Những phim truyền hình gợi nhớ thập niên 1990
1. Tây Du Ký
Trư Bát Giới, Sa Tăng, Đường Tăng và Tôn Ngộ Không trong "Tây Du Ký" phiên bản 1986. |
Được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Ngô Thừa Ân, phiên bản Tây Du Ký của đài truyền hình trung ương Trung Quốc sản xuất năm 1986 đã trở thành một di sản văn hóa phương Đông. Câu chuyện về bốn thầy trò Đường Tăng đi Thiên Trúc thỉnh kinh trải dài qua 25 tập phim đã chinh phục biết bao thế hệ khán giả Việt Nam. Hình ảnh Tôn Ngộ Không với 72 phép thần thông quảng đại - nỗi sợ hãi của bao loài yêu quái - đã trở thành ký ức kinh điển với hàng triệu người Việt Nam.
Từ khi ra đời đến nay, mùa hè nào tại Việt Nam cũng có ít nhất hai kênh truyền hình phát sóng lại Tây Du Ký. Mặc dù trong những năm gần đây, câu chuyện này đã được các đạo diễn Hoa ngữ sản xuất lại với nhiều phiên bản mới, có kỹ xảo hoành tráng, công phu nhưng Tây Du Ký 1986 vẫn là phiên bản ấn tượng nhất. Sau 26 năm, bộ phim này vẫn mang một sức sống bền bỉ, luôn có sự hấp dẫn mãnh liệt từ trẻ em tới người lớn mỗi lần chiếu trên màn ảnh nhỏ.
2. Đơn giản, tôi là Maria
"Đơn giản, tôi là Maria" là phim truyền hình nổi tiếng của Mexico. |
Trong những năm 1990, nhiều khán giả Việt Nam còn say mê với những bộ phim truyền hình Nam Mỹ kéo dài hàng trăm tập. Người giàu cũng khóc, Cuộc đời cô bé Sabelita, Nhật ký của Daniela hay Nô tì Isaura đều là những cái tên khó quên trên truyền hình thời kỳ này. Trong số đó không thể không nhắc tới Đơn giản, tôi là Maria - bộ phim nổi tiếng của Mexico sản xuất, được phát sóng trên VTV từ năm 1991 đến 1993.
Đơn giản, tôi là Maria kể về cuộc đời của một cô gái nghèo rời ngôi làng thân yêu để lên thành phố kiếm sống. Maria làm giúp việc cho một gia đình giàu có và phải lòng gã công tử Juan Carlos. Lúc khiến Maria có thai, gã rũ bỏ và đẩy cô nuôi con một mình. Sau này, Maria trở nên giàu có và làm chủ một hãng thời trang danh tiếng. Phong cách thời trang trong Đơn giản, tôi là Maria với váy xòe, tóc tết từng được nhiều phụ nữ Việt Nam ngày trước yêu thích.
3. Trở về Eden
Bốn nhân vật chính trong phim "Trở về Eden" phần hai. |
Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của văn học Australia nhưng phim truyền hình Trở về Eden thậm chí còn nổi tiếng hơn cả tác phẩm gốc. Bộ phim này từng được chiếu đi chiếu lại nhiều lần trên truyền hình Việt Nam. Eden trong phim là một thiên đường hoang dã mà Stephany Harper được thừa hưởng cùng gia tài khổng lồ từ người cha quá cố. Nhưng tại đây trong kỳ trăng mật, cô đã bị chính chồng mới cưới và cô bạn thân hãm hại. May mắn sống sót, Stephany trở về với trái tim tan nát, quyết tâm trả thù những kẻ lừa dối mình.
Thuộc thể loại tâm lý, trinh thám nên Trở về Eden có khá nhiều cảnh quay rùng rợn như khi Stephany bị cá sấu cắn nát mặt hay giấu rắn độc trong chăn… Hình ảnh cá sấu dưới bể bơi trong bộ phim này một thời gây ám ảnh cho rất nhiều khán giả. Trở về Eden chia làm hai phần, phần một sản xuất năm 1983, còn phần hai thực hiện năm 1986. Đây được coi là loạt phim kinh điển nhất của truyền hình Australia từng chiếu tại Việt Nam.
