"Vắng vài buổi, nói ĐB thiếu trách nhiệm với dân là không phải"
ĐBQH (đoàn Hải Dương) Nguyễn Văn Rinh trao đổi với PV Infonet xoay quanh các hoạt động của Quốc hội.
Được biết tới đây Quốc hội sẽ nghiên cứu triển khai áp dụng “thẻ thông minh” tại các phiên họp. Đã tham dự nhiều khóa Quốc hội, theo ông đây có phải là một bước tiến mới trong hoạt động Quốc hội?
Việc trang bị thẻ cho đại biểu, trước tiên có tác dụng điểm danh, tránh việc biểu quyết hộ. Bên cạnh đó thẻ này còn giúp đại biểu có thể khai thác thông tin, ví dụ những thông tin về văn bản phục vụ phiên họp, hay về đại biểu khác. Kỳ họp này chưa áp dụng nhưng từ kỳ họp sau sẽ triển khai việc này.
Trong các kỳ họp hay xảy ra tình trạng đại biểu vắng họp nhiều. Theo ông những lý do vắng họp thường xuất phát từ đâu? Liệu có lý do đại biểu không coi trọng hoạt động của Quốc hội?
Không hẳn như vậy vì đại biểu của ta cũng kiêm nhiệm, vừa phải đi họp Quốc hội, vừa phải giải quyết các công việc khác, nhất là đại biểu ở địa phương.
Cái đó khó tránh khỏi và cũng không thể trách đại biểu được. Ngoài ra cũng phải xét ở một góc độ khác là với những nội dung cần và quan trọng thì người ta sẽ tham dự. Điều này ở các nước cũng thế thôi.
Có ý kiến cho rằng ở các nước áp dụng hình thức phạt tiền khi đại biểu vắng mặt không lý do. Nếu có thực tế như vậy thì chúng ta có nên áp dụng?
Tôi chưa nghe thấy Quốc hội nước nào phạt đại biểu khi vắng mặt cả. Vì đại biểu các nước là chuyên trách. Luật pháp quy định, đại biểu chuyên trách phải thực hiện 1/3 thời gian trong năm để làm việc quốc hội.
Tất nhiên khi đại biểu vắng họp nhiều, trước hết là thiếu trách nhiệm với người đã bầu cho anh. Nhưng luật không quy định đại biểu vắng bao nhiêu thì áp dụng phạt.
Nhưng nếu chỉ vắng một vài buổi họp mà nói đại biểu thiếu trách nhiệm với dân thì không phải. Thực tế không bao giờ trong một kỳ họp mà có đại biểu lại vắng tới 2/3 số buổi, thậm chí cũng chưa có trường hợp nào vắng 10 buổi cả, trừ trường hợp người đó bị ốm đau bệnh tật.
Nội quy của Quốc hội còn quy định, nếu vắng một hai buổi họp, đại biểu phải báo cáo và được sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội, còn vắng một vài giờ thì có thể xin phép Trưởng đoàn ĐBQH.
Có ý kiến cũng đề nghị nên cho người dân vào tham dự và theo dõi phiên họp. Từ thực tế thế giới đang diễn ra, theo ông điều này có cần thiết ở Việt Nam?
Cái đó thì tốt thôi. Nếu chúng ta sắp xếp được chỗ ngồi, khi mỗi phiên họp diễn ra thì đại diện các địa phương, vùng miền có thể đến dự. Nhưng phải có chỗ ngồi riêng, phải theo dõi có thể qua màn hình tivi, chứ không phải ngồi tham dự trực tiếp phiên họp cùng đại biểu.
Nếu làm được điều này, theo ông chúng ta sẽ đạt được mục đích gì?
Cái này thể hiện quyền giám sát của nhân dân trong hoạt động Quốc hội. Đồng thời cũng tăng quyền của người dân, vì Quốc hội không có gì kín mà toàn bàn về những việc của dân, nên người dân được nghe cũng là chuyện bình thường.
Quốc hội ở các nước, khi phiên họp diễn ra thường có đại diện người dân ở các vùng miền đến nghe, nhưng ở phòng riêng chứ không phải ngồi chung với đại biểu.
Xin cảm ơn ông!