Ông chủ Phố Bolsa TV: "Nhiều người nói tôi đang đi giữa hai làn đạn"

Điều đáng nói nhất là khán giả đã dần dà nhận ra và chấp nhận chủ trương nhất quán của Phố Bolsa TV là làm truyền thông thuần túy, trung thực, không thiên lệch theo bất cứ xu hướng hoặc quan điểm nào.

Có người đã ví von như vậy khi chứng kiến công việc của ông. Tuy nhiên cho đến nay ông vẫn kiên định mục tiêu của mình, và bằng nỗ lực gần như đơn lẻ ông đã tạo ra một kênh mới trên YouTube để kết nối nhu cầu tìm hiểu thông tin trong và ngoài nước với hơn 100 ngàn người theo dõi. 

Báo Bưu điện Việt Nam xin giới thiệu cuộc trò chuyện với nhà báo Vũ Hoàng Lân – người sáng lập và thực hiện các phóng sự của kênh "Phố Bolsa TV".

Ông chủ Phố Bolsa TV:

Nhà báo Vũ Hoàng Lân tường thuật chuyến sang thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Putin tại sân bay Nội Bài, Hà Nội năm 2013.

Thưa ông! Ông có thể chia sẻ lý do mình đến với nghề báo, ông có ý định đó từ khi còn ở Việt Nam hay khi anh đã qua Hoa Kỳ? Tại sao ông lại chọn cách làm độc lập để phát trên YouTube, mà không tham gia vào một tòa soạn nào đó?

Nghề báo chưa từng là một chọn lựa đối với tôi. Từ bé tôi chỉ đam mê, và giỏi về hội họa. Trước khi sang Mỹ, tôi đã tốt nghiệp đại học ngành hội họa ở Việt Nam. Qua Mỹ, tôi học chuyên ngành Mỹ thuật Ứng dụng và sau đó sống bằng nghề thiết kế mỹ thuật trong nhiều năm.

Tuy nhiên, không hiểu sao lúc nào tôi cũng có sự gắn bó với giới báo chí, truyền thông, từ khi còn trong nước, cho tới khi sang Mỹ. Có lẽ vì tính tôi thường có những suy tư về các vấn đề xã hội, cộng với sở thích luôn muốn cập nhật tin tức.

Ở quận Cam, nơi tôi cư ngụ, thỉnh thoảng lại rộ lên những đợt, người ta đua nhau đầu tư mở đài truyền hình, phát trên các kênh địa phương, kênh truyền hình cáp, hoặc qua hệ thống vệ tinh. Không ít lần tôi cũng được rủ rê tham gia vào. Tuy nhiên, tôi không tham gia vì tự thấy xu hướng đó không hợp với công việc và cuộc sống của tôi lúc ấy. Phải đầu tư quá nhiều tiền bạc, thời gian và công sức.

Rồi tới một lúc, tôi nhận thấy nền tảng YouTube là một phương tiện tuyệt vời để xây dựng một kênh truyền hình mạng (Online TV), với những lợi thế như server ổn định, phát tán rộng rãi, liên kết nhanh chóng, lại hoàn toàn miễn phí trong việc phát hình. Và quan trọng nhất là với mô hình truyền hình gọn nhẹ đó, tôi giữ được sự độc lập trong việc sản xuất chương trình mà không bị lệ thuộc về mặt quan điểm vào bất cứ ông chủ nhiệm, bà chủ bút nào, khi mà chính họ nhiều khi cũng lại lệ thuộc và bị chi phối bởi các tư tưởng, quan điểm, hoàn cảnh nào đó. Ngoài ra phương tiện truyền hình mạng này rất thích hợp với thực tế là khán giả người Việt Nam hiện sinh sống rải rác khắp nơi trên thế giới.

Thật ra mà nói, ban đầu Phố Bolsa TV ra đời chỉ như một thử nghiệm về mặt truyền hình, với những câu chuyện đời thường xoay quanh sinh hoạt của tôi và bạn bè ở khu phố Bolsa. Nhưng rồi nó đã nhanh chóng phát triển thành một nguồn thông tin đa dạng hơn, một "thương hiệu" truyền thông độc lập được nhiều người Việt ở khắp nơi đón nhận và tin tưởng.

Ông chủ Phố Bolsa TV:

Nhà báo Vũ Hoàng Lân tường thuật một sinh hoạt tranh cử tại quận Cam, Hoa Kỳ.

Ông có thể chia sẻ về slogan "Không có gì không thể hỏi" của Phố Bolsa TV? Quan điểm này xuất phát từ đâu, và ông muốn hướng tới điều gì khi đưa ra slogan này? Trong quá trình làm việc ông thấy có khó khăn gì khi kiên định mục tiêu này không?

Tôi quan niệm, đã làm công việc báo chí, khi tiếp cận một nhân vật nào đó, một vấn đề nào đó, cần cố gắng tìm hiểu đến hết mức có thể. Nhiều khi vì quá thận trọng, cả nể, e dè, hay vì một điều gì đó, người phóng viên, hay cơ quan truyền thông, đã không đặt ra những câu hỏi cần thiết, khiến khán giả, độc giả, và có khi ngay cả người được hỏi cảm thấy hụt hẫng, thiếu thốn. 

Câu khẩu hiệu "Không có gì không thể hỏi" hàm ý vấn đề gì cũng có thể tiếp cận và tìm hiểu, một khi có mục đích báo chí trong sáng. Dĩ nhiên không nên hiểu câu khẩu hiệu này một cách quá máy móc. "Không có gì không thể hỏi", nhưng hỏi ai, hỏi lúc nào, hỏi như thế nào, v.v… thì cần nhiều sự tinh tế, uyển chuyển, để mời gọi được câu trả lời xác đáng nhất. Điều đó tùy thuộc vào khả năng và kinh nghiệm của mỗi nhà báo. 

Nói cho cùng, việc hỏi là của nhà báo, còn việc trả lời, và trả lời như thế nào, là quyền của người được phỏng vấn. Cuối cùng, khán giả mới là người đánh giá câu hỏi có chính đáng hay không, và câu trả lời có thỏa đáng hay không.

Qua những phóng sự của anh trên Phố Bolsa TV, tôi nhận thấy không ít lần anh bị công kích, thậm chí là đe dọa. Điều này có làm anh lo sợ, và anh đã đối phó với những thái độ đó như thế nào?

Bên cạnh rất nhiều khán giả yêu thích và ủng hộ chương trình Phố Bolsa TV, việc bản thân tôi bị nghi ngờ, công kích, hoặc thậm chí đe dọa, đúng là có. Mà chuyện đó đến từ nhiều phía, từ những người có quan điểm, niềm tin khác nhau, cả từ trong lẫn ngoài nước. 

Một số bạn bè và đồng nghiệp ví von Phố Bolsa TV đi dây giữa hai làn đạn. Tuy nhiên đó là hoàn cảnh của thời gian đầu mới xuất hiện. Cách tiếp cận những quan điểm khác nhau một cách trực tiếp, công bằng, hoàn toàn không thiên lệch, không thành kiến, vào thời điểm đó còn quá mới mẻ nên thật khó chấp nhận, khó tin tưởng đối với nhiều người. 

Tôi hiểu và chấp nhận điều đó. Nhưng rồi với chủ trương báo chí thuần túy, không thiên lệch, thể hiện liên tục và rõ ràng qua từng bản tin, từng cuộc phỏng vấn, từng chương trình phóng sự, dù là ở tận Việt Nam, hay ở ngay trong cộng đồng nơi tôi sinh sống, khán giả dần dà nhận ra chủ trương và chấp nhận cách làm của Phố Bolsa TV.

Là người sinh sống tại Hoa Kỳ, ông có nhận định gì về những thông tin về đất nước mà bà con ở đó tiếp nhận được. So sánh với những gì ông đã chứng kiện tại Việt Nam, ông thấy có sự khác biệt nào không?

Đất nước nào cũng có những điều tích cực song song với những điều tiêu cực, trong mọi lãnh vực. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Có điều, ở hải ngoại, qua sự phản ánh của một số cơ quan truyền thông, người ta ít nghe được những điều tích cực, trong khi lại nghe quá nhiều những điều tiêu cực, mà lại được trích dẫn ngay từ báo chí trong nước chứ chẳng đâu xa. 

Qua nhiều chuyến đi, tiếp xúc với nhiều người trong mấy năm qua, tôi thấy Việt Nam có đủ những chuyện hay, chuỵện dở, cần được phản ánh. Với hoàn cảnh con người Việt Nam trong và ngoài nước còn nhiều khác biệt, với hoàn cảnh địa lý chính trị của Việt Nam rất riêng, rất phức tạp, để hiểu được, đánh giá được, phản ánh được những vấn đề của Việt Nam, vấn đề chính trị cũng như nhiều vấn đề khác, là chuyện không hề đơn giản, mà phải cần nhiều thời gian để tìm hiểu nghiêm túc và đầy đủ. 

Bà con ở hải ngoại thường không có điều kiện, thời gian, hoặc có khi chỉ đơn giản là không đủ quan tâm để tìm hiểu kỹ như vậy.

Trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 xảy ra vào tháng 5/2014, ông là nhà báo đầu tiên của hải ngoại ra tận nơi để đưa tin. Cảm xúc của ông khi đó như thế nào? Những phóng sự về sự kiện đó được bà con hải ngoại đón nhận ra sao?

Khi làm công việc báo chí, tôi chủ trương không để cảm xúc lấn át vào, như vậy sản phẩm báo chí đưa ra mới gần với thực tế khách quan hơn. Chuyến đi ra vùng nóng giàn khoan HD-981 vào tháng 5/2014 cũng không ngoại lệ. Nếu có cảm xúc nào đó, thì đó là cảm xúc háo hức có cơ hội tiếp cận trực tiếp một biến cố nóng bỏng mà không phải người làm báo nào cũng có cơ hội.

Qua ghi nhận từ số lượng và nội dung những ý kiến phản hồi trên các bản tin của Phố Bolsa TV về vụ giàn khoan HD-981, cho thấy bà con ở hải ngoại rất quan tâm về vụ này, và thực sự xem Phố Bolsa TV như một trong những nguồn thông tin để tìm hiểu. 

Sau chuyến đi đó, tôi đã đích thân tường thuật lại những điều ghi nhận được cho một số cơ quan truyền thông Việt Ngữ ở hải ngoại theo yêu cầu của họ. Nhiều người thậm chí còn gọi trực tiếp để tìm hiểu thêm những gì họ không thấy trình bày trên các phóng sự. Có những người sau khi xem, đã tìm cách lập quĩ để ủng hộ ngư dân và các lực lượng phía Việt Nam tham gia tại hiện trường.

Ông chủ Phố Bolsa TV:

Nhà báo Vũ Hoàng Lân (thứ hai từ trái sang) phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn tại một sự kiện trong nước.

Ông đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, và nhiều cán bộ cấp cao khác. Đây là điều "mơ ước" ngay cả với PV trong nước. Ông có nghĩ rằng mình đã được "ưu ái" so với các đồng nghiệp trong nước?

"Ưu ái" thì chắc là không, nhưng có thể nói đó là sự ưu tiên đặc biệt. Cũng như những chuyến đi Trường Sa, HD-981, hoặc những cuộc phỏng vấn với các viên chức lãnh đạo khác của nhà nước Việt Nam, cuộc phỏng vấn Chủ tịch Nhà nước Việt Nam Trương Tấn Sang là dịp rất tốt và rất hiếm, để người Việt hải ngoại tìm hiểu thêm về Việt Nam, qua cách tiếp cận trực tiếp của Phố Bolsa TV.

Ông chủ Phố Bolsa TV:

Nhà báo Vũ Hoàng Lân thực hiện cuộc phỏng vấn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào năm 2014.

Lần tác nghiệp nào tại Việt Nam làm ông ấn tượng nhất, ông có nghĩ rằng một lúc nào đó sẽ về Việt Nam làm việc?

Mỗi chuyến đi Việt Nam đều để lại dấu ấn riêng, nhưng có thể nói chuyến đi ra vùng biển Hoàng Sa nơi có vụ giàn khoan HD-981 đã để lại một ấn tượng đặc biệt. Những mẫu vật thu nhặt được từ hiện trường nơi đó, tôi vẫn giữ gìn và chia sẻ với bạn bè một cách trân trọng. 

Những chuyến đi Trường Sa cũng là dịp để có được những thông tin quí. Dịp vào làm tin tại Quốc Hội Việt Nam hôm bế mạc vào tháng 6 năm ngoái, cũng là một kinh nghiệm hiếm hoi để được tiếp cận rất gần với các lãnh đạo cao cấp nhất của nhà nước Việt Nam. Ngoài ra nhiều câu chuyện đời thường, nhiều nhân vật tôi từng gặp và phỏng vấn ở Việt Nam, cũng để lại những ấn tượng tốt.

Cơ quan phụ trách về báo chí của Bộ Ngoại Giao Việt Nam có đề nghị Phố Bolsa TV mở văn phòng thường trú tại Việt Nam để công việc báo chí được thuận tiện, dễ dàng, nhanh chóng hơn. Các đối tác và nhiều khán giả cũng cho biết mong muốn như vậy. Điều đó vẫn nằm trong kế hoạch phát triển của Phố Bolsa TV và sẽ được thực hiện. 

Tuy nhiên việc về hẳn Việt Nam để làm công việc báo chí thì tôi cho rằng không thích hợp với Phố Bolsa TV, ít nhất là trong thời điểm này. Chủ trương của Phố Bolsa TV là tiếp cận đưa tin ở cả cộng đồng người Việt ở Mỹ lẫn trong nước, theo cách riêng của mình. Qua đó, khán giả ở trong lẫn ngoài nước có dịp tìm hiểu nhau nhiều hơn. Hướng đi đó sẽ được tiếp tục phát triển trong tương lai.

Ông có thể cho biết những dự định trong thời gian sắp tới. Ông có định mở rộng thêm hoạt động của mình bằng các tuyển thêm phóng viên, Cộng tác viên, thậm chí là một tòa soạn quy mô hơn?

Còn quá nhiều dự định để phát triển Phố Bolsa TV ngày càng đa dạng, chuyên nghiệp và hấp dẫn hơn. Nhiều đề tài trong cuộc sống của người Việt hải ngoại và trong nước cần được phản ánh. 

Trong thời gian ngắn sắp tới, sẽ triển khai một số kế hoạch cụ thể để giải quyết bài toán tài chính, để có thể tái đầu tư vào nhân sự và các kế hoạch phát triển. Dĩ nhiên sẽ cần, và cần thật nhiều sự cộng tác của các phóng viên, cộng tác viên, tình nguyện viên, không chỉ ở Mỹ hay Việt Nam, mà còn ở những nước khác, châu lục khác có khán giả Việt Nam. 

Ngoài ra, những kế hoạch cộng tác với một số cơ quan truyền thông đồng nghiệp ở hải ngoại, trong nước, và quốc tế cũng đang được bắt đầu và sẽ đẩy mạnh trong tương lai gần.

Qua gần 5 năm hoạt động, ông thấy mình đã làm được những gì, ông có nuối tiếc về điều gì mà mình đã làm hay không?

Với những nỗ lực hoàn toàn mang tính đơn lẻ, cá nhân, có thể nói một cách không hổ thẹn là những gì đã làm được trong gần 5 năm qua là đáng kể. Điều đáng nói nhất là khán giả đã dần dà nhận ra và chấp nhận chủ trương nhất quán của Phố Bolsa TV là làm truyền thông thuần túy, trung thực, không thiên lệch theo bất cứ xu hướng hoặc quan điểm nào.

Qua một thời gian, tôi phát hiện ra một điều rất lý thú là, có những vấn đề xảy ra ở Việt Nam, mặc dù cách nơi tôi ở đến nửa vòng trái đất, nhưng khi mình phản ánh một cách trung thực, trong sáng trong vai trò truyền thông, với thái độ xây dựng, thì sẽ có kết quả tích cực.

Một kết quả rất đáng quí nữa là, qua những câu chuyện được chia sẻ trực tiếp và sống động của chính người trong cuộc trên Phố Bolsa TV, người Việt ở trong nước và nhiều nơi ở hải ngoại dường như hiểu nhau nhiều hơn, nhanh hơn, sâu sắc hơn.

Điều nuối tiếc nhất của tôi là chưa đủ sức để làm được những điều, những chương trình cần phải làm, trong đó có những chương trình từ thiện. Tôi còn nhớ trường hợp một bệnh nhân trẻ có hoàn cảnh rất khó khăn ở Tây Ninh bị căn bệnh hiểm nghèo, do các cộng tác viên ở Việt Nam thông báo cho biết. Khi Phố Bolsa TV đưa tin, nhiều khán giả trong và ngoài nước đã chung tay giúp đỡ. Tôi cũng đã liên lạc ráo riết với các tổ chức y tế từ thiện bên Mỹ để cứu. Thật đáng buồn, bệnh nhân đó đã qua đời trước khi được cứu chữa. Tôi bị ám ảnh mãi với trường hợp đó.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Cường (ghi)

Phát hành đặc biệt bộ tem kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Chiều 31/1, tại Hà Nội, Bộ TT&TT và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Lễ phát hành đặc biệt bộ tem “Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020)”. Trước đó, Bưu chính Việt Nam đã phát hành 10 bộ tem về Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trao giải Báo chí với phát triển bền vững 2019 và phát động cuộc thi năm 2020

Ngày 10/1/2020, Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED), các đơn vị đồng hành tổ chức lễ trao “Giải Báo chí với phát triển bền vững 2019” và phát động “Giải Báo chí với phát triển bền vững 2020”.

Hà Nội quy hoạch báo chí, giảm 10 tòa soạn báo, tạp chí

Sau sắp xếp, Hà Nội còn 8 cơ quan báo chí, trong đó có 5 báo in, 1 đài truyền hình Hà Nội và 2 tạp chí.

Sách Quốc gia 2019: Bộ sách đồ sộ của cố GS Phan Huy Lê được vinh danh

Bộ sách "Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển" do cố Giáo sư Phan Huy Lê tổng chủ biên cùng "Động vật chí và Thực vật chí VN" đạt giải A Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 2.

Giải thưởng sách Quốc gia: Mục tiêu cao nhất là lan tỏa tới độc giả

"Giải thưởng Sách Quốc gia hướng tới mục tiêu cao nhất là tạo sự lan tỏa ngày càng sâu rộng trong đời sống văn hóa, xã hội", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo chia sẻ.

Hà Tĩnh: Dịch vụ bưu chính công ích phát huy tốt vai trò và lợi thế

Việc giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn Hà Tĩnh đã đi vào ổn định và đang phát huy được vai trò lợi thế, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí, thời gian cho nhân dân khi thực hiện các thủ hành chính.

Hỏi ông Putin câu hỏi "chưa được duyệt", nữ phóng viên bị nghỉ việc bí ẩn?

Truyền thông Nga đang có suy đoán khác nhau về việc 1 nữ phóng viên đã bị buộc xin thôi việc sau khi đặt câu hỏi bất ngờ cho ông Putin trong cuộc họp báo thường niên ngày 19/12.

Cục Tần số: Sắp đấu giá băng tần 2.6Ghz để nâng cao chất lượng mạng 4G

ICTnews - Theo ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục Trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ TT&TT đang khẩn trương chuẩn bị đấu giá băng tần 2.6 Ghz để các nhà mạng tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng mạng 4G, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người sử dụng.

Cục trưởng Cục Viễn thông: "Thị trường viễn thông đã bão hòa, khó phát triển thuê bao di động"

ICTnews - Ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, thị trường viễn thông đã bão hòa, khó phát triển thuê bao mới. Vì vậy, Cục sẽ cần nghiên cứu phương án tạo động lực cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Các ngôi sao công nghệ thế giới sẽ đến Việt Nam vào tháng 9/2020

Hội nghị và triển lãm Thế giới số 2020 (ITU Digital World 2020) là sự kiện quan trọng của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) do Việt Nam đăng cai sẽ diễn ra từ 06-09/09/2020 tại Hà Nội.

Đang cập nhật dữ liệu !