4. Oshin
"Oshin" tác động mạnh mẽ tới đời sống sinh hoạt của người Việt Nam vào những năm 1990. |
Oshin là câu chuyện có thật về cuộc đời của một phụ nữ được sinh ra trong gia đình bần nông ở Nhật. Người phụ nữ này đã phải trải qua nhiều tủi nhục, nghiệt ngã của cuộc sống trước khi đạt được thành công. Phim chiếu ở Nhật vào đầu thập niên 1980 khi nền kinh tế nước này bắt đầu đi lên. Khi lên sóng truyền hình Việt Nam vào năm 1994, phim đã tạo nên một hiện tượng, lấy đi nước mắt của nhiều khán giả.
Oshin nổi tiếng đến nỗi tên của bộ phim này đã ảnh hưởng lớn đến đời sống con người Việt Nam, trở thành một danh từ chỉ nghề giúp việc. Khi Oshin chiếu trên truyền hình ngày trước vào buổi tối, các gia đình lại ngồi quây quần bên chiếc tivi nhỏ và cùng theo dõi cuộc đời của người phụ nữ nghị lực này từ khi còn bé đến lúc về già. Với khán giả nhỏ tuổi khi ấy, ký ức về phim Oshin còn là đoạn quảng cáo máy điều hòa với những chú chim cánh cụt ngộ nghĩnh trong thời gian nghỉ giữa hai tập phim.
5. Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên
Ba cô con gái nhà Ingalls trong phim "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên". Cô con gái thứ hai, Laura (ngoài cùng bên phải), là nhân vật chính. |
Có độ dài hơn 200 tập chia làm 9 phần, Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên được chiếu trọn vẹn trên truyền hình Việt Nam trong hai năm 1996 và 1997. Phim lấy bối cảnh thế kỷ 19 tại một vùng quê nước Mỹ, nội dung xoay quanh cuộc sống giản dị của gia đình Ingalls với nhân vật chính là Laura – cô con gái thứ hai. Mặc dù sống cô độc trên vùng thảo nguyên cùng điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, các thành viên của gia đình Ingalls vẫn rất lạc quan, yêu đời và xây dựng nên một ngôi nhà hạnh phúc.
Mỗi tập phim của Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên là một câu chuyện riêng biệt và đề cập tới những vấn đề khác nhau của cuộc sống, từ phân biệt chủng tộc, phân chia giàu nghèo, chiến tranh, trộm cắp, bạo lực gia đình… Tất cả đều được kể qua con mắt của cô bé Laura thông minh, lém lỉnh. Nữ diễn viên Melissa Gilbert đã lớn lên cùng nhân vật này. Với nhiều thế hệ người Việt Nam, nhắc tới Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên là gợi nhớ đến “ngôi nhà ký ức” của cả một quãng thời gian dài, khi bộ phim này “thôi miên” khán giả xem truyền hình.
6. Bao Thanh Thiên
Dàn diễn viên chính của "Bao Thanh Thiên". |
Bao Chửng vốn là một nhân vật lịch sử có thật trong đời Tống, được các nhà làm phim Đài Loan đưa lên màn ảnh nhỏ từ năm 1993 với diễn xuất của Kim Siêu Quần. 41 vụ án với nhiều câu chuyện từ bí ẩn, ly kỳ (Huyết vân phan, Ly miêu hoán chúa, Người cá) cho tới bi tráng, xúc động (Vương Tôn kẻ ăn mày, Mộng uyên ương hồ điệp, Anh em sinh đôi) một thời đã níu chân bao khán giả Việt Nam ngồi trước tivi ở nhà mỗi buổi tối.
Mỗi vụ án kéo dài trong khoảng từ 3 đến 5 tập, với sự phá án tài tình của vị quan “thiết diện vô tư” đã tạo nên sức hấp dẫn cho Bao Thanh Thiên. Ngoài Bao Chửng, những nhân vật thân thiết bên cạnh như Triển Chiêu, Công Tôn Sách, bộ tứ Vương Triều – Mã Hán – Trương Long – Triệu Hổ cũng rất được yêu thích. Bài hát chủ đề của phim, Mộng uyên ương hồ điệp, cũng là một giai điệu âm nhạc kinh điển trên sóng truyền hình Việt Nam những năm 1990.
7. Cảm xúc
"Cảm xúc" là câu chuyện về ba anh em cùng thích một cô gái. |
Giai đoạn 1994 – 1995 là thời gian mà phim truyền hình Hàn Quốc bắt đầu du nhập vào Việt Nam với những bộ phim đầu tiên như Hoa cúc vàng, Yumì – Tình yêu của tôi. Trong thời kỳ đầu này, Cảm xúc là phim để lại nhiều ấn tượng nhất. Phim là câu chuyện về ba anh em – Bin, Hyun và Joon – cùng thích cô gái Yuri dịu dàng, nữ tính từ Pháp về Hàn Quốc nghỉ hè. Những cảm xúc tuổi trẻ đã được thể hiện rất ngọt ngào, lãng mạn qua 16 tập phim.
Mái tóc đen dài thướt tha và phong cách thời trang năng động, thể thao của nhân vật Yuri từng dấy lên trào lưu để xõa tóc và ăn mặc cá tính của nhiều cô gái Việt Nam thời này. Kiểu tóc “bổ luống” của các diễn viên nam trong phim cũng tạo nên một cơn sốt với nhiều chàng trai Việt suốt một thời gian dài. Khác với trào lưu “ung thư”, bi kịch của drama Hàn sau này, Cảm xúc là một phim truyền hình rất nhẹ nhàng, trong trẻo và có lẽ cũng chính vì thế nên dấu ấn của bộ phim này trở nên sâu đậm hơn rất nhiều phim Hàn cùng thời kỳ.
8. Chuyện nữ tiếp viên hàng không
"Chuyện nữ tiếp viên hàng không" nổi tiếng với câu thoại "Cố lên Chiaki". |
Sau Oshin, truyền hình Nhật Bản tiếp tục chinh phục khán giả Việt Nam trong thập niên 1990 bằng phim Chuyện nữ tiếp viên hàng không. Nhân vật chính của phim là Chiaki, một cô gái xinh xắn có mơ ước làm tiếp viên hàng không nhưng lại vô cùng vụng về, hậu đậu. Sau khi ghi danh vào học viện JAL (Japan Airline), Chiaki đã gặp và đem lòng yêu Hiroshi - người thầy hướng dẫn điển trai vốn có hôn ước với con gái chủ tịch JAL. Trong thời gian tập huấn, Chiaki vượt qua bao khó khăn, gian khổ để theo đuổi ước mơ của mình. Chính tinh thần và ý chí của cô đã làm thay đổi suy nghĩ của rất nhiều người, trong đó có cả Hiroshi.
Chuyện nữ tiếp viên hàng không hấp dẫn bởi những tình huống hài hước khi Chiaki tập huấn ở học viện JAL. Khán giả ngày trước miệt mài theo dõi và mong chờ đoạn kết có hậu giữa thầy giáo Hiroshi và Chiaki. Dấu ấn của phim còn nằm ở hình ảnh Mariko – hôn thê độc ác của Hiroshi – thực hiện động tác tháo găng bằng răng, giơ đôi tay giả để uy hiếp người tình. Phim còn tạo nên nhiều câu nói ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người Việt như “Thầy Hiroshi là số một ở lớp em” hay “Cố lên Chiaki”.
9. Anh em nhà bác sĩ
"Anh em nhà bác sĩ" có sự tham gia của Jang Dong Gun, Lee Young Ae và Son Chang Min. |
Năm 1997 trên sóng truyền hình Việt Nam, Mối tình đầu, Anh em nhà bác sĩ mở màn cho xu hướng các phim truyền hình Hàn bi kịch, lấy nước mắt của người xem. Phim là câu chuyện xoay quanh hai anh em làm bác sĩ với những vui buồn của nghề y, khi phải đối diện với sự sống chết của các bệnh nhân cũng như những khó khăn của riêng họ. Khi một người phát hiện ra mình là con nuôi thì đã chống lại người kia để tranh giành quyền lực trong bệnh viện.
Anh em nhà bác sĩ là phim đánh dấu sự xuất hiện của một trong những tài tử Hàn Quốc được nhiều khán giả Việt Nam yêu mến – Jang Dong Gun. Vẻ điển trai lạnh lùng của anh ngày trước đã làm thổn thức trái tim của hàng triệu cô gái. Nữ diễn viên Lee Young Ae với vẻ đẹp thuần khiết, phúc hậu cũng trở thành một biểu tượng màn ảnh của các phim truyền hình Hàn thời kỳ này. Từ Anh em nhà bác sĩ, khán giả Việt Nam cũng bắt đầu quen với phong cách nhân vật bị chết vì bệnh ung thư, từng rất đặc trưng trong các drama Hàn.
