Việt Nam trong Top 15 nước hút thuốc lá cao nhất thế giới: Vì sao cai nghiện gặp khó?
Người dân vẫn còn hạn chế về tác hại thuốc lá, thuốc lá điện tử và lợi ích của cai nghiện thuốc lá trong khi cán bộ y tế ở một số nơi chưa quan tâm, chưa chủ động triển khai tư vấn cai nghiện thuốc lá tại cơ sở.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là 1 trong 15 nước hút thuốc lá nhiều nhất thế giới |
Đại diện Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành trên 15 tuổi: 45,3% nam giới; 1,1% nữ giới. Tỷ lệ hút thuốc lá ở thanh thiếu niên từ 13- 15 tuổi: 4,9% nam và nữ là 0,2%.
Theo khảo sát, nhu cầu cai nghiện thuốc lá 53,6% người đang hút thuốc có kế hoạch hoặc có ý định bỏ hút thuốc lá trong tương lai. 5,2% người đang hút thuốc (0,8% triệu người) có kế hoạch bỏ hút thuốc lá trong tháng tới.
Trước nhu cầu trên, Chương trình cai nghiện thuốc lá tại Việt Nam đã đặt ra mục tiêu tăng cường công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá qua điện thoại và công tác tư vấn, điều trị cai nghiện thuốc lá tại các cơ sở y tế. Trong đó, mục tiêu cụ thể gồm: Tổ chức hoạt động cai nghiện, tư vấn cai nghiện thuốc lá tại bệnh viện. Nâng cao năng lực cho đội ngũ bác sĩ, tư vấn viên về tác hại thuốc lá và phương pháp tư vấn cai nghiện thuốc lá. Truyền thông về lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá, các phương pháp cai nghiện thuốc lá và quảng bá cho phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá. Triển khai các nghiên cứu về thuốc lá, các bệnh tật liên quan đến cai nghiện thuốc lá.
Thực hiện Chương trình này, tại các bệnh viện Bạch Mai, Nhân dân Gia Định, BV Y học Cổ truyền TW, BV Ung bướu Hà Nội; BV Phổi Trung ương, BV E Trung ương, Bv đa khoa TW Huế, BV đa khoa Quảng Nam; BV Hữu nghị Việt Nam- Cu Ba Đồng Hới; BV đa khoa TW Cần Thơ … đã mở tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá miễn phí.
Việc cai nghiện được tổ chức thực hiện tư vấn trực tiếp (tư vấn ngắn tại khoa, phòng và tư vấn chuyên sâu tại phòng tư vấn cai nghiện các bệnh viện). Đồng thời theo dõi, hỗ trợ chủ động cho bệnh nhân. Tần suất gọi lại từ 7- 11 lần/năm. Lịch trình: Trước ngày cai- vào ngày cai- sau ngày cai 1 lần, 2 tuần, 3 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng. Tư vấn hỗ trợ khi người bệnh có nhu cầu.
Kết quả từ năm 2015- 2019, tổng số cuộc gọi đến tổng đài 66.240 cuộc; số cuộc được tư vấn qua điện thoại là 37.820 cuộc, số bệnh nhân được tư vấn ngắn là 41.800 cuộc và số bệnh nhân được tư vấn chuyên sâu 20.255 cuộc.
Theo đại diện Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho hay dù các cơ sở y tế đã nỗ lực hết sức cho công tác cai nghiện thuốc lá tuy nhiên công việc này vẫn đối diện với nhiều khó khăn thách thức.
Đầu tiên có thể kể đến đó là hạn chế về nhận thức của người dân về tác hại thuốc lá, thuốc lá điện tử và lợi ích của cai nghiện thuốc lá.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là 1 trong 15 nước hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Trong đó, tỷ lệ nam giới vẫn ở tuổi trưởng thành vẫn ở mức cao, trên 45%. Hút thuốc lá nguyên nhân của nhiều bệnh. Đáng nói, thuốc lá không chỉ gây hại trực tiếp cho người hút, mà những người không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc tại nhà hoặc tại nơi làm việc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn 30%. Trẻ em trong độ tuổi đi học là con của những người hút thuốc có nguy cơ cao mắc bệnh hen suyễn hoặc bệnh hen suyễn của họ trở nên trầm trọng hơn.
“Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao. Theo Tổ chức Y tế thế giới, những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 22 lần trong đời, so với những người không hút.
Trong khi đó, tại các cơ sở y tế và cán bộ y tế ở một số nơi chưa quan tâm, chưa chủ động triển khai tư vấn cai nghiện thuốc lá tại cơ sở. Hơn thế nữa, hoạt động quảng bá dịch vụ tư vấn cai nghiện chưa liên tục.
“Nghiện thuốc lá là một bệnh nhưng chưa được bảo hiểm y tế chi trả các chi phí khám, tư vấn và điều trị cai nghiện thuốc lá. Ngoài ra trên thực tế vẫn còn tình trạng thiếu thuốc điều trị nghiện thuốc lá”, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá nhận định.
Do đó, đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc của thuốc lá kiến nghị tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả tư vấn cai nghiện thuốc lá bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn cai nghiện thuốc lá tại các bệnh viện, đẩy mạnh tư vấn cai nghiện chủ động; Tăng cường quản lý, theo dõi hỗ trợ bệnh nhân cai nghiện thuốc lá.
Đồng thời tăng cường quảng bá dịch vụ tư vấn cai nghiện thuốc lá đa dạng hình thức, tăng tần suất, thời lượng truyền thông. Ngoài ra, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc của thuốc lá cũng kiến nghị xây dựng và thí điểm chương trình sử dụng ứng dụng tin nhắn điện thoại di động để hỗ trợ người hút thuốc cai nghiện thuốc lá.
N. Huyền