Vì sao Trung Quốc ngày càng 'mạnh miệng' trước Mỹ?
Trước chuyến thăm tới Bắc Kinh, ông Hagel từng phát biểu: "Họ không thể đi vòng quanh thế giới và xác định lại các danh giới cũng như vi phạm hợp nhất chủ quyền và lãnh thổ của các quốc gia khác thông qua vũ lực, ép buộc và dọa dẫm dù đó là những hòn đảo nhỏ bé tại Thái Bình Dương hay các quốc gia lớn tại châu Âu".
Tuy nhiên, trong cuộc họp với Bộ trưởng Hagel tại Trung Quốc, Tướng Fan đã khẳng định dứt khoát rằng: "Người dân Trung Quốc trong đó có tôi cảm thấy không hài lòng với những lời phát biểu như trên".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel là quan chức nước ngoài đầu tiên đặt chân lên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc |
Một số người cho rằng việc Tướng Fan thẳng thắn nói ra những suy nghĩ của mình là điều nên làm bởi nó có thể giảm bớt những hiểu nhầm và leo thang căng thẳng cho cả hai bên. Ngay cả, Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược cũng nhận định: "Việc cho rằng hai nước Mỹ - Trung không hề tồn tại những bất đồng là quan điểm dại khờ và nguy hiểm".
Trên thực tế, giữa Mỹ và Trung Quốc hiện đang tồn tại những bất đồng quan điểm sâu sắc trên nhiều lĩnh vực và việc thẳng thắn trao đổi là bước đầu tiên cho quá trình thương thuyết hiệu quả. Một số nhà nghiên cứu quan hệ ngoại giao quốc tế cho rằng ngay cả khi các cuộc trao đổi thẳng thắn giữa giới chức quốc phòng cấp cao Mỹ - Trung chỉ mang tính hời hợt, nó cũng có hiệu quả ngăn chặn tích cực.
Theo phân tích của nhà báo Dingding Chen trên tạp chí The Diplomat, việc Tướng Fan đưa ra những tuyên bố thẳng thắn trước lời phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bắt nguồn từ 3 yếu tố: chủ nghĩa dân tộc, phong cách lãnh đạo quốc gia và chiến lược răn đe.
Thứ nhất, chủ nghĩa dân tộc ngày càng lớn mạnh đã dẫn tới chính sách ngoại giao ngày một tự tin và quyết đoán của Trung Quốc trong những năm gần đây. Trong hoàn cảnh này, lời phát biểu thẳng thắn của Tướng Fan là minh chứng rõ về sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc. Chủ nghĩa này đã được Bắc Kinh xây dựng kể từ năm 2008 – thời điểm cán cân sức mạnh toàn cầu dịch chuyển theo "ý thích" của Trung Quốc.
Ngoài ra, những tác động mạnh mẽ từ xã hội và những nhân vật cấp cao theo chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc cũng đang góp phần hình thành những chính sách ngoại giao ngày càng mang tính hiếu chiến.
Thứ hai, tuyên bố của Tướng Fan đã thể hiện phần nào tích cách của giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đặc biệt là phong cách phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Nhiều nhà quan sát nhận định sau khi trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, ông Tập đã thể hiện một phong cách mới trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Bước ngoặt này đã thay đổi chiến lược "tự kiềm chế" trong nhiều thập niên qua tại Trung Quốc.
Ngay cả thời điểm trước khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập đã nổi tiếng là thẳng thắn khi lên tiếng chỉ trích một số quan chức phương Tây phản đối giới lãnh đạo Trung Quốc. Giờ đây, khi trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất tại Trung Quốc, phong cách của ông Tập đã tạo ảnh hưởng không nhỏ tới lực lượng quân đội và các tướng cấp cao.
Thứ ba, việc Tướng Fan phát biểu mạnh bạo là dấu hiệu nhằm ngăn chặn Mỹ can thiệp vào những cuộc tranh chấp của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng châu Á.
Để giành được mục tiêu này, Trung Quốc cần thể hiện đồng thời năng lực và quyết tâm. Và Trung Quốc đã làm được cả hai yếu tố này trong chuyến thăm tới Bắc Kinh của Bộ trưởng Hagel. Yếu tố năng lực được thể hiện qua chuyến thăm tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, Liêu Ninh của ông Hagel. Ngoài ra, yếu tố quyết tâm được thể hiện thông qua những phát biểu mạnh miệng của giới chức Trung Quốc.