Trung Quốc - ASEAN sẽ đàm phán về COC vào tháng 9/2013
Theo một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp tại Bruine hôm 30/6, các cuộc đàm phán về quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và 10 nước thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) sẽ bắt đầu vào tháng Chín tới. Tuyên bố trên cho thấy một kết quả khác hẳn với năm trước khi ASEAN không tìm được tiếng nói chung trong bối cảnh có những áp lực của Trung Quốc nhằm tránh thảo luận về vấn đề này tại các cuộc họp trong khu vực.
Các Bộ trưởng tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao thường niên ASEAN lần thứ 46 (AMM 46) ở Bruine hôm 30/6. |
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi (Vương Nghị) nói với các phóng viên: "Trung Quốc và các nước ASEAN là những láng giềng gần gũi và chúng tôi giống như những thành viên của một gia đình lớn. Chúng tôi tin rằng một ASEAN thống nhất, thịnh vượng và năng động đang tìm thấy sức mạnh lớn hơn thông qua sự thống nhất là mối quan tâm chiến lược của Trung Quốc".
Hôm 30/6, Philippines cho biết "sự hiện diện lớn của quân đội Trung Quốc và các tàu bán quân sự" trong Biển Đông đặt ra những "mối đe dọa đến nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trên biển trong khu vực". Đồng thời, nước này ủng hộ nỗ lực của ASEAN trong việc đưa ra một Bộ quy tắc ứng xử.
Tình hình 'ổn định'
Trong cuộc họp đầu tiên với các nước ASEAN kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng Ba vừa qua, ông Vương cho rằng tình hình chung tại Biển Đông là "ổn định". Ông cam kết sẽ nâng cấp một hiệp định thương mại ASEAN-Trung Quốc và "thúc đẩy" các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực [Regional Comprehensive Economic Partnership – RCEP], trong đó bao gồm các nước ASEAN, Trung Quốc và 5 quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương khác.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi (Vương Nghị) |
Các đây hai năm, ASEAN và Trung Quốc đã thông qua những hướng dẫn thực hiện thỏa thuận năm 2002, kêu gọi các nước tránh chiếm đóng những quần đảo tranh chấp, thông báo cho nhau những cuộc tập trận quân sự và giải quyết tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình. Kể từ đó, Trung Quốc đã từ chối những nỗ lực của ASEAN nhằm bắt đầu các cuộc đàm phán đưa ra Bộ quy tắc ứng xử và cho biết sẽ chỉ làm như vậy "khi điều kiện chín muồi".
'Sai lầm trong chiến lược'
Tuần trước, chính phủ Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết họ đang chuẩn bị một thỏa thuận cho phép Quân đội Mỹ tiếp cận Vịnh Subic - một căn cứ quân sự mà trước đây Mỹ đã từng sử dụng. Hôm 28/6, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin tuyên bố: Philippines cần những đồng minh để giúp bảo vệ an ninh và để chống lại những "lực lượng lớn hơn sẽ bắt nạt chúng tôi".
Theo kế hoạch, Ngoại trưởng John Kerry sẽ tới Brunei vào ngày hôm nay (1/7) để tham dự các cuộc họp thường niên này sau khi hội đàm với các nhà lãnh đạo Palestine và Israel.
Trong khi đó, ông Vương cho biết động thái dựa vào "các lực lượng bên ngoài" để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền là "vô ích và cuối cùng sẽ cho thấy đó là một sai lầm trong chiến lược, dẫn tới việc mất nhiều hơn được”. Hôm 30/6, ông cũng cho rằng, Trung Quốc đã chấp hành những quy định của thỏa thuận không ràng buộc năm 2002 để duy trì hòa bình trong những vùng biển này.
Ông Vương nói: "Trung Quốc sẽ tiếp tục xử lý đúng đắn những khác biệt cụ thể với một số quốc gia thông qua hiệp thương hữu nghị".
Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul ca ngợi mối quan hệ "mạnh mẽ" của khối ASEAN với Trung Quốc. Ông Surapong nói: “ Các cuộc đàm phán về quy tắc ứng xử là "một quá trình cần thời gian, sự kiên nhẫn và thận trọng". “Tôi tin tưởng rằng với sự quyết tâm mạnh mẽ của tất cả các bên, quá trình đàm phán sẽ không kéo dài", ông nói thêm.
Ngày bắt đầu
Bộ trưởng Ngoại giao Singapore K. Shanmugam nói rằng không có thỏa thuận nào mà đất nước này không thể tham gia trong việc quyết định chủ quyền của các nước đối với những quần đảo nhất định. Ông nói thêm rằng, sự gia tăng căng thẳng sẽ không mang lại lợi ích cho Trung Quốc hay các nước ASEAN và rằng các cuộc đàm phán là một bước đi tích cực.
Ông Shanmugam nói với các phóng viên: "Đây là điều mà nhiều quốc gia đã yêu cầu. Tất cả chúng ta sẽ sớm tiến tới một thỏa thuận. Nhưng điều quan trọng là chúng ta đã nhất trí về ngày bắt đầu".
Mỹ đã nhiều lần thể hiện sự quan tâm đến việc duy trì tự do hàng hải trong vùng biển và muốn giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại trực tiếp giữa các bên tranh chấp. Các quan chức Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc và các nước ASEAN nhất trí về một Bộ quy tắc ứng xử.
Bản đồ của Trung Quốc
Việt Nam và Philippines từ chối việc sử dụng bản đồ của Trung Quốc làm cơ sở thảo luận theo giải pháp mà Trung Quốc đưa ra.
Hôm nay (1/7), báo Sankei đã trích dẫn lời của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết, một tàu nghiên cứu dầu được cho là thuộc sở hữu của Công ty Dầu khí Ngoài khơi Thượng Hải, một đơn vị của Tập đoàn Hóa dầu Sinopec, Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông hồi tháng Sáu mà không có thông báo trước với chính phủ Nhật Bản.
Từ năm 2010, Trung Quốc đã liên tục cắt cáp tàu khảo sát của Việt Nam, xua đuổi một tàu thăm dò gần Philippines và triển khai giàn khoan nước sâu đầu tiên vào khu vực này. Năm ngoái, Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc đã mời thầu các công ty dầu khí nước ngoài đối với các khu vực hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa cho biết, trong bối cảnh những tranh chấp chính trên lãnh thổ vẫn còn, các Bộ trưởng ASEAN đã thống nhất về sự cần thiết phải cho ra đời Bộ quy tắc ứng xử. Philippines đang tìm trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp và nói rằng các cuộc đàm phán trực tiếp với Trung Quốc đã thất bại trong việc ngăn chặn tình trạng căng thẳng.
Natalegawa nói với các phóng viên sau cuộc họp: "Bộ quy tắc ứng xử sẽ giữ cho mọi thứ có trật tự để chúng tôi có những điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán".