Vì sao sau thượng đỉnh Hà Nội, ông Kim Jong-un sang thăm Nga mà không phải TQ?
Theo Diplomat, chính quyền Bình Nhưỡng vẫn dường như "im hơi lặng tiếng" sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai diễn ra ở Hà Nội trong hai ngày 27 – 28/2 kết thúc mà Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un không đạt được bất cứ thỏa thuận nào.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un được cho sẽ sang thăm Nga vào tuần tới để gặp gỡ Tổng thốngVladimir Putin. |
Thậm chí, khác với thượng đỉnh Mỹ- Triều lần thứ nhất ở Singapore hồi tháng 6/2018, sau thượng đỉnh ở Hà Nội, Chủ tịch Kim Jong-un vẫn chưa thực hiện chuyến thăm nào sang Trung Quốc và gặp gỡ nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.
Trong khi đó, sau chuyến thăm Việt Nam, hoạt động ngoại giao giữa Nga và Triều Tiên lại khá nhộn nhịp. Có thể nói, Nga – Triều đã duy trì mối quan hệ ngoại giao thân thiết suốt nhiều năm qua. Hồi tháng 11/2018, Nga đã ký vào tuyên bố ba bên cùng Trung Quốc và Triều Tiên về việc giới hạn lệnh trừng phạt áp đặt với Bình Nhưỡng.
Động thái của Nga một lần nữa cho thấy, Moscow và Bắc Kinh có quan điểm hoàn toàn khác với Mỹ, Anh và Pháp về vấn đề Triều Tiên. Cùng là 5 thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc song Nga – Trung thường có quan điểm phản đối việc gia tăng lệnh trừng phạt với Triều Tiên như ý kiến của Mỹ - Anh – Pháp.
Còn trong bài phát biểu nhân dịp Năm mới 2019, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un từng đưa ra lời cảnh báo về việc Triều Tiên sẽ buộc phải “đi theo con đường mới” nếu như Mỹ không thể đưa ra những “hành động đáp lại” mà cụ thể là gỡ bỏ lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng, trong khi Triều Tiên đã ra tuyên bố phá bỏ bãi thử hạt nhân và cho dừng các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa cũng như vũ khí hạt nhân.
Hồi tuần trước, ông Kim cũng một lần nữa ra tuyên bố ám chỉ thời gian dành cho Mỹ đã gần hết. Theo đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định Mỹ có thời gian là hết năm nay để thảo luận và đưa ra “quyết định rõ ràng” về chính sách đối ngoại với Triều Tiên. Cũng theo ông Kim, ông sẵn sàng tiến hành hội nghị thượng đỉnh lần ba với Tổng thống Mỹ Trump, đồng thời khẳng định mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo vẫn tốt đẹp.
Vậy liệu Nga có phải là “con đường mới” mà Triều Tiên đang tìm kiếm? Theo Diplomat, điều này hoàn toàn có thể xảy ra bởi dù Chủ tịch Kim Jong-un đã nhiều lần thực hiện những chuyến thăm cấp cao tới Trung Quốc để gặp gỡ nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, song Bình Nhưỡng vẫn hoài nghi về mục đích tạo dựng mối quan hệ thân thiết của Bắc Kinh.
Trong khi đó, kể từ năm 2014, do chịu tác động từ vòng xoáy lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga chuyển sang thắt chặt quan hệ với các nước phương Đông bao gồm Triều Tiên. Trong đó, quá trình hội nhập kinh tế ở vùng Viễn Đông của Nga với Triều Tiên được đánh giá là đầy tiềm năng đồng thời giúp Bình Nhưỡng giảm bớt sức ép từ lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Đây cũng là một phần lý do sau thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội, hoạt động trao đổi giữa Nga – Triều tiếp tục gia tăng.
Hồi cuối tháng Ba, truyền thông Triều Tiên cũng đã đưa tin về một loạt sự kiện ngoại giao Nga - Triều bao gồm một cuộc gặp giữa các nhóm hữu nghị Quốc hội Nga – Triều, một cuộc đón tiếp đại sứ Nga ở Bình Nhưỡng và đón tiếp phái đoàn Quốc hội Liên bang Nga tới Triều Tiên.
“Nga là quốc gia láng giềng của Triều Tiên và mối quan hệ Nga – Triều là tình hữu nghị lâu đời. Hai nước có chung quan điểm phản đối sự can thiệp và áp lực từ bên ngoài đồng thời quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước”, hãng thông tấn trung ương KCNA nhấn mạnh.
Thêm vào đó, nhiều nguồn tin cho hay Chủ tịch Kim sẽ sang Nga để họp thượng đỉnh lần đầu tiên với Tổng thống Vladimir Putin vào tuần tới. Trên thực tế, ông Kim chưa từng gặp ông Putin nhưng Chủ tịch Triều Tiên từng gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov.
Do đó, cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Putin sẽ là cơ hội để Chủ tịch Kim phát đi tín hiệu về việc Triều Tiên có nhiều đối tác tiềm năng nếu như Mỹ không chịu thi hành những cam kết đã đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất ở Singapore hồi năm ngoái.