Tưng bừng lễ khao lề tri ân hùng binh Hoàng Sa
Tưng bừng lễ khao lề tri ân hùng binh Hoàng Sa
... một thời vâng mệnh triều đình nhà Nguyễn giong buồm ra Hoàng Sa – Trường Sa cắm mốc, đo đạt thủy trình khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
> Lễ khao lề thế cảm động cho người lính Hoàng Sa
> Tặng thưởng tộc họ hiến tài liệu quý Hoàng Sa - Trường Sa
Đại diện bô lão trên đảo Lý Sơn cúng tạ các phu binh Hoàng Sa - Ảnh: NP |
Đất đảo Lý Sơn sáng 6/4 thêm rộng ràng hơn, hàng trăm con cháu đất đảo đi làm ăn xa từ mọi miền Tổ quốc và những con dân sinh sống trên đất đảo ăn mặc chỉnh tề hội về Âm linh tự cùng nhau nguyện cầu cho vong linh các bậc tiền nhân được siêu thoát. Đó như là một lời tri ân đối với những phu binh thuở thời mở cõi…
Đất đảo rộn ràng
Đúng 8g diễn ra lễ rước chiến sĩ trận vong từ Âm Linh Tự (nơi thờ tự hàng trăm bài vị lính Hoàng Sa đã bỏ mình vì nước) về đình làng An Vĩnh. Lễ rước diễn ra trang trọng và thành kính, với sự tham dự của đại diện 13 họ tộc áo dài khăn đóng trang nghiêm cùng hàng trăm người dân trên đảo đi theo đoàn rước.
Những tượng ghe và phu binh một thời giong buồm ra khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa - Ảnh: NP |
9g30, tại đình làng An Vĩnh (ngôi đình từng chứng kiến nhiều cuộc tiễn đưa con em Lý Sơn “ra trận” từ mấy trăm năm trước), lễ khao lề thế lính Hoàng Sa chính thức diễn ra trong một không khí trang nghiêm và đầy cảm động.
Ông Nguyễn Cậu, Trưởng Ban Khánh tiết đình làng An Vĩnh, Trưởng ban tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa cho biết: Không ai còn nhớ lễ khao lề thế lính Hoàng Sa có từ bao giờ, nhưng cứ tới tháng 2, tháng 3 hằng năm là nhân dân trên đảo lại tổ chức lễ này. Lễ được tiến hành theo nghi thức truyền thống trên đảo, tái hiện lại những đội thuyền năm xưa ra đi bảo vệ vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.
Trai tráng trên đảo Lý Sơn rước các tượng ghe và phu binh ra biển - Ảnh: HC |
“Chúng tôi là con cháu trên đảo, bao đời nay các thế hệ cha ông đã lập ra lễ này để tri ân những người đã khuất vì nước, vì dân tộc Việt. Chúng tôi là thế hệ sau, được sống trên đảo tiền tiêu càng phải trân trọng lịch sử để lại. Lễ khao lề như là ngày giỗ chung của của các hùng binh vậy” – ông Cậu xúc động.
Lễ khao lề được diễn ra ngay phía mép biển, những con sóng êm diu từ Hoàng Sa dội về dưới cái nắng ấm cùng sự có mặt của hàng trăm người dân và du khách càng làm cho buổi lễ thêm phần trang trọng.
Trực chỉ Hoàng Sa thẳng tiến - Ảnh: NP |
Bài học lịch sử cho thế hệ mai sau
Những người lính Hoàng Sa năm xưa, nhận nhiệm vụ ra Hoàng Sa để đo đạc thủy trình, dựng bia chủ quyền và khai thác sản vật nộp cho triều đình. Tuy nhiên nếu không may bị mất đi thì thi thể người lính sẽ được đồng đội thả xuống biển cả mênh mông. Chiếc thẻ bài bằng tre có ghi tên tuổi, làng quê, phiên hiệu được cài trong bó xác sẽ là thông điệp gửi lại cho gia đình và bản quán nếu thi thể đó trôi được vào bờ... Dẫu biết một đi không trở lại, nhưng những người lính Hoàng Sa năm xưa vẫn ra đi quên mình vì đất nước.
Chính vì vậy, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ngoài việc tri ân những hùng binh năm xưa, qua đó còn nhằm giáo dục cho các thế hệ mai sau truyền thống anh hùng của những người con quê hương hải đội Hoàng Sa.
Tiếng kèn Ốc u, một trong những âm thanh không thể thiếu trong lễ khao lề tế lính Hoàng Sa - Ảnh: NP |
Đứng trước đình làng nhìn xa xăm về phía biển, ông Phạm Thoại Tuyền, một trong những con cháu của tộc họ Phạm Quang Ảnh tâm sự: “Năm nào cũng vậy, vào ngày này bà con chúng tôi đều tổ chức lễ khao lề, một lễ hội mang nhiều ý nghĩa. Tri ân những người đã khuất là một phần. Cái quan trọng của lễ khao lề là chúng tôi những thế hệ đi trước muốn nhắc nhở các thế hệ con cháu đời sau luôn luôn nhớ, gìn giữ và biết được chủ quyền của dân tộc mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Giữ biển cũng là một cách tri ân những bậc tiền nhân”
Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ-Giám đốc Sở VHTT&DL Quảng Ngãi thì, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là lễ hội văn hóa tín ngưỡng truyền thống của người dân Quảng Ngãi nói chung và ngư dân Quảng Ngãi nói riêng. Trước đây lễ được tổ chức riêng lẻ trong từng tộc họ... Từ năm 2005, các tộc họ ở huyện Lý Sơn thống nhất tổ chức chung ngày lễ. Sau này, không chỉ ở huyện Lý Sơn mà các địa phương khác ở vùng biển Quảng Ngãi cũng sẽ tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, bởi nhiều địa phương ở vùng biển Quảng Ngãi trước đây đều có binh phu được phái đi Hoàng Sa, Trường Sa.
NHẬT PHONG