Trẻ mới đi học chắc chắn sẽ nhiễm bệnh!
Con đi học được vài ngày thì đổ bệnh, sốt, ho, sổ mũi, mệt nhiều nên chị Kiều Ngân quyết định để bé ở nhà chăm sóc. Người mẹ trẻ lo lắng và bối rối vì thời gian tới con sẽ phải đi học trở lại, chị không biết phải làm cách nào để bảo vệ con trước nguy cơ bệnh liên tục tấn công.
Tương tự chị Ngân là trường hợp của chị Huyền Trang, do công việc cả 2 vợ chồng đều bận nhưng không có người chăm sóc con nên khi bé mới được 8 tháng tuổi, chị Huyền Trang phải cho đi nhà trẻ. Tuy nhiên, từ khi đi học, bé thường xuyên bị bệnh, gần như tháng nào cũng đi bác sĩ vài lần.
Chị tâm sự: “Mỗi khi trong lớp có 1 trẻ bị bệnh là bé nhà em nhiễm theo. Bệnh của bé hay kéo dài, các bé khác khỏi từ lâu, riêng con em thường phải mất một tuần sức khỏe mới bình phục. Vợ chồng em đi làm nhưng lúc nào cũng lo con đau bệnh trên lớp”.
Tâm trạng của 2 người mẹ ở trên là nỗi lo chung của hầu hết các bậc phụ huynh khi con em họ bước vào tuổi đi học.
Trẻ nhiễm bệnh khi đến trường khiến hầu hết phụ huynh lo lắng |
Đề cập đến những loại bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ trong mùa tựu trường, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho rằng: “Trẻ mới đi học chắc chắn sẽ nhiễm bệnh, phụ huynh đừng mong bé của mình không mắc bất kỳ bệnh gì bởi điều đó là không thể. Tuy nhiên, cần chủ động giải quyết các bệnh vặt và hạn chế nguy cơ mắc bệnh nặng cho trẻ”.
BS Hữu Khanh chỉ ra ở nhóm trẻ mầm non, các bệnh khiến trẻ rất dễ bị lây nhiễm gồm: hô hấp, tay chân miệng, cúm, bệnh sởi… Lý giải nguyên nhân trẻ dễ nhiễm bệnh, BS Hữu Khanh cho rằng: “Đối tượng dễ bị bệnh tấn công là những trẻ chưa có đủ miễn dịch trước khi đến trường. Tiếp xúc trong môi trường đông người sẽ có các tác nhân gây bệnh giao lưu với nhau, trẻ sẽ nhiễm bệnh bắt đầu với các biểu hiện, nóng, ho, sổ mũi, rối loạn tiêu hóa, đi cầu...”
Vào mùa bệnh, do tác nhân vi rút nếu không có giải pháp kiểm soát kịp thời thì vi rút sẽ lây lan dễ dàng với tốc độ nhanh hơn. Bệnh do vi rút thường gặp ở trẻ trong mùa tựu trường là tay chân miệng, hoặc cúm. Chỉ cần trong lớp có 1 trẻ mắc bệnh thì có thể lây cho cả lớp.
Đáng lưu ý, gần đây nhiều ca bệnh sởi đã xuất hiện, đang lưu hành ở một số khu vực, những trẻ trong vùng bệnh lưu hành nếu chưa được chủng ngừa đầy đủ thì chỉ cần 1 bé mắc bệnh có thể lây cho nhiều bé khác.
Cần chủ động phòng bệnh cho trẻ
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh ở trẻ, BS Hữu Khanh cho rằng, trước khi đưa trẻ đến trường, phụ huynh phải chuẩn bị cho bé cả về tâm lý và bệnh lý. Cụ thể, phụ huynh cần đưa trẻ đi chích ngừa đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh; tập cho bé thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân.
Người chăm sóc trẻ cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ, giữ nhà cửa thông thoáng, rửa tay dưới vòi nước sạch bằng xà bông trước khi tiếp xúc với trẻ.
Khi trẻ từ trường về nhà nếu có biểu hiện nhảy mũi, chảy nước mũi cần phải rửa mũi bằng nước muối sinh lý, thay quần áo, rửa tay chân, tắm cho trẻ bằng nước ấm, giữ ấm cơ thể bằng khăn khô ngay sau khi tắm để tránh trẻ bị nhiễm lạnh, đồ chơi và khu vực vui chơi của trẻ cần được khử khuẩn thường xuyên.
Chế độ ăn ngủ của trẻ là khâu đặc biệt quan trọng để duy trì nền tảng sức khỏe của trẻ. Phụ huynh và nhà trường cần đảm bảo cho trẻ ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, thay đổi món ăn theo bữa, tăng cường hàm lượng rau củ quả, đa dạng thức ăn sẽ tăng cảm giác ngon miệng giúp trẻ ăn được lượng nhiều hơn.
Trường hợp trẻ không may mắc phải những bệnh truyền nhiễm do vi rút như tay chân miệng, sởi… phụ huynh cần cho trẻ nghỉ học ở nhà điều trị đến khi có xác nhận trẻ đã khỏi bệnh hoàn toàn của bác sĩ mới cho trẻ trở lại trường.
Khi phát hiện trẻ bị bệnh, phụ huynh cần thông báo cho nhà trường để có giải pháp vệ sinh khử trùng, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm cho các bé khác.
Theo Dân trí