Vì sao tin tức giả mạo vẫn “sống khỏe”?
Theo tờ Indian Express, hồi năm ngoái, ở Ấn Độ, nhiều thông tin giả mạo đã bị lan truyền với tốc độ chóng mặt, khiến người dân hoang mang. Ví dụ như tin cảnh báo sự khan hiếm muối trên ứng dụng nhắn tin WhatsApp.
Gần đây, tại New Delhi đã diễn ra một hội nghị để bàn về nguồn gốc cũng như nguồn “nuôi dưỡng” những tin tức giả mạo với sự tham gia của các nhà báo, các chuyên gia về công nghệ thông tin và truyền thông của Ấn Độ. Hội thảo đã chỉ ra những tính chất, vấn đề liên quan đến tin tức giả mạo.
Các loại tin giả mạo
Ông Nasr ul Hadi, một chuyên gia của Trung tâm Báo chí Quốc tế (ICFJ) đang triển khai các dự án về truyền thông ở Ấn Độ cho rằng, nếu muốn ngăn chặn được tin tức giả mạo thì điều đầu tiên là phải phân loại được chúng. Theo ông có 3 loại tin tức giả mạo.
Tin tức giả mạo đang trở thành chủ đề nóng trong lĩnh vực truyền thông. Ảnh minh họa. |
Thứ nhất, tin giả mạo có nguồn gốc từ cộng đồng. Ông Hadi miêu tả tin thuộc thể loại này là những tin đồn, những lời đồn thổi trong cộng đồng mạng.
Thứ hai, tin giả mạo xuất phát từ các hãng tin hay các tờ báo. Các hãng tin hay các tờ báo xuất bản thông tin sai lệch. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trường hợp này như nguồn tin không đáng tin cậy hay đưa tin thiếu xác minh.
Thứ ba, tin giả mạo được tạo ra có chủ đích. Nhiều ấn phẩm hay trang tin có mục đích chính là tạo ra các tin tức giả mạo hay các chiến dịch tuyên truyền nhằm cố tình gây hiểu lầm cho công chúng.
Ông Hadi lập luận, một khi đã hiểu được bản chất của các tin giả mạo, chính phủ, giới công nghệ và truyền thông sẽ lập được những chiến lược hiệu quả hơn để ngăn chặn chúng.
Ví dụ, trong trường hợp những người sử dụng mạng xã hội lan truyền thông tin sai lạc, các nền tảng công nghệ có thể chịu trách nhiệm nhiều hơn bằng cách xác minh người dùng hay chặn các thông tin đó.
Tại sao tin tức giả mạo vẫn “sống khỏe”?
Ông Hadi nhận định, so với các tổ chức tung tin giả mạo, các tổ chức truyền thông nghiêm túc bất lợi hơn bởi họ phải đầu tư thời gian, công sức và nguồn lực đáng kể hơn nhiều để có được những bài viết hay tin tức. Trong khi đó, các tổ chức tung tin giả mạo có thể dễ dàng "bịa" tin.
Ngoài ra, những tin giả mạo thường giật gân, tác động trực tiếp hơn vào cảm xúc của con người nên dễ được đọc và chia sẻ hơn so với những tin tức nghiêm túc.
Các nền tảng công nghệ như Facebook phải có vai trò lớn trong việc ngăn chặn tin giả mạo.
Rajesh Lalwani, Giám đốc điều hành của công ty tiếp thị Scenario Consulting, cho rằng, các nền tảng công nghệ như Facebook có nhiều thuận lợi trong việc ngăn chặn tin giả mạo. Ông nói: “Họ có các phương tiện, 'vũ khí' và trách nhiệm để ngăn chặn tin giả mạo”.
H.R Venkatesh, một chuyên gia khác của ICFJ thì đề xuất: "Bởi tin tức giả mạo bị lan truyền nhanh trên mạng xã hội nên chúng ta cần các nhà báo và biên tập viên trên mạng xã hội”.