Venezuela: Biểu tình hạ Maduro, không đảo chính
Ông Lopez cũng phủ nhận các cáo buộc rằng ông dẫn đầu chiến dịch “The Exit” (Tạm dịch: Bước xuống) nhằm kích động một cuộc đảo chính tương tự như nỗ lực lật đổ Tổng thống Hugo Chavez trong năm 2002. Ông nói rằng ông chỉ muốn Tổng thống Maduro từ chức.
![]() |
Lãnh đạo biểu tình Venezuela Leopoldo Lopez |
Các chiến dịch chống lại chính phủ 10 tháng tuổi Maduro đã thúc đẩy các cuộc biểu tình nhỏ lẻ ồn ào khắp Venezuela trong vài tuần qua, khiến hơn 20 người biểu tình đã bị bắt.
Ông Lopez là người đứng đầu đảng Ý Chí Cộng Đồng (Popular Will) theo đường lối cứng rắn, là một quận trưởng ở thủ đô Caracas, từng được học bổng đào tạo ở Mỹ.
Trả lời phỏng vấn tờ Reuters, ông đang tìm cách mang lại thay đổi bằng các phương tiện pháp lý, bao gồm cả việc buộc ông Maduro từ chức hoặc một cuộc trưng cầu về hoạt động của chính phủ mà theo ông là “tham nhũng, không hiệu quả”.
Ông Maduro đã đắc cử tổng thống hồi tháng Tư năm ngoái bởi một chiến thắng khá bấp bênh, chỉ một thời gian ngắn sau cái chết của cố Tổng thống Hugo Chavez.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Maduro cho rằng những người biểu tình đang "tìm cuộc đảo chính", cáo buộc họ làm suy yếu cuộc đối thoại của mình với tầng lớp trung lưu đa số của liên minh đối lập.
Lãnh đạo đối lập Venezuela cho rằng Maduro đã điều hành đất nước như thể ông được sự ủng hộ sâu rộng thông qua sức ảnh hưởng lớn của Hugo Chavez dù chỉ chiến thắng bởi 1,5% số phiếu bầu, bỏ qua sức nặng của một nửa cử tri bỏ phiếu chống lại ông.
"Chúng tôi đang kêu gọi hàng triệu người ủng hộ phong trào và kích hoạt một trong những cơ chế theo đúng Hiến pháp, bao gồm cả việc yêu cầu tổng thống từ chức", ông Lopez nói, nhấn mạnh rằng ông đã điều hành các cuộc biểu tình một cách ôn hòa nhất.
"Đó không phải là một âm mưu, không phải là sự kích động cho một cuộc đảo chính ... Đó là quyền của công dân được ra đường thể hiện quan điểm của mình”, ông nói thêm.
Hiến pháp của Venezuela cho phép một cuộc trưng cầu thu hồi nửa nhiệm kỳ sáu năm của tổng thống. Theo đó, vào năm 2016, một cuộc trưng cầu tín nhiệm như vậy sẽ được tiến hành với chính quyền của ông Maduro với khoảng 4 triệu người dân tham gia.
Tổng thống Venezuela hiện phải đối mặt với các khiếu nại ngày càng tăng về vấn đề kinh tế bao gồm cả tình trạng thiếu hụt các nhu yếu phẩm như bột ngô và giấy vệ sinh, lạm phát hàng năm trên 56% và là một trong những nước có tỷ lệ tội phạm bạo lực cao nhất thế giới.
"Ông [Maduro] là vị tổng thống chịu trách nhiệm về tỷ lệ lạm phát cao nhất ở châu Mỹ Latinh, cả tình trạng khan hiếm hàng hóa thiết yếu, khiến hàng ngàn người phải đứng trên đường phố mỗi ngày để chờ đợi trong suốt năm, sáu giờ đồng hồ chỉ để mua các nhu yếu phẩm", ông Lopez nói.