TTCP: Buộc tháo dỡ biệt phủ trên núi Hải Vân sẽ gây lãng phí!?
Thẩm quyền giải quyết thuộc UBND TP Đà Nẵng
Sáng 4/12, bên lề hội nghị giao ban về công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo các tỉnh, TP khu vực miền Trung – Tây Nguyên do Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức tại Đà Nẵng, bà Lê Thị Thủy, Phó Tổng TTCP cho hay vừa ký văn bản 3553/TTCP-C.II (ngày 1/12) gửi UBND TP Đà Nẵng về giải quyết vụ việc của ông Ngô Văn Quang (xây dựng khu biệt phủ trái phép trên núi Hải Vân).
Phó Tổng TTCP Lê Thị Thủy xác định vụ biệt thự trái phép trên núi Hải Vân thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP Đà Nẵng. (Ảnh: HC) |
Theo đó, TTCP nhận được đơn của ông Ngô Văn Quang (tổ 2, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) về việc xử lý đối với công trình xây dựng của ông; đồng thời TTCP cũng nhận được văn bản 1321/MTTW-BTT ngày 12/10/2015 của Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam gửi Tổng TTCP và Bộ TN-MT về việc đề nghị giải quyết đơn của ông Ngô Văn Quang.
Trên cơ sở báo cáo ngày 30/11/2015 của Tổ công tác của TTCP và các quy định của pháp luật thì vụ việc của ông Ngô Văn Quang thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP Đà Nẵng. TTCP đề nghị UBND TP Đà Nẵng khẩn trương xem xét, giải quyết vụ việc của ông Ngô Văn Quang theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 14 (tháng 7/2015), HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII đã ra Nghị quyết buộc tháo dỡ khu biệt phủ do ông Ngô Văn Quang xây dựng trái phép trên núi Hải Vân, chậm nhất vào cuối tháng 8. HĐND TP yêu cầu các cấp chính quyền quận Liên Chiểu, phường Hòa Hiệp Bắc, Chi cục Kiểm lâm, Sở TN-MT và các ngành liên quan vận động ông Quang tự giác tháo dỡ, hoặc dùng biện pháp hành chính theo quy định để tháo dỡ công trình xây dựng không phép.
Sau khi ông Quang có đơn xin thêm thời gian vì cho rằng cuối tháng 8 phải tháo dỡ là không kịp, UBND TP Đà Nẵng có công văn 6223/UBND-NCPC ngày 7/8 cho phép gia hạn đến hết ngày 30/11; giao UBND quận Liên Chiểu kiểm tra, giám sát việc tháo dỡ và khôi phục lại nguyên trạng của ông Quang đảm bảo hoàn thành theo đúng thời gian nêu trên.
Tuy nhiên trong thời gian được gia hạn, ông Quang không tự giác tháo dỡ biệt phủ xây dựng trái phép mà liên tục gửi đơn vượt cấp ra nhiều cơ quan trung ương, trong đó có TTCP, đề nghị kiểm tra, xem xét việc UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo UBND quận Liên Chiểu ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, buộc ông tháo dỡ khu biệt phủ xây dựng không phép (mà ông Quang gọi là Khu du lịch sinh thái). Ông cũng đề nghị TTCP chỉ đạo TP Đà Nẵng tạo điều kiện để công trình này tiếp tục hoạt động…
Tháo dỡ sẽ gây lãng phí, thiệt hại rất lớn?
Được biết, sau khi nhận đơn của ông Quang, ngày 15/10, Phó Tổng TTCP Nguyễn Đức Hạnh đã ký văn bản 2953/TTCP-BTCDTW đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao thành lập đoàn kiểm tra do TTCP chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Xây dựng và UBND TP Đà Nẵng kiểm tra, xem xét quá trình giải quyết vụ việc của chính quyền địa phương; đề xuất biện pháp giải quyết kiến nghị của ông Quang, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/12.
Trong văn bản này, TTCP nhận định, việc ông Quang xây dựng “khu du lịch sinh thái” mà chưa có giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, báo cáo đánh giá tác động môi trường là vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường; vi phạm vào điểm a, khoản 7, điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.
Bên cạnh đó, việc ông Quang chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất sản xuất nông nghiệp thành đất xây dựng mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép là vi phạm quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất; quản lý, bảo vệ rừng.
Trong văn bản này, TTCP cũng nhận định, việc chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP Đà Nẵng trong việc xử lý vi phạm của ông Quang và việc UBND quận Liên Chiểu có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có nội dung buộc tháo dỡ công trình xây dựng không phép là đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền.
