Trung Quốc đứng đầu thị trường năng lượng hạt nhân
Nhà máy điện hạt nhân tại thành phố Hải Dương, tỉnh Sơn Đông đang trong quá trình xây dựng |
Mặc dù, trong năm 2012, điện hạt nhân chỉ đóng góp 1,2% tổng nhu cầu điện năng của Trung Quốc. Theo chiến lược tới năm 2020, chính phủ Trung Quốc sẽ nâng sản lượng điện hạt nhân lên mức 5% và cho xây mới khoảng 31 nhà máy điện hạt nhân – chiếm hơn 1/2 trong tổng số 68 nhà máy hiện đang được triển khai xây dựng trên toàn thế giới.
Hiện nay, các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc đang hoạt động với công suất 1,257 gigawatt – mức hiệu suất giữ nguyên từ thời điểm Bắc Kinh đưa ra các dự án năng lượng hạt nhân mới sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản hồi tháng 3/2011.
Theo đó, Trung Quốc đã tái khởi động xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới vào cuối năm 2012. Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch tăng công suất tại các nhà máy hạt nhân xây mới lên 4.000 MW vào năm 2015 và 5.800 MW tới năm 2020.
Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ Năng lượng hạt nhân quốc gia Trung Quốc (SNPTC) - Wang Binghua nhận định trong thời gian tới, các nhà máy điện hạt nhân mới được xây dựng sẽ đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn an toàn quốc tế và được trang bị các lò phản ứng thế hệ thứ 3 hiện đại nhất.
SNPTC cũng đang phát triển hệ thống an toàn hạt nhân thụ động cho các lò phản ứng AP1000 – vốn dùng lực tự nhiên như nhiệt độ và áp suất để kiểm soát cơ chế hoạt động từ đó ngăn được những thảm họa hạt nhân nguy hiểm như tại nhà máy Fukushima cách đây hơn 2 năm.
Theo tờ First Financial Daily, SNPTC đang cho khởi công xây dựng 2 nhà máy trang bị các lò phản ứng thế hệ thứ 3 tại huyện Tam Môn tỉnh Chiết Giang và thành phố Hải Dương tỉnh Sơn Đông. Theo dự kiến, nhà máy điện hạt nhân huyện Tam Môn sẽ chính thức đi vào sử dụng vào tháng 10/2014 trong khi nhà máy tại thành phố Hải Dương sẽ vận hành sản xuất điện vào tháng 12/2014.
Ngoài ra, SNPTC sẽ tiếp tục phát triển thêm chương trình hạt nhân tiên tiến vượt bậc mang tên CAP 1400 dựa trên công nghệ AP1000, sử dụng thế hệ lò phản ứng nước áp lực tiên tiến bắt đầu được xây dựng vào tháng 4/2014. Bên cạnh đó, ông Wang cho biết công ty SNPTC sẽ làm việc với các đối tác tại Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Đức cũng như vói các quốc gia mới nổi và đang phát triển để giúp Trung Quốc phát triển công nghệ điện hạt nhân trong tương lai.
Thảm họa động đất, sóng thần hôm 11/3/2011 tàn phá toàn bộ khu vực bờ biển phía đông bắc thủ đô Tokyo, Nhật Bản bao gồm nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi, gây mất điện cục bộ và hệ thống làm mát ngừng hoạt động, khiến các lò phản ứng bị tan chảy và phát tán phóng xạ ra bên ngoài môi trường. Hiện tại, nhà máy Fukushima vẫn chưa khôi phục hoạt động và liên tục gặp trục trặc kỹ thuật.
Sự cố tại nhà máy Fukushima đã tạo nên cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất trên thế giới kể từ sau vụ nổ lò phản ứng tại nhà máy Chernobyl năm 1986. Khoảng 19.000 người đã thiệt mạng, 160.000 người phải đi sơ tán cùng hàng trăm ngàn người mất nhà cửa sau thảm họa ngày 11/3 tại Nhật Bản.