10. Cô gái đại dương
Nữ diễn viên Marzena Godecki vào vai Neri trong phim "Cô gái đại dương". |
Có một thời gian dài, các phim truyền hình giả tưởng dành cho thanh thiếu niên của Australia rất thịnh hành ở Việt Nam khi phát sóng vào “giờ vàng” (6h tối) ngày trước. Nhiệm vụ tối mật, Khinh khí cầu của giáo sư Poopsnaggle, Cô gái Robot hay Chuyện nhà Twist đều là những phim truyền hình rất nổi tiếng thời này, nhưng tiêu biểu hơn cả là Cô gái đại dương – bộ phim đã được chiếu lại không dưới 5 lần trên VTV cách đây nhiều năm.
Nhân vật chính của Cô gái đại dương là Neri – một thiếu nữ đến từ hành tinh Đại Dương xa xôi được giao nhiệm vụ tới Trái Đất để bảo vệ nguồn nước. Một ngày, Neri tình cờ gặp gỡ và kết bạn với Jason và Brett – hai anh em là thành viên thuộc trung tâm nghiên cứu khoa học dưới biển có tên gọi Orca. Cả ba cùng nhau trải qua những cuộc phiêu lưu đầy kỳ thú dưới đáy biển xanh ngắt. Cô gái đại dương dài 78 tập và chia làm bốn phần, phát sóng liên tục hàng năm trong giai đoạn từ 1997 đến 2001.
11. Thế giới bí mật của Alex Mack
"Thế giới bí mật của Alex Mack" được nhiều khán giả tuổi thanh thiếu niên yêu thích. |
Vào năm 1998, nhiều lứa học sinh – sinh viên Việt Nam ngày ngày vẫn háo hức chờ tới sau giờ tan học trở về nhà để theo dõi từng tập phim Thế giới bí mật của Alex Mack. Đây là loạt phim truyền hình Mỹ dành cho thanh thiếu niên đầu tiên chiếu ở Việt Nam. Trở về nhà sau ngày đầu tiên tồi tệ ở trường trung học, cô bé Alex Mack bị đổ vào người một chất hóa học kỳ lạ có tên gọi GC-161. Từ đó, Alex có những khả năng siêu nhiên như hóa thành chất lỏng, ngón tay phóng ra tia lửa điện hay điều khiển đồ vật bằng ánh mắt…
Thế giới bí mật của Alex Mack đánh trúng tâm lý của đối tượng thanh thiếu niên. Tại Việt Nam, phim tạo nên một làn sóng văn hóa mạnh mẽ với nhiều hình thức ăn theo như Poster, ảnh trong phim, đồ chơi chất lỏng có giá 3.000 đồng bày bán phổ biến tại các cổng trường, cao su thổi bong bóng như Alex… Cô bé xinh xắn 12 tuổi đến từ nước Mỹ còn tạo nên xu hướng thời trang đội mũ lưỡi trai ngược, mũ len nhiều màu sắc tại Việt Nam lúc bấy giờ.
12. Hoàn Châu Cách Cách
Dàn diễn viên của "Hoàn Châu Cách Cách" nay đều trở thành những tên tuổi hàng đầu của làng giải trí Hoa ngữ. |
Cuối thập niên 1990, truyền hình Việt Nam đón nhận một “làn sóng” mạnh mẽ đến từ Đài Loan có tên Hoàn Châu Cách Cách. Bộ phim truyền hình này do nữ văn sĩ Quỳnh Dao viết kịch bản dựa vào một truyền thuyết kể lại năm xưa khi vua Càn Long đi vi hành đã nhận một cô gái dân gian làm con nuôi. Ngay khi phần một vừa lên sóng, hàng triệu khán giả Việt Nam đã bị chinh phục bởi một Tiểu Yến Tử hào hiệp, dễ thương, một Tử Vi dịu dàng, nhân hậu – hai nàng công chúa trong Hoàn Châu Cách Cách.
“Làn sóng” Hoàn Châu Cách Cách tác động mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của giới trẻ Việt Nam khi đó đến nỗi khi ra đường phố, rất dễ bắt gặp hình ảnh của các nhân vật ở băng hình, báo chí, đĩa nhạc, đồ văn phòng phẩm hay thậm chí là các quán ăn. Bộ phim đã biến các diễn viên mới lúc bấy giờ là Triệu Vy, Lâm Tâm Như, Tô Hữu Bằng hay Phạm Băng Băng trở thành những thần tượng có lượng fan đông đảo trên khắp châu Á. Hoàn Châu Cách Cách nói chung và Tiểu Yến Tử của Triệu Vy nói riêng đã trở thành một biểu tượng truyền hình đáng nhớ tại Việt Nam giai đoạn cuối thập niên 1990.
Theo Nguyên Minh/VNExpress