa phương;
Quán triệt thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, quy định về phòng chống tham nhũng lãng phí, đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng CNTT trong nội ngành để tăng hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.
Đặc biệt, cần tiếp tục triển khai hiệu quả phần còn lại của hoạt động tái cơ cấu các tổng công ty. “Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý để lại ngành TT&TT và Tập đoàn VNPT 3 bệnh viện, cho phép hoạt động theo phương thức tự chủ tại chỗ, sau này sẽ cổ phần hóa”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết.
Cần sự hỗ trợ từ Chính phủ
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã đề xuất trực tiếp một số kiến nghị đối với Chính phủ.
Một là, Mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được triển khai khá tốt xuống đến cấp huyện và 1 số cấp xã. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị địa phương sử dụng mạng này trên cơ sở củng cố mạng tốt hơn, giá thành tốt hơn, chất lượng cao hơn, để phát huy hiệu quả đầu tư nhà nước và đảm bảo an toàn an ninh mạng.
Hai là đề nghị “chính danh” trong mục lục phân bổ ngân sách là “sự nghiệp TT&TT” thay cho “sự nghiệp văn hóa thông tin” như hiện nay. “Bộ TT&TT hàng năm được trên cấp xuống khoảng 800 tỷ đồng nhưng nộp ngân sách 2.000 tỷ đồng, chưa kể các doanh nghiệp nộp khoảng 2 tỷ USD. Đóng góp lớn, chi nhỏ, nhưng lại vẫn không được chính danh”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.
Ba là, Tổng Công ty MobiFone có doanh thu lớn, hiệu quả sản xuất cao, đang ăn nên làm ra. “Vừa qua, giai đoạn 2011 – 2015, cả nước mới sắp xếp cổ phần hóa được 528 doanh nghiệp, đây là những doanh nghiệp đang thua lỗ, thậm chí “chết lâm sàng”, nhà nước cần cổ phần hóa để lấy tiền về, bảo tồn vốn nhà nước, duy trì thương hiệu doanh nghiệp. Tuy nhiên, không thể đánh đồng MobiFone với các doanh nghiệp đó. Năm 2015, nhiều Bộ, ngành cổ phần hóa mạnh mẽ, tiến độ rất nhanh. Song cả năm 2015 mới thoái vốn được 9.924 tỷ đồng, thu về hơn 15.000 tỷ đồng. Nếu MobiFone cổ phần hóa thì số thu về sẽ lớn hơn tất cả số đó. Không thể bán MobiFone bằng mọi giá. Không nên lấy tiến độ cổ phần hóa làm tiêu chí ưu tiên hàng đầu mà phải đặt hàng đầu là yêu cầu về hiệu quả cho doanh nghiệp, cho nhà nước”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phân tích.
Bốn là đề nghị Chính phủ hỗ trợ cho phép CP16, đơn vị trực tiếp phục vụ Trung ương Đảng, nhà nước, được duy trì trụ sở ở số 3 Ông Ích Khiêm để có điều kiện phục vụ Đảng, Nhà nước tốt hơn.