"Tuần trăng mật" sóng gió của Donald Trump
Dưới đây là những “điểm nhấn” tin tức 24h qua của chính quyền Donald Trump do Reuters tổng hợp:
Chính sách nhập cư
Phiên điều trần đầu tiên về sắc lệnh tạm thời cấm nhập cảnh người dân từ 7 quốc gia Hồi giáo lớn của ông Trump đã diễn ra vào lúc 6h sáng nay (giờ Việt Nam) theo yêu cầu của một thẩm phán liên bang khi đặt ra câu hỏi rằng liệu mệnh lệnh này có phải là gây ra sự thiếu công bằng về mặt tôn giáo hay không.
Ba thẩm phán liên bang nghe phiên điều trần về sắc lệnh hành pháp cấm nhập cảnh đối với công dân của 7 nước do Tổng thống Trump đó là Thẩm phán Richard R. Clifton, Thẩm phán William Canby và Thẩm phán Michelle T. Friedland.
![]() |
Sắc lệnh nhập cư của Tổng thống Donald Trump vẫn chưa ngã ngũ. Nguồn: Reuters |
Thẩm phán liên bang Michelle Friedland đặt câu hỏi rằng: “Chính quyền Tổng thống có cung cấp bằng chứng nào cho thấy 7 nước đó có dính líu tới chủ nghĩa khủng bố hay không?”.
Đáp lại, đại diện của chính quyền Tổng thống Trump, luật sư August Flentje lập luận rằng, một tổng thống Mỹ có những quyền hành được Quốc hội trao để quyết định ai có thể nhập cảnh vào Mỹ nếu những người này được coi là gây hại tới lợi ích Mỹ. Ông Flentje cho biết, 7 quốc gia Hồi giáo này đã được chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama xác định là những quốc gia chứa đựng nhiều nguy cơ khủng bố.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa, John Kelly phát biểu trước hội đồng quốc hội rằng đáng lẽ nên hoãn lệnh cấm du lịch đối với các cư dân của 7 quốc gia đạo Hồi và đối với tất cả những người tị nạn. “Đây hoàn toàn là lỗi của tôi. Đáng ra tôi nên trì hoãn triển khai sắc lệnh này một chút để có thể nói chuyện với các nghị sĩ", ông nói.
Sau khoảng một tiếng tranh luận, phiên điều trần đã kết thúc nhưng chưa có phán quyết chính thức nào được đưa ra. Đại diện của Tòa Phúc thẩm liên bang Khu vực 9 cho biết, khả năng phải sang tuần sau tòa này mới đưa ra quyết định cuối cùng.
Nội các và các đề cử
Ngày 7/2, Thượng viện Mỹ đã chính thức phê chuẩn quyết định của tân Tổng thống Donald Trump đề cử tỷ phú Betsy DeVos làm Bộ trưởng Giáo dục trong chính quyền mới của nước này, sau khi Phó Tổng thống Mike Pence phải bỏ phiếu để phá vỡ thế bế tắc chưa từng có tiền lệ. Ngoài ra, còn một ứng viên gây tranh cãi khác là Jeff Sessions cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp, cũng được Quốc hội thông qua.
Tại cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện, hai nghị sỹ của Đảng Cộng hòa, hai nghị sỹ độc lập và 46 nghị sỹ thuộc Đảng Dân chủ đã bỏ phiếu phản đối bà DeVos, dẫn đến kết quả hòa 50/50. Đây là kết quả mà giới chức Thượng viện cho rằng chưa từng xảy ra trong một phiên phê chuẩn vị trí trong nội các của Tổng thống Mỹ trước đây.
Cuối cùng, Phó Tổng thống Mike Pence đã phải “ra mặt” để giúp bà DeVos giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu mang tính quyết định này. Bà DeVos nhận không ít chỉ trích vì nhiều người cho rằng bà không đủ kinh nghiệm ở vị trí Bộ trưởng Giáo dục.
![]() |
Tỷ phú Betty Devos chính thức được chọn làm Bộ trưởng Giáo dục. Nguồn: Reuters |
Tiến trình phê chuẩn thành viên nội các của Tổng thống Trump bị chậm chễ vì một trong các lý do được các nghị sỹ thuộc Đảng Dân chủ đưa ra là họ không đánh giá cao các nhân sự được đề cử, vốn phần lớn là tỷ phú xuất thân từ giới doanh nhân. Ông Trump cũng đã lên tiếng trển Twitter về sự chậm trễ này và đổ lỗi cho các nghị sĩ đảng Dân chủ vì đã gây ra một sự trì hoãn phê chuẩn nội các mới chưa từng có tiền lệ.
Đối ngoại
Lãnh tụ tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei đã chỉ trích cảnh báo của ông Trump rằng Iran cần ngừng các vụ thử tên lửa, đồng thời đáp trả khi khẳng định tân Tổng thống đã cho thấy “bộ mặt thật sự” của một nước Mỹ tham nhũng.
Trước đó, Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã nhân vụ thử tên lửa của Iran để cùng bàn bạc về một chính sách cứng rắn hơn đối với Tehran trước thềm các cuộc đối thoại của hai nhà lãnh đạo tại Nhà Trắng.
Cũng trong lĩnh vực đối ngoài, hôm qua (7/2), trong cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, ông Trump đã tái khẳng định “sự ủng hộ của Mỹ dành cho Thổ Nhĩ Kỳ như một đối tác chiến lược và là đồng minh của NATO”.
Trong một động thái khác, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã tìm cách làm dịu căng thẳng với Mỹ sau lễ nhậm chức của tân Tổng thống khi cho biết không cần có người giành chiến thắng trong cuộc xung đột giữa hai quốc gia.
Ông Trump thất vọng vì thành viên nội các?
CNN dẫn một nguồn tin thân quen với nội các mới của Mỹ cho hay tân Tổng thống Donald Trump dường như tỏ ra thất vọng trước sự thể hiện của phát ngôn viên Sean Spicer. Ngoài ra, ông Trump cũng khiển trách Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus vì đã giới thiệu nhà chiến lược Sean Spicer vào vị trí này.
Ngay trong lần họp báo đầu tiên, ông Spicer đã làm mất điểm với việc trách móc giới truyền thông đưa tin xoáy vào lượng người tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ, cũng như từ chối trả lời mọi câu hỏi của phóng viên.
Sau hơn hai tuần nhậm chức, có không ít tin đồn “lục đục” trong nội bộ chính quyền mới đã được nhân viên Nhà Trắng lan truyền cho giới truyền thông. Ngoài ra còn có những lời đồn đoán cho rằng giữa Chánh văn phòng Nhà Trắng và những người thân cận đang tồn tại một mối căng thẳng với chiến lược gia Nhà Trắng Steve Bannon.
Tuy nhiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn với CNN hôm 7/2, cố vấn quốc gia Kellyanne Conway cho biết mọi tin đồn xấu về nội bộ Nhà Trắng gần đây đều không đúng sự thật.