Tuy nhiên cũng trong văn bản 2953/TTCP-BTCDTW, TTCP cho rằng ông Ngô Văn Quang (Giám đốc Công ty khai thác vàng Phước Minh, Quảng Nam) “chưa hiểu biết đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng công trình, nhất là việc xây dựng công trình tại vị trí tương đối nhạy cảm (dễ bị dư luận đánh giá là xây dựng trên đất rừng đặc dụng)”.
Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng sản xuất và đất nông nghiệp giữa ông Phan Như Thạch và các hộ dân cho ông Quang có chứng thực và xác nhận của UBND phường Hòa Hiệp Bắc; quá trình xây dựng của ông Quang kéo dài từ tháng 8/2010 đến tháng 6/2014 nhưng chính quyền địa phương (phường Hòa Hiệp Bắc và quận Liên Chiểu) chậm phát hiện, khi phát hiện không kiên quyết xử lý để một công trình xây dựng trên một diện tích đất lớn đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Đặc biệt, TTCP nhận định: “Khu du lịch sinh thái có số vốn đầu tư xây dựng tương đối lớn (giá trị trên 100 tỉ đồng), nếu buộc phải tháo dỡ sẽ gây lãng phí, thiệt hại rất lớn đối với gia đình ông Quang cũng như của xã hội. Thực tế đến nay chưa phân định được vị trí, ranh giới rõ ràng giữa rừng phòng hộ Nam Hải Vân và đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp của các hộ dân tại địa phương. Vì vậy có cơ sở xem xét giải quyết kiến nghị của hộ gia đình ông Ngô Văn Quang” (!?)
Đà Nẵng xử lý đúng luật, đúng thẩm quyền thì TTCP lập "đoàn công tác" làm gì?
Với nhận định vừa nêu, trong văn bản 2953/TTCP-BTCDTW ngày 15/10, TTCP đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho phép lập đoàn kiểm tra để vào kiểm tra, xem xét quá trình giải quyết vụ việc của chính quyền địa phương; đề xuất biện pháp giải quyết kiến nghị của công dân. Tiếp đó, ngày 30/10 và ngày 13/11, TTCP có các Công văn 3081/TTCP-C.II và 3376/TTCP-C.II thành lập Tổ công tác phối hợp với UBND TP Đà Nẵng rà soát một số vụ việc trên địa bàn, trong đó có trường hợp của ông Ngô Văn Quang.
Từ chỗ lãnh đạo TTCP tuy chưa kiểm tra thực tế nhưng đã báo cáo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là “có cơ sở xem xét giải quyết kiến nghị của hộ gia đình ông Ngô Văn Quang”, dư luận không quá khó hiểu khi tại buổi làm việc chiều 26/11 với quận Liên Chiểu, Phó Cục trưởng Cục II TTCP Trần Văn Hồng, Tổ trưởng Tổ công tác của TTCP kết luận: “Tổ công tác thống nhất với ý kiến của UBND TP Đà Nẵng tại công văn 9105/UBND-NCPC ngày 17/11, đề nghị tạm dừng việc xử lý tháo dỡ để báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Tổng TTCP và Thủ tướng Chính phủ”.
Với ý kiến này của Tổ công tác, ngày 27/11, UBND quận Liên Chiểu có văn bản 1230/UBND-VP kiến nghị về việc xử lý khu biệt phủ trái phép của ông Quang. Ngày 28/11, UBND TP Đà Nẵng có văn bản 9381/UBND-NCPC gửi UBND quận Liên Chiểu, thống nhất chưa áp dụng biện pháp xử lý hành chính tháo gỡ khu biệt phủ trái phép này cho đến khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Tổng TTCP.
Đến nay, trong văn bản 3553/TTCP-C.II vừa được ký ngày 1/12, Phó Tổng TTCP Lê Thị Thủy lại xác định, theo các quy định của pháp luật thì “vụ việc của ông Ngô Văn Quang thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP Đà Nẵng”. Trước đó, trong văn bản 2953/TTCP-BTCDTW từ ngày 15/10, TTCP cũng đã xác định việc chính quyền TP Đà Nẵng xử lý vi phạm của ông Quang là đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền.
Vậy tại sao TTCP còn sinh ra “đoàn kiểm tra”, “tổ công tác” khiến cho chính quyền địa phương phải “tạm dừng” việc xử lý cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng trái phép của ông Quang vì đã quá hạn quy định, gây bất bình trong dư luận suốt thời gian qua?